Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở quan tâm và đặt câu hỏi về vấn đề giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ doanh phát triển KH&CN; Doanh nghiệp công nghệ cao (CNC), tiêu chí xác định doanh nghiệp CNC cũng như công nhận doanh nghiệp CNC. Còn Đại biểu Vũ Ngọc Bảo lại quan tâm tới vấn đề Quỹ đầu tư mạo hiểm.
Quỹ đầu tư mạo hiểm gặp khó khăn
Trả lời Đại biểu Quốc hội Vũ Ngọc Bảo, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, trong lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, Chính phủ đã nhận thức được từ rất sớm vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng và ban hành quyết định về Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia. Nhận thấy cần nguồn lực lớn cho chương trình, Bộ KH&CN đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Cả Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đều nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ để nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, hệ thống chính sách chưa đồng bộ, trong các văn bản chưa có các quy định thật cụ thể về Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong quá trình xây dựng Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Bộ KH&CN thấy có nhiều còn tồn tại, vướng mắc. Khi xây dựng Luật khoa học công nghệ năm 2013, Bộ KH&CN đã đưa vào nội dung đã được Quốc hội ủng hộ là ngân sách nhà nước trong lĩnh vực KH&CN có thể hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Quy định này của Luật tạo điều kiện cho Bộ KH&CN hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, trong quá trình đổi mới công nghệ.
Tất nhiên việc hỗ trợ thực hiện theo cam kết của Tổ chức WTO, không hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ hỗ trợ cho hợp phần nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới. Phạm vi điều chỉnh đối tượng của hai quỹ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã được quy định rất rõ.
Về văn bản, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các văn bản hướng dẫn. Năm nay, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã được bố trí kinh phí và sẽ đi vào hoạt động. Hiện nay, đã có hơn 200 doanh nghiệp nộp hồ sơ và Bộ KH&CN đang tiến hành các thủ tục xét duyệt để có thể sớm hỗ trợ cho những doanh nghiệp hàng đầu trong số hơn 200 doanh nghiệp này. Những doanh nghiệp này có thể nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để làm chủ công nghệ, nhập khẩu công nghệ và tạo ra những công nghệ mới từ chính doanh nghiệp của mình.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, Quốc hội dành cho 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho phát triển KH&CN. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách khó khăn, sau khi dành dự phòng an ninh, quốc phòng, hàng năm mới dành được 73% - 75% tổng chi ngân sách cho KH&CN. Trong đó hầu hết là chi đầu tư và chi thường xuyên. Phần đầu tư dành cho các đề tài, dự án, kể cả hỗ trợ cho doanh nghiệp, mới chỉ chiếm khoảng 3.000 tỷ cho tất cả các loại đề tài từ cấp nhà nước, cấp bộ ngành, cấp tỉnh, cấp cơ sở. Cho nên, nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp không có nhiều. Đồng thời cũng phải tận dụng tối đa năng lực của các viện, trường khi giao các đề tài nghiên cứu. Có sự hợp tác công tư, phối hợp doanh nghiệp và các viện trường.
Trả lời về nguyên nhân chưa có quỹ đầu tư mạo hiểm, có vướng mắc gì và chưa hỗ trợ được cho khởi nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam không có văn bản quy định về hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cũng như quỹ đầu tư mạo hiểm. Luật công nghệ cao năm 2008 được Quốc hội thông qua mới có điều khoản nói cần sớm có quỹ đầu tư mạo hiểm, song việc triển khai lại vướng Luật ngân sách, đầu tư. Bộ KH&CN đã trình Chính phủ nghị định hướng dẫn về quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng chưa được chấp nhận do thiếu tính pháp lý.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm nhiều thành phần, bao gồm cả vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ cơ chế, chính sách. Có vai trò của các trường, các viện nghiên cứu là nơi tạo ra các công nghệ. Có vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc nhập khẩu công nghệ của Việt Nam. Các tổ chức dịch vụ trong việc môi giới, định giá, giao dịch KHCN. Đặc biệt là vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm, không có Quỹ này thì không thể có được hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên dạng Quỹ này ở Việt Nam chưa có tiền lệ. Một số Quỹ ở nước ngoài khi vào Việt Nam hoạt động cũng gặp khó khăn, không hoạt động được vì thiếu pháp lý.
