|
|||
Đây chính là mục tiêu Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sơ chế, bảo quản dược liệu sau thu hoạch ở quy mô công nghiệp” do ThS. Tạ Phương Thảo, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch Chủ nhiệm. Từ nguồn nguyên liệu có sẵn... Việt Nam có nguồn dược liệu rất phong phú nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu tới 70% nguyên liệu dược liệu từ nước ngoài với giá thành cao và chất lượng khó kiểm soát. Một trong những giải pháp hữu hiệu đó là tăng cường áp dụng KH&CN vào sơ chế và bảo quản sau thu hoạch dược liệu để hạn chế tổn thất cho nông dân.Trong số hơn 12.000 loài thực vật tại Việt Nam thì có tới 4.000 loài cây dược liệu. Theo số liệu của Bộ Y tế, tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước tính hàng năm khoảng 5.000 tấn. Doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu năm 2012 đạt 3.500 tỷ đồng. Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược liệu Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ là phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất thuốc từ dược liệu, trong đó mục tiêu cụ thể đến năm 2020 là sản xuất dược liệu đáp ứng được 20% nhu cầu trong nước, sản xuất thuốc đáp ứng 80% nhu cầu trong nước, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%. ThS. Tạ Phương Thảo cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 300 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu, nhu cầu nguyên liệu là các cây dược liệu khoảng 60.000 tấn/năm, trong khi đó Việt Nam mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15,600 tấn/năm, con số này quá nhỏ bé so với nhu cầu. Do chỉ đáp ứng được quá ít nên phần còn lại Việt Nam phải đi nhập khẩu từ nước ngoài với giá thành cao. Mặt khác, các chuyên gia dược liệu cho rằng, chất lượng cũng là điều đáng lo ngại, hầu hết dược liệu khi đến tay người tiêu dùng đều qua khâu chế biến. Tuy nhiên, công đoạn chế biến và chất lượng của dược liệu hiện nay đang còn lạc hậu, chủ yếu được ứng dụng theo hình thức sản xuất thủ công bằng kinh nghiệm cổ truyền. Bên cạnh đó, việc khai thác và trồng dược liệu ở nước ta chưa được quan tâm đầu tư xứng với tiềm năng. Trên thực tế, sản xuất dược liệu còn quá manh mún, nhỏ lẻ chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến nên cả sản lượng và chất lượng còn kém. Đặc điểm của các cây dược liệu là rất dễ bị hỏng sau thu hoạch nếu không được bảo quản tốt nhưng ở Việt Nam chưa có nhiều nghiên cứu có hiệu quả về công nghệ sơ chế, bảo quản dược liệu sau thu hoạch nên gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Đây thực sự là thực tế đáng tiếc đối với một nguồn nguyên liệu phong phú như Việt Nam Hiệu quả kinh tế lớn Nhằm tận dụng có hiệu quả nguyên liệu dược liệu phong phú của Việt Nam, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ được triển khai Đề tài trên với mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ sơ chế và bảo quản tiên tiến phù hợp với thể chất của 3 loại dược liệu là Hoài Sơn, Giảo cổ lam và Cúc hoa. Tiếp đó, nhóm nghiên cứu cũng hướng tới mục tiêu chế tạo một số thiết bị chính và hoàn thiện mô hình sơ chế và bảo quản dược liệu, đưa vào sản xuất với quy mô 100 kg/nguyên liệu/mẻ. Sản phẩm tạo ra từ Hoài sơn, Cúc hoa đảm bảo chất lượng ổn định với mức đạt và vượt theo tiêu chuẩn dược liệu Việt Nam IV, trong thời gian tối thiểu 12 tháng bảo quản đối với Giảo cổ lam.
