Bản in
Bắc Giang: Năm 2015 thu gần 3 nghìn tỷ đồng nhờ kinh doanh vải thiều
Ngày 14/8/2015, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2015 và phương hướng nhiệm vụ năm 2016.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang Phan Văn Hùng cho biết, năm 2015 được đánh giá là năm vải thiều bán được giá cao nhất so với 5 năm trở lại đây. Giá bán thấp nhất 5.000 đ - 7.000 đ/kg; thời điểm cao nhất giá trên 30.000 đ/kg; đến cuối vụ giá giao động 8.000 đ – 18.000 đ/kg. Giá trung bình của toàn tỉnh là 15.000 đ/kg, tăng cao hơn năm 2014 trên 3.000 đ/kg. Tổng giá trị vải thiều toàn tỉnh đạt khoảng 2.900 tỷ đồng và từ các dịch vụ phụ trợ khác đạt trên 1.700 tỷ đồng.

Giới thiệu công nghệ bảo quản quả vải thiều tại Hội nghị

Tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đạt trên 31.000 ha; sản lượng đạt 195.000 tấn quả tươi; giá trị đạt gần 3.000 tỷ đồng. Huyện có sản lượng vải thiều nhiều nhất là Lục Ngạn đạt 118.000 tấn, Yên Thế đạt 15.100 tấn, Lạng Giang 8.300 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Sơn Động 5.700 tấn, các huyên khác trong tỉnh đạt gần 10.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm đạt 6.000 ha, cho sản lượng 26.700 tấn, chiếm 13,6%; vải thiều chính vụ 25.300 ha, cho sản lượng 168.300 tấn, chiếm 86,4%. Vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap đạt 80.000 tấn. Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo đưa 100 ha vải thiều vào sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap cho sản lượng 600 tấn để xuất khẩu sang các thị trường mới.

Lượng vải thiều tiêu thụ thị trường nội địa là 107.000 tấn, chiếm 55% tổng sản lượng; trong đó, tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố phía Nam là 64.000 tấn, chiếm 60% thị trường nội địa. “Trung Quốc vẫn là thị trương xuất khẩu truyền thống. Tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu qua 3 cửa khẩu: Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang là 82.000 tấn, chiếm khoảng 93% tổng sản lượng vải thiều xuất khẩu của toàn tỉnh. Năm nay, vải thiều tươi của Bắc Giang lần đầu tiên đã được xuất khẩu sang thị trường mới: Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Malaysia…” ông Hùng cho biết.

Để đạt được những thành tựu trên, theo ông Hùng, tỉnh Bắc Giang đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt là Bộ KH&CN, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn,…

Theo đó, trong công tác chỉ đạo lựa chọn công nghệ bảo quản, ngoài các biện pháp bảo quản truyền thống. Sở KH&CN Bắc Giang đã tham mưu cho tỉnh, triển khai các hội nghị, hội thảo giúp các doanh nghiệp lựa chọn công nghệ bảo quản phù hợp cho chế biến xuất khẩu vải thiều; tổ chức hội thảo ứng dụng công nghệ canh tác tiên tiến trong sản xuất và dây truyền xử lý không xông SO2 bằng công nghệ Isarel cho sản phẩm quả vải thiều của tỉnh; Bộ KH&CN đã phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp quốc gia Nghiên cứu ứng dụng công  nghệ của công ty Jural (Isarel) bảo quản tươi quả vải và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu tại Bắc Giang; Sở KH&CN Bắc Giang phối hợp với các ban ngành duy trì phát triển nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm Vải sớm Phúc Hòa, chỉ dẫn địa lý Vải hiều Lục Ngạn,…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh bày tỏ vui mừng về những thành công của Bắc Giang trong vụ vải năm 2015. Đặc biệt là việc nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chế biến, sử dụng công nghệ bảo quản phù hợp để nâng cao chất lượng của quả vải cũng như bảo hộ sản phẩm cho xuất khẩu.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ sớm phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học độc lập cấp quốc gia về nghiên cứu ứng dụng công nghệ của công ty Jural bảo quản tươi quả vài và một số loại quả khác phục vụ xuất khẩu tại Bắc Giang; Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Giang công nghệ tưới nhỏ giọt của Irael trong việc trồng vải thiều tại huyện Lục Ngạn; Bộ KH&CN đã tiến hành nâng cấp hệ thống chiếu xạ tại Hà Nội, đáp ứng được tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu. Bắt đầu từ năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu vải có thể triển khai chiếu xạ tại Hà Nội thay vì phải vào Nam chiếu xạ như trước; Thông qua các Dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi, Bộ tiếp tục hỗ trợ Bắc Giang phát triển các công nghệ kỹ thuật tiên tiến trong nông nghiệp từ các nước có công nghệ cao trong nông nghiệp,…

“Qua thành công từ quả vải thiều năm 2015 kết hợp sự quyết tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự chung tay của doanh nghiệp,... Bắc Giang sẽ tiếp tục gặt hái thành công trong việc trồng, sản xuất và tiêu thụ vải thiều và Bộ KH&CN sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ tốt nhất có thể cho tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới” Thứ trưởng khẳng định.

Phó chủ tịch Dương Văn Thái phát biểu tại Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh, từ kết quả vụ vải thiều năm 2015, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh vụ sản xuất vải thiều năm 2016 và các năm tiếp theo; mở rộng phát triển sản xuất vải thiều theo các tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap; ứng dụng các công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, của Israen để xuất khẩu vải thiều đến các thị trường mới, tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, EU, Đông Âu; tăng thị phần tiêu thụ thị trường nội địa; giữ vững thị trường truyền thống; chú trọng xuất khẩu vải thiều chế biến có giá trị cao,...

Và sau đây là một số hình ảnh do phóng viên ghi lại tại Hội nghị

Các đại biểu trao đổi về công nghệ, chất lượng quả vải thiều tại Hội nghị

Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Vùng (Bộ KH&CN) Lê Tất Khương (trái) giới thiệu một số công nghệ bảo quản vải thiều với các đại biểu

Đại diện các đơn vị nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trong công tác tiêu thụ vải thiều năm 2015

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp