|
|||
Đến dự Lễ kỷ niệm có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân; Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Châu Văn Minh; GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cùng nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhà quản lý và các phóng viên thông tấn báo chí. Ngày 2 tháng 5 năm 1975 Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước nhận được chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng về việc gửi lên Chính phủ Tờ trình xin thành lập một Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia trực thuộc Chính phủ trên cơ sở các viện khoa học và phòng nghiên cứu trực thuộc tách ra từ Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Vào thời điểm đó Thủ tướng tạm đặt tên cho Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia là Viện Khoa học Việt Nam với dụng ý: sau này khi đã lớn mạnh và xứng đáng được gọi là Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam thì sẽ thêm hai chữ "Hàn lâm" vào tên gọi của Viện. Ngày 20 tháng 5 năm 1975 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định thành lập Viện Khoa học Việt Nam. Sau đó chưa đầy hai tháng, ngày 4 tháng 7 năm 1975, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam ký tiếp quyết định thành lập Viện Khoa học và Kỹ thuật B2 trực thuộc Trung ương Cục miền Nam. Năm 1976, sau khi Quốc hội khóa VI tuyên bố thống nhất đất nước, Viện Khoa học và Kỹ thuật B2 được sáp nhập vào Viện Khoa học Việt Nam và trở thành Phân Viện Khoa học Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh. Gần 20 năm sau, trong tiến trình đổi mới nền kinh tế của đất nước và xét thấy ngoài nhiệm vụ trụ cột nền khoa học cơ bản của nước nhà, Viện Khoa học Việt Nam còn phải đi tiên phong và đóng vai trò trụ cột trong sự nghiệp xây dựng và phát triển một số lĩnh vực công nghệ cao mới ra đời trên cơ sở các thành tựu hiện đại của khoa học tự nhiên như Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liệu mới, Chính phủ đã quyết định mở rộng thêm lĩnh vực hoạt động khoa học công nghệ của Viện Khoa học Việt Nam và tái cấu trúc Viện thành Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ Quốc gia, sau này đổi tên là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đến nay, sau nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã lớn mạnh về mọi mặt và thực sự đã trở thành trụ cột nền khoa học tự nhiên và công nghệ cao của nước nhà, tên gọi của Viện vừa được bổ sung thêm hai chữ "Hàn lâm", như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dự kiến từ năm 1975. Lịch sử khoa học Việt Nam bắt đầu một thời kỳ vẻ vang mới đầy triển vọng.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm Viện Hàn lâm KHCNVN có 51 đơn vị trực thuộc bao gồm: 06 đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập; 34 đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học (27 đơn vị do Thủ tướng Chính phủ thành lập và 07 đơn vị do Chủ tịch Viện thành lập); 06 đơn vị sự nghiệp khác (05 đơn vị do Thủ tướng Chính phủ thành lập và 01 đơn vị do Chủ tịch Viện thành lập); 04 đơn vị tự trang trải kinh phí và 01 doanh nghiệp Nhà nước.. Tính đến năm 2014, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước trong nghiên cứu cơ bản. Trong năm 2014, Viện đã xuất bản 35 sách chuyên khảo, 13 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được cấp bằng. Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tựu mà Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đạt được trong 40 năm qua. Phó Thủ tướng khẳng định, các nhà khoa học là tinh hoa của đất nước, cả đất nước trông đợi rất nhiều vào đội ngũ này. Sự phát triển của kinh tế đất nước phụ thuộc rất lớn vào năng lực nghiên cứu, sáng tạo chứ không thể trông chờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy đạt được nhiều kết quả ấn tượng nhưng Phó Thủ tướng cũng cho rằng năng lực sáng tạo ở nước ta chưa thực sự tốt. Số lượng các kết quả nghiên cứu cơ bản chưa cao so với các nước trong khu vực. Phó thủ tướng nhấn mạnh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần xây dựng những viện nghiên cứu tiên tiến để nghiên cứu ra những sản phẩm khoa học ngang tầm khu vực và thế giới, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tin, ảnh: Bảo Anh
|