Bản in
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Chấp nhận rủi ro, dám đương đầu thách thức
Vốn, đào tạo , hội nhập quốc tế… là những thách thức đặt ra trong việc xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, văn hóa khởi nghiệp- chấp nhận rủi ro, dám đương đầu thách thức cũng cần được nhận thức sâu sắc.

Xây dựng văn hóa khởi nghiệp

Văn hóa khởi nghiệp là cụm từ được nhắc nhiều trong hội thảo "Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo" nhằm lấy ý kiến góp ý xây dựng và thảo luận khung chương trình hoàn thiện đề án do Bộ KH&CN tổ chức sáng 25/8 vừa qua.

Trong điều kiện phát triển kinh tế toàn cầu như hiện nay, chỉ có đổi mới, sáng tạo thì doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển được. Ở Việt Nam, một số doanh nghiệp đã thành công bằng đổi mới, sáng tạo từ nhiều năm nay vẫn đang tiếp tục thúc đẩy quá trình này, như: Điện Quang, Trung Nguyên, Vinagame, Vietel… Nhưng những tên tuổi làm được như thế chưa nhiều và cần thiết phải khuyến khích, hỗ trợ để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đủ khả năng và sự tự tin để cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia ngay tại thị trường nội địa.

Bà Phan Hoàng Lan, Trung tâm Đào tạo và Hỗ trợ Phát triển thị trường công nghệ, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết, văn hóa khởi nghiệp phải được thấm nhuần và hiểu rộng đó chính là sự chấp nhận rủi ro, dám đương đầu thách thức. Chấp nhận rủi ro không chỉ từ chính bản thân doanh nghiệp khởi nghiệp mà từ chính phía các cơ quan quản lý Nhà nước thông qua hoạt động hỗ trợ, Quỹ đầu tư…

Điều này được dẫn chứng từ sự thành công của nhiều vĩ nhân thông qua thất bại. Edison đã thất bại hàng nghìn lần để phát minh ra bóng đèn điện, ông không gọi nó là thất bại, ông gọi nó là “10.000 bước đến với thành công”. Thomas Watson – người sáng lập tập đoàn IBM từng nói “Nếu bạn muốn thành công, hãy gia tăng gấp đôi số lần thất bại”.

Hiện Bộ KH&CN đang chủ trì và xây dựng khung đề án Chương trình quốc gia Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tại Việt Nam. Theo dự kiến, khung Chương trình quốc gia hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020 nhằm hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp trên cả nước tham gia khởi nghiệp.

Đồng bộ các giải pháp

Tuy nhiên, phân tích những khó khăn phải vượt qua để triển khai Chương trình thành công, các chuyên gia đưa ra ba vấn đề đó là: vốn, đào tạo và hội nhập quốc tế.

Về vốn; hiện nay đặc biệt các doanh nghiệp khởi nghiệp thiếu vốn ở giai đoạn ươm mầm và thiếu vốn cho ác ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin. Nguyên nhân được chỉ ra chính ở sự thiếu kiến thức đầu tư bởi các Quỹ đầu tư, nhất là các Quỹ tư nhân chỉ quan tâm những lĩnh vực thu hồi vốn nhanh. Một nguyên nhân khách quan nữa là thị trường công nghệ đang mới manh nha hình thành nên cung cầu chưa thực sự sôi động. Để giải quyết vấn đề này, vai trò điều phối Nhà nước là rất quan trọng. Nhà nước cần đối ứng vốn cho các đơn vị đầu tư cho khởi nghiệp. Bên cạnh đó là sự khuyến khích tư nhân hình thành các Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đầu tư gọi vốn từ cộng đồng. Bởi nếu bản thân cộng đồng nhìn thấy tiềm năng của doanh nghiệp khởi nghiệp thì sự cộng hưởng đầu tư sẽ rất lớn và có sức lan tỏa.

Cần rất nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp

 

Cũng chính từ kiến thức đầu tư của cộng đồng chưa đúng và khởi nghiệp nên vai trò của đào tạo là không thể thiếu. Thực tế chi thấy, hiện đang thiếu vắng các chương trình đào tạo khởi nghiệp tại các trường phổ thông, đại học, thiếu chương trình ươm tạo chất lượng và thiếu đào tạo cho các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp. Nhóm xây dựng đề án Chương trình quốc gia Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo tại Việt Nam đã kiến nghị, đưa chương trình khởi nghiệp thành chương trình bắt buộc tại các trường đại học; thí điểm đào tạo khởi nghiệp tại các trường phổ thông. Bên cạnh đó là đối ứng vốn các chương trình đào tạo đối tượng hỗ trợ khởi nghiệp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng thì vấn đề hội nhập quốc tế cũng không thể xem nhẹ. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này là việc kết nối thông tin với hệ sinh thái khởi nghiệp ở các nước; Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khởi nghiệp nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình ươm tạo quốc tế. Song song với đó là tổ chức, tham gia các sự kiện thu hút nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam.

Một số cơ chế, chính sách như cơ chế miễn, giảm, hoàn thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư khởi nghiệp; cơ chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sử dụng ngân sách Trung ương và địa phương; cơ chế thoái vốn; chứng nhận cho nhà đầu tư thiên thần... cũng được Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN đề xuất. 

Hệ sinh thái khởi nghiệp được hình thành bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các tổ chức này có thể được chia thành nhiều loại: các trường đại học, các tổ chức tài trợ, các tổ chức hỗ trợ (như vườn tự ươm, bộ máy gia tốc, không gian làm việc chung), các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức cung cấp dịch vụ (như dịch vụ tài chính, pháp lý) và tập đoàn lớn.

Bài và ảnh: Minh Châu