|
|||
Tuy nhiên, để KH&CN đi vào được mọi mặt của đời sống thì không chỉ cần sự nỗ lực của ngành KH&CN mà cần sự chung tay, góp sức của cả xã hội. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã có trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này. Thưa Bộ trưởng xin ông cho biết những dấu ấn nổi bật của Bộ KH&CN trong suốt 30 năm đổi mới của đất nước để thực hiện mục tiêu CNH – HĐH đất nước? Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã thấy rõ vai trò của KH&CN. Chính vì thế mà sau Hội nghị TW2, khóa VIII, đầu tư cho KH&CN đã được tăng cường với mức 2% tổng chi ngân sách hàng năm. Từ năm 2000 đến nay mức đầu tư này vẫn được duy trì và đến năm 2013 đã được quy định trong Luật KH&CN sửa đổi. Điều đó có thể khẳng định nhà nước đầu tư cho KH&CN là đầu tư mang tính chiến lược, đột phá. Nhà nước đã đầu tư 2% tổng chi ngân sách và có những biện pháp để thu hút đầu tư của xã hội đặc biệt là từ doanh nghiệp (DN) cho KH&CN, phấn đấu chúng ta sẽ có mức tổng chi của xã hội đạt như các nước tiên tiến, tức là khoảng trên dưới 2% GDP Quốc gia. Bên cạnh đó đã hình thành được 1 hệ thống luật pháp tạo nền tảng pháp lý cho KH&CN một cách tương đối đồng bộ và toàn diện theo hướng hội nhập quốc tế và tiệm cận với nền kinh tế thị trường. Cho đến nay có 10 đạo luật quan trọng về KH&CN đã được Quốc hội ban hành từ Luật cơ bản nhất như Luật KH&CN cho đến Luật chuyên ngành như Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật sở hữu trí tuệ, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Công nghệ cao. Chúng tôi cho rằng, hệ thống pháp lý của chúng ta tương đối đầy đủ và toàn diện, vấn đề là khâu thực thi pháp luật hiện nay sẽ phải tiếp tục trong thời gian dài nhất là khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, sắp tới sẽ tham gia vào hiệp định hợp tác xuyên thái bình dương TTP, thì toàn bộ hệ thống pháp luật 1 lần nữa phải có điều chỉnh bổ sung phù hợp với tình hình mới. Trong 30 năm đổi mới, quan trọng nhất trong lĩnh vực KH&CN đó là hệ thống nền tảng pháp lý cho KH&CN đã được đổi mới, tương xứng với vị trí của đất nước trong giai đoạn hội nhập. Bên cạnh đó, là những thành tựu rất quan trọng của toàn ngành KH&CN. Những sản phẩm đạt được trình độ khu vực và thế giới (vắc xin, dàn khoan dầu khí, nhà máy thủy điện lớn, cầu hầm, ghép tạng, mổ nội soi, giống cây trồng vật nuôi…), với đội ngũ cán bộ KH&CN ngày càng đông đảo và có trình độ ngày càng cao, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN cho đất nước. Chỉ nói một ví dụ rất đáng suy ngẫm : theo xếp hạng về trình độ sáng tạo KH&CN của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO năm 2014 đối với 143 quốc gia thì Việt Nam được xếp thứ 71/143 (tăng 5 bậc so với năm 2013) trong khi về GDP xếp thứ 132/143. Và trong số 33 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam xếp thứ 31/33 về GDP nhưng được xếp hạng 5/33 về trình độ sáng tạo KH&CN. Có thể nói trong lĩnh vực KH&CN đã triển khai được nhiều chủ trương, chính sách. Nhưng với những đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thì Bộ KH&CN có những chủ trương như thể nào để chúng ta xóa nhòa được khoảng cách giữa các khu vực, để đất nước phát triển toàn diện? Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói lĩnh vực KH&CN làm tăng cường tiềm lực của 1 quốc gia và đối với Việt Nam, bên cạnh việc tiến hành CNH –HĐH và làm kinh tế thị trường, chúng ta phải luôn luôn quan tâm đến an sinh xã hội, đặc biệt là khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo là những vùng cần phải đưa KH&CN đến, bởi vì hơn ai hết, những người dân ở khu vực này rất cần áp dụng những tiến bộ khoa học và kỹ thuật vì trình độ phát triển kinh tế của họ còn tương đối thấp. Chính vì thế mà Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&CN thực hiện nhiều chương trình KH&CN quốc gia phục vụ cho nông thôn, miền núi và hải đảo. Có thể kể đến đầu tiên là Chương trình đưa tiến bộ KHKT vào nông thôn miền núi (Chương trình nông thôn - miền núi), đã thực hiện được gần 20 năm. Hàng năm, chương trình đã nhận được sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn, với nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao đến cho đồng bào các khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các nhà khoa học phải đến làm việc ở đó với phương thức “cầm tay chỉ việc”, hay “tập huấn đầu bờ”, chủ yếu là để cho bà con nông dân và người dân tộc thiểu số nắm vững những quy trình kĩ thuật mới, có các sản phẩm mới trong nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật bảo quản chế biến. Chương trình này đã được bà con nông dân đánh giá rất cao, hàng vạn nông dân đã được đào tạo, tập huấn để