|
|||
Nhân dịp Sở KH-CN TPHCM kỷ niệm 40 năm thành lập, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi khá thẳng thắn. Phóng viên: Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của Sở KH-CN TPHCM, đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về KH-CN tại nơi được coi là đầu tàu kinh tế của cả nước trong thời gian qua? Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN: Chúng ta biết Sở KH-CN ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực này, giúp phát triển công nghệ để góp phần vào sự phát triển chung cả nước, của từng địa phương. TPHCM là một trong hai địa phương có số các trường đại học, Viện Nghiên cứu lớn nhất cả nước; cũng có số doanh nghiệp (DN) rất lớn, trong đó bao gồm lực lượng trí thức ở trong các DN. Vì vậy, đối với TPHCM, việc quản lý KH-CN bao hàm làm thế nào kết hợp được sức mạnh của các đơn vị Trung ương, các trường đại học, Viện nghiên cứu với sức mạnh của địa phương, phục vụ cho phát triển kinh tế của TP. TP đã hình thành Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học ở TPHCM, thông qua đó, để tất cả nguồn lực TP gắn với chỉ đạo yêu cầu của TP, làm thế nào kết nối được vùng về công nghệ theo yêu cầu của xã hội. TP là nơi đầu tiên trong cả nước đề xuất tổ chức Chợ thiết bị công nghệ, sau đó làm cấp vùng và sau này được Bộ KH-CN tham khảo, xây dựng thành cấp quốc gia. Như vậy, vai trò quản lý nhà nước của KH-CN không chỉ đầu tư cho nghiên cứu, mà còn kết nối cung cầu rất quan trọng. KH-CN góp phần tạo nên nền công nghiệp mũi nhọn, TPHCM đã quy hoạch đầu tiên cả nước Khu Công nghiệp phần mềm Quang Trung. TP cũng là một trong 2 địa phương đầu tiên quy hoạch khu công nghệ cao mà hiện nay đang phát triển tốc độ lớn nhất cả nước. Bên cạnh đó, là nơi quy hoạch Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, Viện nghiên cứu về sinh học… Đây cũng là TP đầu tiên và duy nhất ở cấp tỉnh, thành hình thành Viện khoa học công nghệ tính toán để phát huy được tiềm năng, đặc điểm của người Việt Nam về toán học và tin học, từ đó đưa giải pháp hiện đại phục vụ cho việc quản lý, phục vụ cho ngành chế tạo máy, nông nghiệp, quản lý đô thị... Trong nội dung quy hoạch, kế hoạch của TPHCM không chỉ có kế hoạch nghiên cứu, mà còn có kế hoạch, quy hoạch hình thành những tiềm lực mạnh về KH-CN. Với góc độ đó, chúng tôi thấy rằng Sở KH-CN Môi trường trước đây, nay là Sở KH-CN TPHCM đã làm tương đối tốt vai trò của mình. Theo đồng chí, Sở KH-CN TPHCM có thể phát huy vai trò ra sao? Sắp tới, TP có những chương trình đẩy mạnh nghiên cứu phát triển KH-CN và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, đó là vấn đề rất hay, là một hướng đi cực kỳ chính xác. Như tôi đã nói, cần có một chương trình hỗ trợ các DN khởi nghiệp, trong đó có chương trình quan tâm đến DN vừa khởi nghiệp. Trong chương trình này có chuẩn bị về nhân lực, đất nhu cầu thị trường, vốn, tư vấn. Làm sao TPHCM là một trong những nơi ra nhiều DN nhất cả nước. Cả nước có 1 triệu DN thì chắc TP phải gánh một nửa. Lãnh đạo Thành ủy TPHCM còn muốn nhiều hơn. Đây là sứ mạng vô cùng thiêng liêng. Cần đẩy mạnh nghiên cứu KH-CN - mũi nhọn của TP. Chúng tôi mong Sở KH-CN ở một TP sáng tạo đã có nhiều sáng tạo thì sáng tạo hơn nữa. Thời chúng tôi có những việc chưa làm được thì các bạn sẽ làm và sẽ làm tốt hơn. Rất mong Sở KH-CN TPHCM nỗ lực để khi nhìn lại 5 năm 2016-2021, TP thấy rằng KH-CN thực sự đã đóng góp tốt hơn 5 năm trước. Mong rằng TPHCM tiếp tục là đất lành chim đậu cả về KH-CN và kinh doanh đầu tư. Chíp SG8V1, một sản phẩm đến nay được ứng dụng trong nhiều thiết bị thương mại, là kết quả hợp tác của Sở KH-CN TPHCM với ICDREC và nhiều đơn vị khác. Ảnh: TẤN BA Để phát triển KH-CN, theo đồng chí vai trò của lãnh đạo chính quyền quan trọng thế nào? Một bài học trong vai trò 3 năm là Giám đốc Sở KH-CN, sau đó là 6 năm là Phó Chủ tịch UBND TPHCM phụ trách về công nghệ, 7 năm là Phó Thủ tướng cũng phụ trách công nghệ…, tôi thấy rằng, chúng ta chưa trả lời thẳng thắn ai cần KH-CN và ai hành động như thế nào. Vừa qua, tôi đọc văn kiện chuẩn bị Đại hội Đảng của nhiều tỉnh, thành, đáng buồn là một trong những mục mờ nhạt nhất lại là vấn đề thực hiện mô hình tăng trưởng mới trong đó phát huy vai trò nhân lực và KH-CN. Vì sao lại vậy, vì thực tế hàng ngày không đòi hỏi, cấp trên cũng không giao nhiệm vụ nên họ cũng không coi là quan trọng. Cần phải thay đổi tư duy. Người đứng đầu các cấp khi khó khăn không phải nghĩ tiền đâu mà cần phải nghĩ khoa học đâu, giải pháp khoa học để phát triển thì khoa học mới đạt được yêu cầu. Bởi không đòi hỏi thì không phát triển. Lý thuyết rất cần KH-CN nhưng thực tế người đứng đầu không đòi hỏi KH-CN, đấy là vấn đề. Tôi nghĩ cần phải thay đổi tư duy: ai cần KH-CN, nhà nước cần nhưng ở cơ sở không quan tâm nhiều; DN cần nhưng thực tế cũng không cần nhiều, không đầu tư. Còn nhà khoa học, họ rất muốn nghiên cứu những cái cần thiết cho xã hội nhưng không có tiền. Bây giờ cũng phải thay đổi, nhà khoa học muốn thành tựu của mình được sử dụng phải nói thật to tôi làm ra cái gì, có cái gì cho xã hội cần. Nhà khoa học Việt Nam đang trong tình trạng làm nhiều nói bé, khiêm tốn. Như vậy, cả 3 bên (người lãnh đạo, DN, nhà khoa học) đều cần phải có điều chỉnh, nhưng quan trọng nhất là 2 bên người đứng đầu các cấp và DN. Người quản lý phải có chiến lược, đặt hàng, đòi hỏi, còn DN phải đầu tư, quan tâm tranh giành những kết quả mới; cùng với đó, nhà khoa học phải “nói to” hơn kết quả nghiên cứu của mình. Trân trọng cảm ơn đồng chí!
|