Bản in
Điểm tin KH&CN từ ngày 11-17/6
Xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản; Bình Định - điểm đến của các nhà khoa học đỉnh cao quốc tế; Học sinh Sài Gòn chế xe lăn vượt địa hình được giải quốc tế;...là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản

Nhóm nghiên cứu của Bệnh viện Phổi Trung ương do PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ đứng đầu mới đây đã xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản (UTPQ) sử dụng ánh sáng huỳnh quang qua nội soi phế quản, quy trình chẩn đoán gen VGFR trong ung thư phế quản và quy trình điều trị đích ung thư phế quản bằng Bevacizumab phù hợp và khả thi tại Việt Nam

Kết quả, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công quy trình sàng lọc ung thư phế quản sử dụng ánh sáng huỳnh quang qua nội soi phế quản. Quy trình đơn giản, có thể áp dụng tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Đồng thời, xây dựng thành công quy trình chẩn đoán gen VGFR trong ung thư phế quản. Quy trình phát hiện bộc lộ gene VEGF mRNA và kiểu gene VEGF đã được xây dựng với các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm và cho kết quả xét nghiệm gen chính xác. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng sinh phẩm chế tạo tại đơn vị nghiên cứu, giá thành rẻ hơn của nước ngoài nhưng kết quả tương tự. Quy trình này có thể ứng dụng rộng rãi tại bất kỳ phòng xét nghiệm sinh học phân tử nào. (Theo Dân trí 16/6).

Bình Định - điểm đến của các nhà khoa học đỉnh cao quốc tế

Gặp gỡ Việt Nam cùng với sự ra đời của Trung tâm nghiên cứu khoa học giáo dục, Bình Định sẽ là "điểm hẹn" hấp dẫn cho các nhà khoa học trong và ngoài nước.

 

Năm ngoái, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương hữu nghị cho Giáo sư Lê Kim Ngọc và Giáo sư Trần Thanh Vân (bên phải ngoài cùng), ghi nhận cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc trẻ em hơn 40 năm qua của hai người.

Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" diễn ra tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) thành phố Quy Nhơn, Bình Định, từ 26/6 đến 17/12, với sự tham gia của hơn 1.600 đại biểu, trong đó có 6 giáo sư đạt giải Nobel, một giáo sư đạt huy chương Fields cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng. 

Với tâm huyết của giáo sư Vân và sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, Bình Định hứa hẹn trở thành điểm gặp gỡ và giao lưu khoa học chất lượng cao không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực. (Theo vnexpress.net 16/6).

Học sinh Sài Gòn chế xe lăn vượt địa hình được giải quốc tế

Hai học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vừa trở về từ Mỹ với giải ba tại cuộc thi khoa học và kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) do Tập đoàn Intel tổ chức. Sản phẩm đoạt giải là chiếc xe lăn sáng chế có thể vượt mọi địa hình - TN98.

Vinh dự hơn, Ngân – Trúc được mời đến giao lưu với tổng thống Mỹ Obama khi ông đến Sài Gòn. “Mình rất vui khi được tiếp xúc với tổng thống Mỹ. 

Cái tên TN98 được hai bạn ghép từ chữ cái đầu của Trúc - Ngân và năm sinh 1998. Xe dài 1,27 m; rộng 65 cm; cao 1,52 m; chạy bằng điện được sáng chế dựa trên ý tưởng ứng dụng hệ thống cân bằng động hoàn toàn mới.

Xe lăn được trang bị bộ điều khiển để có thể tiến, lùi, dừng, rẽ trái, phải và cảm biến tự điều chỉnh độ nghiêng của ghế. TN98 có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng di chuyển qua các khu vực hẹp như cửa ra vào, hành lang, thang máy, bậc tam cấp...(Theo vnexpress.net 16/6).

Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng: Đổi mới sáng tạo bắt đầu từ đổi mới quản lý ngành

Một hệ sinh thái khởi nghiệp như thế sẽ là một phần trong kế hoạch 5 năm (2015 - 2020) Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM đang bắt tay xây dựng, với mục tiêu giúp TPHCM trở thành thành phố khởi nghiệp sáng tạo. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng , Giám đốc Sở KH-CN TPHCM với phóng viên Báo SGGP trong thời điểm dòng chảy khởi nghiệp đang cuồn cuộn trong lòng thành phố.

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết: “Theo khảo sát gần đây do chúng tôi thực hiện cho thấy, TPHCM đang hình thành một cộng đồng khởi nghiệp đông đảo nhưng còn rời rạc và thiếu đi những mắc xích cần thiết. Để cộng đồng khởi nghiệp mạnh và bền vững, phải có hệ sinh thái khởi nghiệp đi kèm, với sự tham gia của Nhà nước, viện - trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, các tổ chức trung gian như vườn ươm,… Trong đó, Nhà nước cần có chính sách về hỗ trợ cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực cho đội ngũ khởi nghiệp, kể cả hỗ trợ đào tạo và phát triển các tổ chức trung gian, chính sách hỗ trợ thuế, chính sách hỗ trợ tài chính…

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng “KH-CN và đổi mới sáng tạo đang lan tỏa mọi ngóc ngách của cuộc sống. Bất kỳ một vị trí nào, lĩnh vực nào cũng liên quan đến đổi mới sáng tạo cả. Phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo không phải chỉ là chế tạo một cái máy, nghiên cứu một công thức khoa học, mà còn là những ý tưởng, mô hình, giải pháp sáng tạo để làm cho công việc hàng ngày của mỗi người, mỗi đơn vị nhanh hơn, hiệu quả hơn, năng suất hơn. Chỉ khi nào từ cấp lãnh đạo đến mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ đổi mới sáng tạo là trách nhiệm và là việc làm thường xuyên, thì lúc đó KH-CN mới thực sự trở thành động lực phát triển” (Theo Sài gòn giải phóng 16/6).

Sử dụng ứng dụng điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước

Ý tưởng sử dụng ứng dụng của điện thoại di động phát hiện rò rỉ trên hệ thống cấp nước của ba sinh viên Trường đại học (ĐH) Bách khoa TP Hồ Chí Minh đã giành chiến thắng trong cuộc thi Sáng kiến thông minh về nước năm 2016 do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp Tổng cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.


Nhóm sinh viên thảo luận về giải pháp sử dụng ứng dụng điện thoại di động phát hiện chỗ rò rỉ nước.

Là sinh viên năm thứ tư của Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, nhóm tác giả gồm: Trịnh Quốc Anh, Nguyễn Trần Quang Khải và Võ Phi Long đã dựa trên góc nhìn của các kỹ sư tương lai để tìm ra giải pháp giải quyết thách thức vì một nguồn nước bền vững. Trịnh Quốc Anh, một thành viên của nhóm cho biết, theo số liệu thống kê của TP Hồ Chí Minh, khoảng 30% số lượng nước bị hao tổn trong quá trình phân phối nước. So với tỷ lệ thất thoát nước ở Tô-ky-ô là 3% và ở Xin-ga-po là 4% thì đây là một con số khổng lồ. Nhận thấy điện thoại di động đang được sử dụng rộng rãi với nhiều tính năng thông minh, nhóm sinh viên nói trên đã quyết định đưa ra cách giải quyết vấn đề rò rỉ nước bằng ứng dụng của điện thoại di động. Ứng dụng này sẽ cho phép người dùng có thể chủ động cung cấp thông tin về khu vực đường ống bị rò rỉ để kịp thời sửa chữa, ngăn chặn việc thất thoát nước. (Theo Nhân Dân 11/6).

 

 Hà Trang (Tổng hợp)