Thiết bị sấy đa năng bằng bơm nhiệt kết hợp bức xạ hồng ngoại dạng thùng quay
Từ kết quả tổng quan đã tổng hợp thực trạng, đặc điểm,… của các loại dược liệu, nhóm nghiên cứu đã đề xuất xây dựng 2 mô hình nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở tiếp nhận và phát triển công nghệ tiên tiến, mặt khác vừa kế thừa, cải tiến hoàn thiện công nghệ hiện có. Mô hình thứ nhất được triển khai theo hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy bơm nhiệt kết hợp hồng ngoại. Công nghệ này nâng cao được tính hiệu quả hấp thụ ẩm và đặc biệt là khả năng diệt khuẩn của hồng ngoại. Thiết bị này được mô hình sấy ứng dụng phù hợp với bản chất dược liệu. Xây dựng quy trình công nghệ sấy cho cả 3 loại dược liệu quy mô phòng thí nghiệm. Thiết kế, chế tạo mô hình thiết bị sấy bơm nhiệt kết hợp hồng ngoại, quy mô 100 kg nguyên liệu mẻ. Mô hình thứ hai nhóm nghiên cứu xây dựng là nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy xông sinh nhằm kề thừa kinh nghiệm theo công nghệ y học cổ truyền, kiểm soát mức dư lượng lưu huỳnh trong sản phẩm và mức độ ô nhiễm môi trường từ nguồn khí thải trong quá trình xông sinh. Mô hình được thiết lập sấy cho Hoài sơn, Giảo cổ lam và Cúc hoa quy mô phòng thí nghiệm. Thiết kế, chế tạo mô hình thiết bị sấy xông sinh có hệ thống SO2 quy mô 100 kg nguyên liệu/mẻ. Trên cơ sở phối hợp nghiên cứu triển khai giữa cơ quan Chủ trì Đề tài là Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch với Công ty Cổ phần Traphaco để tổ chức khảo sát lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình ứng dụng phù hợp với tiêu chí nghiên cứu. Mô hình đã được xây dựng tại Công ty Cổ phần công nghệ cao Traphaco tại tỉnh Hưng Yên. Với tiềm lực là doanh nghiệp hàng đầu về năng lực nghiên cứu, sử dụng nguyên liệu thuần Việt sản xuất các dược liệu nguồn gốc thiên nhiên hiệu quả điều trị cao, Công ty Cổ phần Traphaco với nhóm thực hiện Đề tài đã mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Từ những kết quả thu được về đánh giá hiệu quả kỹ thuật của mô hình và dựa trên các đánh giá về tổ chức sản xuất thực tế đã triển khải, vốn đầu tư, khấu hao thiết bị nhà xưởng, giá nguyên liệu, sản phẩm tham khảo trên thị trường, đề tài đã tính toán sơ bộ được hiệu quả kinh tế. "Với số liệu dự kiến hiệu quả kinh tế mô hình sơ chế bảo quản dược liệu quy mô công nghiệp 100kg/mẻ, tạm tính trong 3 tháng sản xuất thử nghiệm cho thấy tỷ lệ lãi ròng so với vốn đầu tư 1,17% và tỷ lệ lãi ròng so với tổng doanh thu là 5,73% là tương đối hiệu quả đối với sản xuất quy mô nhỏ. Nếu trên cơ sở mô hình ứng dụng này được nâng quy mô lên 500 – 1000kg/mẻ thì hiệu quả kinh tế sẽ nâng lên đáng kể", Ths. Thảo chia sẻ. PGS.TS. Trịnh Văn Qùy, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài cho biết, điểm đặc biệt của Đề tài là đã cho ra đời giải pháp hữu ích “Thiết bị sấy đa năng bằng bơm nhiệt kết hợp bức xạ hồng ngoại dạng thùng quay”. Bước đầu nhóm nghiên cứu Đề tài đã thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ bơm sấy nhiệt - hồng ngoại và bảo quản chùm ngây cho doanh nghiệp có hiệu quả với giá 350 triệu đồng/máy. Trong thời gian tới, nếu Đề tài được triển khai tiếp dự án thử nghiệm thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn cho ngành dược liệu tại Việt Nam. Bài, ảnh: Hoàng Anh |