trở thành kỹ thuật viên, thực hành tốt các quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hay như Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, đây là chương trình giúp cho các địa phương chủ yếu là những địa phương nghèo, nông thôn miền núi, có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu và sử dụng các công nghệ nhập khẩu, thông qua quá trình làm chủ công nghệ sẽ từng bước sáng tạo ra sản phẩm của mình và nhà nước hướng dẫn họ để đăng kí bảo hộ về tài sản trí tuệ. Đồng thời, chúng tôi hỗ trợ cho các vùng có giống cây, giống con đặc sản của Việt Nam, xây dựng thương hiệu thông qua chương trình này, nhà nước hỗ trợ để bà con có thể xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu tập thể, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho những sản phẩm đặc sản...mang lại hiệu quả cao. Trước đây, vải thiều Lục Ngạn đến mùa thu hoạch giá bán thấp, thậm chí nhiều năm nông dân phải đổ vải ra đường hoặc để cho vải chín trên cây. Nhưng sau khi được đăng kí chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn, giá vải thiều đã tăng lên gấp đôi, gấp ba. Hiện nay chúng tôi đang quy hoạch GlobalGAP cho vải thiều Lục Ngạn, đồng thời giới thiệu cho bà con vùng Lục Ngạn những công nghệ bảo quản hiện đại phục vụ cho xuất khẩu. Năm nay là năm đầu tiên quả vải thiều tới được những thị trường khó tính nhất như là Mỹ, Châu Âu, Nhật bản, Úc với sản lượng xuất khẩu càng ngày càng tăng. Ngoài ra, với hơn 20 sản phẩm chỉ dẫn địa lý khác như là bưởi Năm Roi, cam Vinh, nước mắm Phú Quốc,… đều đã phát huy tác dụng vào được những thị trường khó tính và có giá bán tốt cho bà con nông dân, điều đó cho thấy KH&CN thực sự đã có chỗ đứng trong nền nông nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi có 1 số chương trình khác hỗ trợ cho khu vực nông thôn, miền núi như Chương trình nâng cao năng suất chất lượng của sản phẩm hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia hỗ trợ cho doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; Chương trình sản phẩm quốc gia, với 9 sản phẩm quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt với nhiều sản phẩm chính là sản phẩm của khu vực nông nghiệp, nông thôn và miền núi, ví dụ như là lúa gạo, cá da trơn, nấm ăn và nấm dược liệu, bà con nông dân ở các vùng sâu xa hoặc vùng nông nghiệp thuần canh có thể tham gia vào chương trình này để có thể có nâng cao chất lượng cuộc sống. Đứng ở góc độ người làm quản lý, Bộ trưởng có thể chia sẽ tâm huyết của mình? Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến KH&CN, đây không chỉ là vinh dự mà còn là trách nhiệm của những người làm khoa học. Nhưng ngược lại chúng tôi cũng rất kì vọng lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như mọi người dân hãy quan tâm đến KH&CN nhiều hơn nữa, chia sẻ với những khó khăn của ngành KH&CN trong bối cảnh mức đầu tư thấp mà phải cạnh tranh quốc tế rất quyết liệt. Chúng tôi mong muốn người dân và DN hãy tích cực đưa tiến bộ KH&CN vào cuộc sống của mình, vào sản xuất kinh doanh của DN và tạo nên mối quan hệ bền chặt, gần gũi, giữa những người làm khoa học và những người làm sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh là nguồn cầu cho KH&CN, đồng thời cũng là nguồn tài trợ, nguồn vốn đầu tư lớn nhất cho KH&CN. Ngược lại những người làm nghiên cứu chính là nguồn cung thị trường KH&CN, là những người chuyển giao kết quả nghiên cứu của mình cho DN và người dân. Chúng tôi mong muốn có nhiều nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và ngược lại có nhiều DN đam mê và theo đuổi ứng dụng khoa học. Chúng tôi cũng mong muốn hệ thống luật pháp của chúng ta được Quốc hội xem xét và khi ban hành phải đồng bộ và thống nhất, mang tư duy khoa học và thị trường, để Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ không tạo ra những rào cản cho phát triển KH&CN của đất nước. Chúng tôi cũng kì vọng với sự quan tâm của Đảng, nhà nước và xã hội thì KH&CN của Việt Nam sẽ phát triển và có thể sánh vai với các cường quốc 5 châu không chỉ bằng tiềm lực kinh tế, mà còn bằng tiềm lực KH&CN của 1 nước CNH. Tới thời điểm này chúng ta đã có nhiều sản phẩm có thể sánh vai được với thế giới, nhưng số lượng còn rất khiêm tốn so với yêu cầu và tiềm năng. Trong tương lai chúng ta phải phát triển đội ngũ cán bộ khoa học hùng hậu, có các viện nghiên cứu đạt trình độ quốc tế, và có nguồn đầu tư xã hội đủ lớn, có chính sách hợp lý để những người làm khoa học có thể sống bằng chất xám của mình. Trên hết, KH&CN phải đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế tri thức cũng như trong một quốc gia CNH. Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này. Bài, ảnh: Ánh Tuyết
|