|
|||
Tại Demo Day 2016, 11 nhóm khởi nghiệp (startup) tham gia thuyết trình, giới thiệu các dự án, những gì họ đã, đang, sẽ làm để giúp cuộc sống tiện nghi, tốt đẹp hơn trước các nhà quản lý, nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các startup này hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau từ giáo dục, xây dựng, công nghệ thông tin, kết nối, thẩm mỹ,… cho đến lĩnh vực y tế và thực phẩm, đó là: Utimai, School bus, Kera, Social Resource Allocation (SORA), Torki Kebap, EZ4Home, Vocap, Caganu, Booknhanh, Regen, VNDream. Điều đặc biệt, các nhóm khởi nghiệp có điểm chung là tuổi đời khá trẻ, đam mê khởi nghiệp và đều sử dụng công nghệ thông tin cho những ý tưởng khởi nghiệp của mình. Nổi bật như Utimai là mạng xã hội di động với mục đích xử lý các vấn đề thường xuyên phát sinh trong cuộc sống hàng ngày thông qua việc tận dụng mối quan hệ xung quanh một cá nhân và biến mối quan hệ đó thành lợi ích kinh tế; Schoolbus sử dụng nền tảng truyền hình trực tuyến trên internet dành cho giáo viên và học sinh phổ thông trung học. Hay Regen là một nền tảng để kết nối nhanh nhất giữa những người có nhu cầu về máu và những người có thể hiến máu; Vocap – giải pháp giúp người học có thể nhớ được 1.000 từ chỉ trong 30 ngày với việc chỉ dành 30 phút mỗi ngày;… Phát biểu tại Demo Day 2016, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng, Hàn Quốc đã đi lên bằng thương hiệu của chính họ. Việt Nam có thể trở thành một nước công nghiệp hay không phụ thuộc hoàn toàn vào chính chúng ta. Cần xây dựng được thương hiệu của mình, cung cấp được cho thế giới những sản phẩm của chính chúng ta, đó mới là điều quan trọng. “Chúng ta hãy cùng nhau khởi nghiệp. Mặc dù khởi nghiệp sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Có thể nói chúng ta đã đi lên từ con số 0, cả từ nền tảng pháp lý của quốc gia lẫn kinh nghiệm, vốn. Chúng ta chỉ có sẵn một thứ đó là trí tuệ. Tôi vẫn tin trí tuệ Việt Nam không thua kém các dân tộc khác, không có lý gì chúng ta không trở thành quốc gia khởi nghiệp như Israel, Hàn Quốc, Singapore...”, TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh. TS. Nguyễn Quân cho rằng, Đề án “Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam - Vietnam Silicon Valley (VSV) đã đạt được một số kết quả nhất định và tạo dựng được một số startup thành công. Nhưng chỉ VSV thì chưa đủ, chúng ta cần có hàng ngàn VSV. Một quốc gia khởi nghiệp phải có hàng trăm ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp thành công từ nền tảng nghiên cứu và ứng dụng phát triển KH&CN. Qua 2 năm liên tiếp tham dự Chương trình Demo Day, TS. Nguyễn Quân nhận thấy hầu hết các startup đều trình diễn những ý tưởng sáng tạo nhưng chỉ tập trung ở lĩnh vực hẹp là công nghệ thông tin và dịch vụ. Theo ông, một quốc gia phát triển không chỉ có công nghệ thông tin, dịch vụ mà cần có những sản phẩm công nghiệp và mong VSV tìm được các startup trong lĩnh vực điện tử, vật liệu,… Chỉ có như thế sự phát triển của Việt Nam mới có thể đồng bộ, toàn diện và đem lại những hiệu quả kinh tế cao hơn. Tin, ảnh: Hạnh Nguyên |