|
|||
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết tại buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo điện tử Dân trí ngày 26/8 xung quanh chủ đề “Việt Nam hội nhập sâu và thách thức về đổi mới công nghệ”. Tránh cho Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ” -Thực trạng doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (gọi tắt là thiết bị cũ) vào nước ta với các mục đích khác nhau như: trực tiếp sản xuất, kinh doanh; thương mại; tân trang, nâng cấp… nhưng không được kiểm soát đang khiến cho nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác thải công nghệ, xin Bộ trưởng cho biết biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này? Thực tế, doanh nghiệp thường xuyên có nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, vẫn còn các doanh nghiệp nhập khẩu thiết bị cũ có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và không bảo đảm quy định về môi trường. Hậu quả là thiết bị nhập khẩu về không hoạt động được hoặc có hoạt động nhưng năng suất, chất lượng thấp, giá thành cao dẫn đến phải tăng chi phí cho nâng cấp thiết bị hoặc phải dừng sản xuất. Doanh nghiệp nhập khẩu vì mục đích thương mại, nhiều trường hợp thiết bị nhập khẩu về không hoạt động được, phải phá ra lấy chi tiết làm linh kiện thay thế hoặc dỡ bỏ làm phế liệu. Đây là một trong các nguyên nhân chính có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi chứa rác thải của thế giới nếu chúng ta không sớm ngăn chặn. Vì vậy Chính phủ yêu cầu phải quản lý hoạt động này. Tại khoản 10 Điều 9 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/8/2013 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành xây dựng và ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN ngày 15/7/2014 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (Thông tư 20). -Thưa Bộ trưởng, đối với doanh nghiệp sản xuất lớn thì cần công nghệ mới, nhưng với những doanh nghiệp nhỏ, cơ sở sản xuất tư nhân, họ muốn có dù là máy cũ để sản xuất ra sản phẩm đã là tốt lắm rồi(chưa kể họ cải tiến máy cũ cho phù hợp với Việt Nam). Vậy theo Bộ trưởng có nên cho nhập số lượng máy cũ phù hợp với quy mô của cơ sở và doanh nghiệp nhỏ? Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn vốn đầu tư cho mua sắm trang thiết bị và đổi mới công nghệ. Vì thế, Chính phủ chấp nhận cho các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng để phát triển sản xuất, vì thiết bị cũ rẻ tiền phù hợp với khả năng tài chính của doanh nghiệp nhỏ. Doanh nghiệp vẫn có thể sản xuất và tồn tại vì còn có sự bảo hộ của nhà nước thông qua hàng rào thế quan và hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên sắp tới Việt Nam sẽ hội nhập sâu, tham gia các hiệp định thương mại tự do và TPP, chúng ta phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Khi đó sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp VN phải cạnh tranh bình đẳng với hàng hòa của các nước tiên tiến. Nếu chúng ta sử dụng máy móc, thiết bị cũ quá lạc hậu sẽ không tạo ra được những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Đồng thời còn gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn nhiều năng lượng làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất dẫn tới giá thành sẽ rất cao. Vì vậy, Bộ KH&CN khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ nhập các thiết bị cũ trong trường hợp bất khả kháng và không nên nhập khẩu thiết bị quá cũ nát và lạc hậu.
