|
|||
Những công trình hữu ích Năm 2013, trong một chuyến ra Trường Sa công tác, tàu gặp sóng lớn không vào được bờ phải lênh đênh trên biển hơn một tuần, qua chuyến đi đó, Đại úy Sinh thấy đời sống của các chiến sỹ hải quân trên biển rất thiếu thốn về thông tin, giải trí. “Trong đất liền, việc xem truyền hình rất đơn giản, nhưng với chiến sỹ ngoài đảo lại là điều quá xa vời. Lúc đó, tôi nảy ra ý tưởng chế tạo một thiết bị bắt sóng vệ tinh để đồng đội trên tàu có thể xem truyền hình như trên đất liền”, anh Sinh kể. Ngay lập tức, anh Sinh cùng đồng đội ở Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao bắt đầu nghiên cứu thiết bị có thể kết nối trạm VSAT trên tàu quân đội bám vệ tinh. Sau nhiều ngày “vật lộn” với các bản vẽ, số liệu thiết kế sản phẩm, nhóm nghiên cứu phải liên lạc với đơn vị, đợi tàu ra biển để lắp đặt thử nghiệm nhiều lần, rồi lại về đất liền nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện. Gần nửa năm nghiên cứu, thiết bị tiếp hợp thu truyền hình vệ tinh HD “made in Việt Nam” được chế tạo thành công. Thiết bị có kích thước nhỏ gọn, cơ khí chắc chắn phù hợp với việc lắp đặt trên các tàu Hải quân và thuận tiện cho việc tiếp hợp vào hệ thống VSAT trên tàu. Đảm bảo khả năng hoạt động ổn định, cung cấp các kênh truyền hình chất lượng dịch vụ tốt mà không gây ảnh hưởng tới các dịch vụ truyền thống của trạm VSAT tàu biển (thoại, truyền số liệu, fax, truyền hình…). Có khả năng thu và sử dụng được trên 72 kênh truyền hình, trong đó có 10 kênh HD. Với thành quả ý nghĩa này, công trình đã giành giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2015.
Trước đó, Đại úy Nguyễn Kim Sinh nhiều lần cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa trong điều kiện hết sức khó khăn. Các thiết bị thông tin trên tàu thường xảy ra sự cố hỏng hóc bởi môi trường biển. Không thể để các thiết bị VSAT mất tín hiệu với đất liền, làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, các anh đã cố gắng vượt qua những cơn say sóng để sửa chữa, khắc phục sự cố. Anh Sinh và đồng đội đã nghiên cứu, chế tạo thành công Bộ bảo vệ thiết bị VSAT. Với kích thước nhỏ gọn, cơ khí chắc chắn phù hợp với từng loại thiết bị VSAT, đảm bảo nhiệt độ hoạt động ổn định, cách ly hoàn toàn với môi trường muối biển, nguồn tiêu thụ rất thấp. Hiện, bộ bảo vệ thiết bị VSAT đã được triển khai cho toàn bộ các điểm đảo, nhà giàn DK1 thuộc Quần đảo Trường Sa, thiết bị hoạt động ổn định, tuổi thọ kéo dài gấp 4-5 lần, tiết kiệm ngân sách của Nhà nước và quân đội. Công trình này cũng giành giải Nhất cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội năm 2013. Góp sức bảo vệ chủ quyền Theo Đại tá Trần Minh Tâm, Chủ nhiệm Chính trị Binh chủng Thông tin liên lạc, hiện phong trào nghiên cứu khoa học và nhất là giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội được cán bộ, đoàn viên thanh niên trong Binh chủng tích cực hưởng ứng. Năm 2015, Binh chủng có 10 công trình, sáng kiến đạt giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo cấp toàn quân (với 3 giải nhất, 3 giải nhì, 1 giải ba, 3 giải khuyến khích). Các giải đạt kết quả cao đều hướng về giải quyết những vấn đề khó, những vấn đề mới nhất hiện nay của công nghệ và đặc biệt là đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đại úy Lê Trung Thành, Thuyền trưởng tàu 4033 (Hải đội 201, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2) cho biết, từ khi có thiết bị tiếp hợp thu truyền hình vệ tinh HD, cán bộ, chiến sỹ trên tàu xem được các kênh truyền hình quốc gia, thông tin quảng bá trong suốt hải trình thực hiện nhiệm vụ, qua đó nắm bắt được thông tin, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, từ đó yên tâm bám biển. Ngoài ra, với thiết bị tiếp hợp này, anh em trên tàu 4033 còn cập nhật được các thông tin về thời tiết để có phương án phòng chống thiên tai và giúp đỡ ngư dân trên biển. Bên cạnh đó, các chiến sỹ còn có những giây phút thư giãn vui vẻ với các chương trình thể thao, ca nhạc, đặc biệt là bóng đá. Lãnh đạo Binh chủng Thông tin liên lạc cho biết, trong hai năm qua, tuổi trẻ Binh chủng đã cho ra đời nhiều công trình, sáng kiến tiêu biểu như: Bộ bảo vệ thiết bị VSAT (hiện là giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ các thiết bị VSAT, giảm thiểu tới 90% hư hỏng do môi trường nước biển gây ra); Thiết bị định tuyến - chuyển mạch IP cho trạm thông tin vệ tinh biển đảo (sử dụng linh kiện công nghệ mới, được chế tạo để chống sự ảnh hưởng của nước biển); Máy phát 91Z biển đảo (chuyên dùng cho biển đảo); Thiết bị Video Streaming VSS-P602 thu tín hiệu hình ảnh từ biển đảo, xử lý và truyền dữ liệu về đất liền. Hình ảnh truyền về từ thiết bị chất lượng đảm bảo, rõ nét, không vỡ nhòe với băng thông chiếm ít nhất hiện nay. |