"Cần phải có quy định mang tính pháp lý cao, cụ thể là ở trong Luật. Nếu được Chính phủ cho phép, Bộ KH&CN sẽ báo cáo bổ sung một chương về đầu tư mạo hiểm trong Luật hỗ trợ Doanh nghiệp Vừa và nhỏ. Vì quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này khởi nghiệp chẳng có gì, tài sản lớn nhất chỉ có ý tưởng và tài sản trí tuệ.
Trong thời gian vừa qua, dù chưa có quy định của pháp luật nhưng Bộ KH&CN đã thí điểm ở quy mô rất nhỏ là đề án thương mại hóa công nghệ cấp bộ như mô hình thung lũng Silicon. Trong đó đã có 10 doanh nghiệp tham gia khởi nghiệp bằng ý tưởng công nghệ được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Thậm chí, có nhóm sinh viên được doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 2 triệu USD cho dự án khởi nghiệp.
Chúng tôi cũng đã thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, do chưa có quy định của pháp luật nên đăng ký hoạt động này có nhiều lúng túng, bất cập. Cuối cùng, quỹ đầu tư mạo hiểm này lại phải hoạt động theo kiểu một quỹ tín dụng nhân dân hoặc quỹ từ thiện", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn yêu cầu chuyển pháp nhân doanh nghiệp sang Thái Lan hoặc Singapore vì ở Việt Nam thiếu pháp lý cho mô hình này. "Mong Quốc hội ủng hộ để có quy định cao nhất về quỹ đầu tư mạo hiểm nếu không doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn", Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Xu hướng đầu tư vào CNC vì có hỗ trợ tốt nhất
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Trương Văn Vở, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, các văn bản về CNC đã được ban hành rất đầy đủ. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về danh mục CNC và danh mục các sản phẩm CNC, trong đó bao gồm 2 bảng danh mục là: danh mục các CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục các CNC được khuyến khích phát triển.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65 năm 2014 quy định cho danh mục các CNC được ưu tiên và khuyến khích trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng; Quyết định số 66 quy định cho danh mục các CNC được ưu tiên và khuyến khích trong mọi lĩnh vực ngoài an ninh, quốc phòng; gần đây nhất là Quyết định 19 về tiêu chí xác định doanh nghiệp CNC.
Hiện nay, xu hướng các doanh nghiệp phấn đấu để trở thành doanh nghiệp CNC bởi các doanh nghiệp CNC có mức ưu đãi thuế và chính sách ưu đãi cao nhất trong hệ thống ưu đãi của Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, do đó, rất ít doanh nghiệp đạt được các tiêu chí theo Quyết định 19 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&CN đã thành lập văn phòng chuyên xem xét các hồ sơ để công nhận doanh nghiệp CNC do hầu hết các địa phương không đủ năng lực để xác định các doanh nghiệp CNC ở địa phương mình.
Theo kinh nghiệm từ năm 2007, khi Chính phủ có Nghị định 80 về KH&CN, trong đó giao quyền cho các địa phương thẩm định hồ sơ và công nhận doanh nghiệp KH&CN cũng là doanh nghiệp được nhiều chính sách ưu đãi thuế và đất đai. Trong gần 8 năm theo dõi, Bộ KH&CN nhận thấy các địa phương rất khó khăn trong việc xác định doanh nghiệp công nghệ cao, thậm chí có những địa phương chưa công nhận được doanh nghiệp khoa học công nghệ nào trong khi những địa phương có tiềm lực mạnh như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội đã chủ động và công nhận gần 200 doanh nghiệp khoa học công nghệ. Chính vì thế, doanh nghiệp công nghệ cao, tiêu chí còn cao hơn doanh nghiệp KHCN, nên hầu hết các địa phương gặp khó khăn khi đánh giá hồ sơ và thẩm định.
Vì vậy, Bộ KH&CN sẽ chịu trách nhiệm thẩm định và cấp chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao cho các doanh nghiệp đạt đủ các tiêu chí.
Nguyễn Nam (VietQ)
|