|
|||
Phóng viên đã có dịp trao đổi với TS. Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, Chủ nhiệm Dự án “Sản xuất thử và phát triển giống cam sành không hạt LĐ6 theo hướng VietGAP tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long” mã số KC.06.DA 01/11-15 về những ưu điểm cũng như lợi thế sản xuất của cam sành không hạt trong việc thay đổi cơ cấu cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cho bà con nông dân. PV: Xin ông cho biết những đặc điểm nổi trội giữa cam sành không hạt so với cam sành thông thường hiện nay là gì? TS. Võ Hữu Thoại: Cam sành không hạt LĐ6 có vỏ mỏng và không bị sần so với cam sành có hạt, độ brix (tỷ lệ phần trăm giữa khối lượng đường saccharose và khối lượng dung dịch nước đường) của quả đạt 7,5- 8,0%; tỷ lệ nước của quả đạt 40-42 % cao hơn so với giống cam sành thông thường. Đặc tính nổi bật của giống cam sành không hạt LĐ6 là không có hoặc có rất ít hạt. (biến động từ 0-3 hạt/quả), trung bình 1,25 ± 1,16 hạt/quả, ít hơn so với cam sành thông thường là 10,85 hạt/quả. Thịt của quả có màu vàng đậm, đẹp hơn so với cam sành thông thường. Gốc phân cành của cam sành không hạt LĐ6 rộng nên có đường kính tán rộng hơn so với cam sành có hạt. Như vậy, cam sành không hạt LĐ6 có mẫu mã, chất lượng và giá trị dinh dưỡng, vượt trội so với cam sành thông thường. PV: Xuất phát từ đâu Viện có ý tưởng lai tạo giống cam sành không hạt LĐ6? TS. Võ Hữu Thoại: Cam sành được sử dụng vào ăn tươi và làm nước giải khát khá phổ biến hiện nay. Đặc điểm màu sắc và mùi vị thịt trái (con tép) được người tiêu dùng đánh giá cao và ưa chuộng. Tuy nhiên các yếu tố về độ dày vỏ, nhiều hạt và màu sắc vỏ trái chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng cho mục đích ăn tươi và chế biến nước ép quả. Xuất phát từ nhu cầu trên, trong khuôn khổ của đề tài tuyển chọn cấp Bộ “Nghiên cứu chọn tạo giống và xây dựng qui trình sản xuất tiên tiến (GAP) cho một số cây ăn quả chủ lực: Dứa, bưởi, xoài, thanh long cho các tỉnh phía Nam”,Viện Cây ăn quả miền Nam đã áp dụng phương pháp xử lý tia gamma trên mầm ngũ cành cam sành có hạt đã được trồng phổ biến ở miền Nam. Sau quá trình triển khai nghiên cứu, Viện đã chọn được một dòng cam sành không hạt mang mã số CS-M-415 có đặc tính không hạt ổn định qua cả 3 lần ghép với số hạt/quả biến động từ 0-3 hạt/quả. Dòng cam sành không hạt này đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tạm thời với mã số LĐ6. Cam sành không hạt LĐ6 được cho phép sản xuất thử nghiệm 90.000 cây giống và xây dựng mô hình 09 ha theo hướng VietGAP tại các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang (thuộc chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.06/11-15).
TS. Võ Hữu Thoại PV: Việc triển khai nhân giống cây này có gặp khó khăn gì, thưa ông? TS. Võ Hữu Thoại: Khó khăn hiện nay là muốn nhân giống cam sành không hạt mất khá nhiều thời gian. Thông thường, để có cây giống cam sành không hạt cần thời gian 10-12 tháng (gốc ghép khoảng 6 - 7 tháng, ghép khoảng 4-5 tháng). Do vậy, để có số lượng cây giống 90.000 cây cần có số lượng mắt nghép tương ứng. Nhưng để có đủ 90.000 mắt ghép được nhân từ các cây đầu dòng cam sành không hạt LĐ6 ban đầu là điều rất khó và cần có thời gian dài. Chính vì thế, những năm đầu dự án thực hiện chậm tiến độ so với kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, giống cam sành không hạt LĐ6 là giống mới nên cần được nghiên cứu đầy đủ hơn về kỹ thuật canh tác để đưa ra qui trình chăm sóc và quản lý giống này được hiệu quả hơn. PV: Ngoài việc triển khai tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, khả năng nhân rộng cam sành không hạt ra các địa phương khác để bà con nông dân có cơ hội tiếp cận với giống cây trồng mới có giá trị cao, thưa ông? TS. Võ Hữu Thoại: Ngoài các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay cây cam sành không hạt đã được trồng tại một số tỉnh miền Bắc như Tuyên Quang, Yên Bái với diện tích ban đầu là 5 ha, (trồng tháng 4/2015), kết quả bước đầu cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt trên các vùng đất này. Như vậy, giống cam sành không hạt LĐ6 có thể triển khai trồng trên diện rộng tại các tỉnh thành khác. PV: Vậy người dân có thể tiếp cận giống cam sành không hạt này ở đâu? TS. Võ Hữu Thoại: Bà con nông dân có thể liên lạc với Viện Cây ăn quả miền Nam, hoặc các Trung tâm giống Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang để đặt hàng mua cây giống cam sành không hạt LĐ6 sạch bệnh.
Cam sành không hạt tại Cái Bè (Tiền Giang) PV: Theo ông, việc nhân rộng trồng cam sành không hạt trong thời gian tới sẽ tạo hướng đi mới trong cho bà con nông dân trong việc lựa chọn thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập và hiệu quả sản xuất như thế nào? TS. Võ Hữu Thoại: Cây cam sành là một trong các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế rất cao, mang lại thu nhập lớn cho bà con nông dân. Hiện nay cam sành được trồng ở nhiều ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long như: Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long... Quả cam sành có hạt hiện nay có nhu cầu tiêu thụ rất lớn ở thị trường trong nước, nhất là ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, nhưng nhược điểm của giống này là có nhiều hạt, vỏ dày nên khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng cho mục đích ăn tươi và chế biến nước ép quả. Đặc biệt, với giống cam sành không hạt LĐ6 sau 3 năm trồng có thể thu hoạch được ≥ 10 tấn/ha, nếu với giá bán 25.000 đồng/kg, bà con nông dân có thể thu được khoảng 250 triệu đồng/ha. Quả cam sành không hạt LĐ6 được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khi phân tích không phát hiện có chứa dư lượng thuốc BVTV và kim loại nặng. Việc triển khai trồng cây cam sành không hạt LĐ6 sẽ dần thay thế cho cây giống cam sành có hạt hoặc trồng mới, thay thế các loại cây trồng có năng suất và giá trị thấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. PV: Để có được thành công của Dự án, Bộ KH&CN đã có những hỗ trợ gì, thưa ông? TS. Võ Hữu Thoại: Dự án đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Văn phòng các Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước; Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước KC.06/11-15 giúp Ban chủ nhiệm triển khai thành công dự án này. Xin trân trọng cảm ơn ông! Bài, ảnh: Ngũ Hiệp
|