|
|||
Đề tài đã xây dựng được bộ số liệu mới cập nhật về hiện trạng phân bố các hệ sinh thái trong các đầm hồ ven biển miền Trung, các số liệu về môi trường sinh thái, tài nguyên sinh vật và phi sinh vật của các hệ sinh thái điển hình tại 03 đầm lớn (Nại, Thị Nại, Tam Giang - Cầu Hai). Đề tài đã đánh giá được mức độ suy thoái, nguyên nhân gây suy thoái và diễn thế sinh thái của các đầm này để lựa chọn giải pháp phục hồi phù hợp. Sau thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bộ bản đồ, sơ đồ thông tin về diện tích, phân bố các hệ sinh thái cơ bản tại 12 đầm hồ. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn và triển khai áp dụng thử nghiệm 04 mô hình phục hồi, bảo tồn các hệ sinh thái vùng triều, rừng ngập mặn ven đầm và giữa đầm. Điển hình, nhóm nghiên cứu Đề tài đã thử nghiệm thành công mô hình phục hồi hệ sinh thái bãi triều từ các đầm nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả và bỏ hoang khu vực đầm Nại, cây ngập mặn đã tự phục hồi với mật độ trung bình đạt 100-120 cây/ha/2 năm. Nguồn lợi thủy sản sống kèm được khai thác cho giá trị đạt 64 triệu/ha/năm ở khu vực xã Tân Hải và Phương Hải. Phương pháp trồng phục hồi rừng ngập mặn bằng nguồn giống ương nuôi từ quả và cây con của các loài mắm và đước còn sót lại ở đầm Nại, với tỷ lệ sống cao đã được thử nghiệm thành công. Bên cạnh đó, Đề tài đã áp dụng thành công các mô hình nuôi xen canh kết hợp các nguồn lợi trong đầm như hải sâm với cá mú, hải sâm trên nền bãi triều cát, hàu với cá mú và tôm với rong nho với lãi ròng đạt 42-150 triệu/ha/vụ. Các kết quả ứng dụng của đề tài đã được người dân, chính quyền địa phương đánh giá cao và đề nghị chuyển giao. Đề tài cũng đã đã xác định được mức độ suy thoái và nguyên nhân suy thoái tác động lên hệ. Dựa vào các căn cứ quan trọng này, Đề tài đã xây dựng được các lộ trình và quy trình phục hồi các chức năng hệ sinh thái cũng như tiếp cận quản lý nguồn lợi dựa vào hệ sinh thái. Bước đầu, Đề tài đã lượng hóa được các dịch vụ hệ sinh thái của đầm hồ làm căn cứ cho việc dung hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tự nhiên. Thông qua đó giúp các nhà hoạch định có thể quy đổi được giá trị đánh đổi của đa dạng sinh học đầm hồ với các hoạt động phát triển kinh tế ở khu vực vùng bờ. Đặc biệt, Đề tài đã phát hiện được một loài cá Chình mới cho khoa học là loài cá Chình Phương Đông Chlopsis orientalis Tighe, Hibino and Nguyen, 2015 đã được đăng trên Tạp chí Quốc tế ZooTaxa (trong danh mục SCI-E). Tin, ảnh: H.A
|