Để Việt Nam không trở thành "bãi rác công nghệ" (Ảnh minh họa: Mai Hà) Thông tư quản lý về thiết bị đã qua sử dụng có quy định tuổi thiết bị sẽ không quá 10 năm kể từ ngày sản xuất và các máy móc thiết bị nhập khẩu phải được chế tạo theo tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn VN hoặc của các nước G7. Điều này sẽ đảm bảo các thiết bị cũ sẽ không lạc hậu quá 1 thế hệ công nghệ và chất lượng cũng ở mức độ chấp nhận được. Chúng tôi mong các doanh nghiệp cũng chia sẻ sự quan ngại của nhà nước để tránh cho Việt Nam có thể trở thành “bãi rác công nghệ” của thế giới. Quan trọng hơn là hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại. -Thưa Bộ trưởng, thay vì cấm nhập rác công nghệ, sao mình không đưa danh sách khuyến cáo doanh nghiệp Việt không nên nhập thiết bị cũ đã bị thải ra bãi rác ở nước người ta? Khi có danh mục "cấm" thì doanh nghiệp Việt sẽ tránh ngay từ đầu. Bộ trưởng có làm vậy không? Hệ thống Luật pháp của Việt Nam đã có nhiều quy định về cấm nhập khẩu rác công nghệ, cũng như những sản phẩm có hại cho môi trường và cho nền kinh tế. Ví dụ, chúng ta đã cấm nhập khẩu các trang thiết bị dân dụng, sinh hoạt đã qua sử dụng. Đồng thời Chính phủ đã quy định những mặt hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (những sản phẩm hàng hóa nhóm II), phải được kiểm soát chặt chẽ bằng các Thông tư của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực. Đồng thời, Bộ KH&CN cũng thường xuyên theo dõi tình hình của các nước trong khu vực khi họ thông báo những công nghệ thiết bị thải loại, cấm sử dụng để thông báo cho các doanh nghiệp VN không nhập khẩu. Tuy nhiên, còn một số lĩnh vực mà thiết bị đã qua sử dụng không thuộc sản phẩm nhóm II. Vì vậy, để tránh tình trạng nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng quá lạc hậu hoặc gây mất an toàn, theo chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Nghị định 187 của Chính phủ, Bộ KH&CN đã xây dựng Thông tư để quản lý việc nhập khẩu. Hiện nay dự thảo đã được lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp và bộ/ngành, sẽ được ban hành trong tháng 9/2015. Thông tư 20 năm 2014 về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ đã ban hành chưa phù hợp với thực tế và đã bị tạm ngừng thi hành. Vậy bộ giải quyết vấn đề này như thế nào? Sau khi Thông tư 20 được ban hành, do có ý kiến của doanh nghiệp về vướng mắc khi thực hiện Thông tư 20, chủ yếu tập trung vào các nội dung: Việc quy định điều kiện nhập khẩu phải đáp ứng cả 2 tiêu chí: thời gian sử dụng không quá 5 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên là khá chặt (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt được áp dụng thời hạn sử dụng không quá 3 năm, 7 năm, 10 năm hoặc 15 năm do các Bộ đề xuất). Đồng thời quy định việc giám định chất lượng còn lại do tổ chức giám định được các Bộ chỉ định, thực hiện việc giám định có khả năng gây ách tắc tại các cửa khẩu, tăng chi phí của doanh nghiệp. Mặt khác, sự chuẩn bị của các Bộ cũng chưa sẵn sàng, đầy đủ cho việc triển khai thực hiện Thông tư 20. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư 20 (Thông tư mới). Về cơ bản, yêu cầu đối với việc nhập khẩu thiết bị cũ được xem xét và áp dụng theo tiêu chí “Tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm”, tuổi thiết bị được tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu và thiết bị được sản xuất theo tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN) hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) hoặc Tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Lý do là, vòng đời công nghệ thiết bị trung bình thường từ 7 đến 10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Ví dụ, đối với thiết bị ngành công nghệ thông tin, vòng đời khoảng 5 năm; đối với sản phẩm cơ khí, khoảng 10 đến 15 năm. Doanh nghiệp nên nhanh chóng đổi mới công nghệ -Nếu doanh nghiệp không nhanh chóng đổi mới công nghệ thì khi Việt Nam gia nhập FTA và TPP sẽ đổ vỡ hàng loạt”, nhưng làm thế nào để các ông chủ doanh nghiệp hiểu (sâu sắc) điều này mà bỏ qua những mục tiêu trước mắt để áp