|
|||
Một số kết quả nổi bật Đánh giá về lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, lĩnh vực này là một hợp phần đặc biệt quan trọng của KH&CN nói chung. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, những thành tựu quan trọng nhất của KH&CN đều xuất phát từ mục đích quân sự và phục vụ cho mục đích quân sự đầu tiên. Ngoài các các đặc điểm chung của KH&CN, các sản phẩm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự có những yếu tố đặc thù như: các chỉ tiêu, yêu cầu khắt khe; độ bền, độ tin cậy của sản phẩm hoàn toàn khác so với sản phẩm KH&CN thông thường; yêu cầu về khả năng vận hành, tác chiến và độ ổn định trong nhiều môi trường tác chiến khác nhau. Ngoài ra, các sản phẩm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự còn chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, nguy hiểm khi nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Điều này đòi hỏi người làm Khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự cần có bản lĩnh, kỷ luật an toàn lao động cao. Mặt khác, với sự phát triển nhanh chóng của KH&CN thế giới, các cuộc chiến tranh hiện nay đều triển khai sử dụng vũ khí, khí tài công nghệ cao trong các điều kiện tác chiến mới, chính vì thế, chúng ta cần thiết phải nâng cao năng lực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đáp ứng các yêu cầu tác chiến mới đồng thời giúp chúng ta làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, tiết kiệm nguồn lực ngoại tệ để phục vụ cho kinh tế, dân sinh. Trong những năm qua, Bộ KH&CN đã hỗ trợ Bộ Quốc phòng đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự thông qua chương trình phối hợp công tác giữa hai Bộ được ký kết lần đầu năm 2003 và lần hai năm 2015. Hoạt động này đã có đóng góp ngày càng nhiều vào việc hiện đại hóa quân đội. Một số sản phẩm khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự nổi bật của Bộ Quốc phòng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận như: Công trình Đại đội pháo 37 tác chiến ngày và đêm; Cụm công trình nghiên cứu và sản xuất vũ khí bộ binh; Cụm công trình nghiên cứu, thiết kế nhà giàn DK1; Công trình nghiên cứu thiết kế đóng mới tàu tên lửa Molnhia; tàu pháo TT400TP; các tàu cảnh sát biển… Các công trình này đã có đóng góp không nhỏ nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội có vai trò ngày càng gia tăng trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc. Các chương trình, đề án khác như: Đề án KC.I đã làm chủ công nghệ và nội địa hóa được khoảng 70% các chi tiết của tên lửa phòng không tầm thấp hỗ trợ cho dự án I và hiện đang chuẩn bị kết thúc và dự kiến bắn thử nghiệm vào cuối năm nay; Đề án KC.T đã góp phần nắm bắt công nghệ, chế tạo các chi tiết, linh kiện phục vụ khai thác, bảo đảm kỹ thuật cho tổ hợp tên lửa Uran-E; Đề án KC.NQ-06 đã góp phần giúp các đơn vị nghiên cứu trong quân đội nắm bắt công nghệ thiết kế, chế tạo một số loại vũ khí, đạn dược bộ binh, hải quân, một số sản phẩm đã được bắn thử nghiệm vào tháng 9 vừa qua và dự kiến có thể triển khai sản xuất loạt “0” trước khi sản xuất loạt đưa vào trang bị của quân đội. Ngoài mục đích chính phục vụ quốc phòng, một số công trình còn có tính lưỡng dụng góp phần vào kinh tế dân sinh như công trình nghiên cứu đạn bắn vỉa phục vụ khai thác dầu khí; công trình nghiên cứu sản xuất lốp máy bay phục vụ cho máy bay chiến đấu và dân sinh; các nghiên cứu y dược học quân sự ngoài phục vụ chữa bệnh cho bộ đội còn góp phần không nhỏ vào phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân; sản phẩm thức ăn năng lượng cao phục vụ cho bộ đội và dân sinh làm việc trong các điều kiện khắc nghiệt… Nhìn chung, các nhiệm vụ khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự được nghiên cứu, triển khai và thực hiện bài bản và nghiêm túc, thành tựu đã đạt được cho thấy khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự đã và đang đóng góp tỷ trọng không nhỏ trong toàn ngành KH&CN nói chung cũng như đóng góp thiết thực vào hiện đại hóa quân đội. Phát triển khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN, Bộ KH&CN đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật KH&CN năm 2013 với những đổi mới quan trọng trong cơ chế quản lý hoạt động KH&CN nói chung và khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự nói riêng, trong đó nổi bật là thực hiện cơ chế đặt hàng nhiệm vụ KH&CN gắn với trách nhiệm sử dụng kết quả; áp dụng cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; đảm bảo cấp phát tài chính kịp thời, phù hợp với tiến độ đặt hàng và phê duyệt nhiệm vụ, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà khoa học; thay đổi phương thức cấp kinh phí thường xuyên cho các tổ chức KH&CN công lập thông qua nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nhằm phát huy cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Với định hướng huy động tiềm lực KH&CN ngoài nhà nước phục vụ quốc phòng, Bộ KH&CN đã và đang hỗ trợ các chương trình phối hợp nghiên cứu KH&CN giữa Bộ Quốc phòng và một số đơn vị ngoài nhà nước với mục tiêu tận dụng nguồn chất xám bên ngoài nhằm triển khai Nghị định số 19/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Tại thời điểm hiện tại, Bộ KH&CN đang hỗ trợ Bộ Quốc phòng triển khai 03 chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ Quốc phòng với: Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhằm huy động nguồn lực ngoài nhà nước phục vụ quốc phòng. Đối với một số nhiệm vụ nghiên cứu mang tính chất đặc thù, có yêu cầu bảo mật cao, Bộ KH&CN đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để tạo hành lang pháp lý cho Bộ Quốc phòng có thể triển khai nhanh chóng. Cụ thể, 02 sản phẩm quốc gia của Bộ Quốc phòng thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù theo Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 30/7/2015. Ngoài ra, với các nhiệm vụ khác thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an báo cáo Ban chỉ đạo về việc xin áp dụng cơ chế đặc thù cho các dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng – an ninh tham gia Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao như đối với 02 sản phẩm quốc gia. Bộ KH&CN luôn ưu tiên và hỗ trợ các nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng nhằm mục đích góp phần xây dựng và củng cố nền quốc phòng Việt Nam. Với các nhiệm vụ có tính chất đặc biệt đặc thù, Bộ KH&CN hỗ trợ dưới dạng các nhiệm vụ cấp Bộ nhằm bảo đảm yếu tố bảo mật và phù hợp quy trình. Hà Chi
|