dụng giải pháp công nghệ phù hợp phục vụ phát triển bền vững, thưa Bộ trưởng? Để các doanh nghiệp quan tâm đổi mới công nghệ, theo tôi cần có các giải pháp sau đây: Một là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, nhất là những nội dung của các hiệp định thương mại tự do. Hai là, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho phát triển KH&CN của chính doanh nghiệp mình thông qua việc thành lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp và dành một phần lợi nhuận trước thuế đầu tư cho quỹ. Ba là, nhanh chóng tiếp cận với các quỹ của nhà nước và xây dựng các dự án đổi mới công nghệ mang tính khả thi để tận dụng được sự hỗ trợ của nhà nước, đồng thời chuẩn bị nguồn vốn đối ứng cần thiết cho dự án. Bốn là, khẩn trương tìm hiểu thông tin về sản phẩm hàng hóa cùng loại của nước ngoài để lựa chọn công nghệ phù hợp. Năm là, quan tâm đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, bao gồm: nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, bí quyết kinh doanh, chỉ dẫn địa lý,... Sáu là, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để làm chủ công nghệ mới và quy trình quản lý mới. Kính thưa Bộ trưởng, sau khi Bộ trưởng cảnh báo các doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới công nghệ thì các doanh nghiệp có tìm đến Bộ KH&CN đề nghị Bộ giúp không? Bộ KH&CN có cơ chế tài chính nào giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ không? Từ trước đến nay Bộ KH&CN đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Từ năm 1999, Bộ KH&CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 về hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ. Đã có hàng trăm doanh nghiệp tham gia chương trình và đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước. Chính phủ cũng đã có Nghị định số 80 năm 2007 về Doanh nghiệp KH&CN, trong đó có chính sách ưu đãi cao nhất về thuế, đất đai, tín dụng đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Bộ KH&CN cũng đã xây dựng đề án phát triển thị trường công nghệ, hàng năm tổ chức các chợ công nghệ, thiết bị để giới thiệu công nghệ trong nước và nước ngoài cho doanh nghiệp. Gần đây nhất, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN thực hiện chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và thành lập quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng dự án và được Bộ KH&CN phê duyệt để hỗ trợ một phần kinh phí giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm mới. Nếu bạn đang làm chủ doanh nghiệp và có nhu cầu đổi mới công nghệ có thể liên hệ với Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để được trợ giúp. -Rất nhiều các sản phẩm nhập ngoại hay và tốt là do công nghệ mới, từ đồ ăn cho đến thiết bị điện tử, không biết trong các sản phẩm của Việt Nam, khoa học và công nghệ Việt Nam có đóng góp được gì không thưa Bộ trưởng? Hiện nay do mở cửa thị trường nên chúng ta nhập khẩu nhiều sản phẩm của nước ngoài có chất lượng tốt. Tuy nhiên trong nước cũng có nhiều mặt hàng đã được xã hội chấp nhận và có thị phần rất lớn trong thị trường. Chẳng hạn như, trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm thì gạo, cá da trơn, hải sản, sữa... Trong công nghiệp như dây cáp điện, một số chíp 8 bít và 32 bít, các phần mềm điều khiển, các thiết bị thông tin phục vụ cho quân đội, các vác xin và thiết bị dùng trong y tế,... Hầu hết các sản phẩm hàng hóa này đều là kết quả các đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, cấp bộ trong nhiều năm qua. Hiện nay Chính phủ đang tập trung xây dựng chương trình phát triển sản phẩm quốc gia với 6 sản phẩm chính thức (lúa gạo Việt Nam chất lượng cao; thiết bị cơ khí siêu trường, siêu trọng; phần mềm an ninh mạng; sản phẩm an ninh quốc phòng; vắc xin; động cơ xăng và động cơ diesel ) và 3 sản phẩm dự bị (cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu, vi mạch bán dẫn). Hi vọng các sản phẩm này khi được đầu tư thành công sẽ có đóng góp rất lớn cho sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, nhu cầu của người tiêu dùng Việt, cạnh tranh được với thế giới. Mai Hà (Ghi) |