Bản in
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc: Khắc phục thiếu sót sau kết luận thanh tra
Việc Thanh tra Chính phủ (TTCP) tiến hành thanh tra tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (CNCHL) là cơ hội tốt để thông qua cơ quan thanh tra, Ban Quản lý kiến nghị một số vấn đề bất cập khách quan trong quá trình xây dựng, phát triển Khu CNCHL, đồng thời là cơ hội để nắm bắt, rút kinh nghiệm các tồn tại, thiếu sót cơ quan thanh tra nêu ra nhằm thực hiện công tác quản lý điều hành hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Ông Phạm Đại Dương – Trưởng ban Quản lý Khu CNCHL, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khẳng định như vậy khi nói về Thông báo số 446/TB-TTCP Thông báo kết luận thanh tra việc quản lý sử dụng vốn tại Khu CNCHL mới đây.

Thanh tra nhiều nội dung

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn tại Khu CNCHL từ năm 2004 đến tháng 11/2012, với các nội dung: điều chỉnh quy hoạch Khu CNCHL, đấu thầu, thực hiện hợp đồng gói thầu “Dịch vụ kỹ thuật giai đoạn I”; việc thực hiện 05 hạng mục công trình xây dựng hạ tầng Khu CNCHL; công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) tại huyện Thạch Thất, huyện Quốc Oai và xây dựng một số hạng mục hạ tầng khu tái định cư; thực hiện chi thường xuyên, thu hút đầu tư và khai thác quỹ đất; hoàn trả chi phí cho Tổng Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vinaconex, công tác đền bù GPMB và tái định cư cho Khu công nghệ Bắc Phú Cát sau khi sáp nhập. Kết luận đã chỉ ra những ưu điểm và những vi phạm phát hiện qua thanh tra của Khu CNCHL.

Kết luận đã kiến nghị với Ban Quản lý trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành khung giá đất; rà soát, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai đầu tư; rà soát và điều chỉnh dự toán một số gói thầu xây dựng; thực hiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần phát triển đầu tư công nghệ FPT theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng năm 2007;…

Ông Phạm Đại Dương cho biết, ngay trong quá trình thực hiện thanh tra và sau khi Kết luận thanh tra được chính thức ban hành, Ban Quản lý đã báo cáo Bộ KH&CN và chủ động tổ chức rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, thiếu sót được đoàn thanh tra kiến nghị như: trình Thủ tướng ban hành Quyết định quy định đầy đủ hơn về chức năng, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý; trình UBND thành phố Hà Nội ban hành bảng giá đất chi tiết Khu CNCHL áp dụng cho giai đoạn 2010-2015; xây dựng các qui trình quản lý hỗ trợ các nhà đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư...; rà soát, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không triển khai đầu tư; rà soát, điều chỉnh dự toán một số gói thầu xây dựng; xây dựng cơ chế quản lý, phối hợp với các công ty phát triển hạ tầng; chấn chỉnh công tác quản lý nghiên cứu khoa học, quản lý sử dụng kinh phí chi thường xuyên;… Cũng còn một số nội dung Ban Quản lý sẽ báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ trong thời gian tới.

Khai thác quỹ đất, thu hút đầu tư và chi thường xuyên

Kết luận thanh tra đã chỉ ra một số nội dung cần khắc phục liên quan đến các vấn đề như: tiến độ đền bù GPMB Khu CNCHL và Khu Công nghiệp Bắc Phú Cát tại huyện Thạch Thất không đồng bộ, hiện tượng dân chây ì, cơi nới, xây dựng công trình trong khu vực dự án diễn ra phức tạp nhưng không được xử lý triệt để; lập dự toán, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng có nhiều vi phạm trong các giai đoạn thiết kế, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán làm tăng giá trị tổng dự toán các gói thầu với số tiền hơn 40.1 tỷ đồng; sau 15 năm, diện tích đất giao cho các nhà đầu tư thuê đất để đầu tư sản xuất kinh doanh chỉ đạt 10,5% diện tích quy hoạch; 74 dự án được cấp phép hoạt động thì có 6 dự án bị thu hồi giấy phép, 25 dự án không triển khai hoặc triển khai chậm so với quy định,…

Về vấn đề GPMB, ông Phạm Đại Dương cho biết, đây là một trong những công tác khó khăn nhất trong quá trình triển khai dự án. Thời gian qua, Ban Quản lý đã sát cánh với chính quyền địa phương, phối hợp rất chặt chẽ để hoàn thành công tác GPMB.

Ông Dương cũng thừa nhận, trong những năm qua có hiện tượng một số hộ dân chây ì, không bàn giao mặt bằng đã được bồi thường do còn có những khiếu nại, thắc mắc về chính sách bồi thường. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cuối năm 2012, hầu hết các hộ dân sau khi đã hưởng đúng, đủ chế độ chính sách đều đã tự nguyện di chuyển để bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý.


Khu CNCHL là cầu nối tiếp nhận chuyển giao và tiến tới sáng tạo các công nghệ cao mới.

Liên quan đến việc lập dự toán làm tăng mức đầu tư, ông Phạm Đại Dương cho rằng, đây cũng là thiếu sót của Ban Quản lý cần khắc phục. Tuy nhiên, ông Dương cũng đưa ra thêm một số quan điểm chuyên môn kỹ thuật và thực tế triển khai trên công trường cần được thống nhất. Cụ thể, quan điểm về tận dụng đất đào đắp cấp III: việc tận dụng đất đào để cân bằng đào đắp là phù hợp, tuy nhiên việc tận dụng được bao nhiêu % khối lượng đất đào còn phải phụ thuộc vào thực tế khi thi công và đặc tính cơ lý của đất (độ ẩm, thành phần hạt, chất lượng đất...), tư vấn khi lập dự toán tận dụng 60% nhưng theo quan điểm của thanh tra là 80%. Việc tận dụng đất đào cũng phải tính thêm chi phí vận chuyển từ nơi đào sang nơi đắp nhưng thanh tra không đồng ý khoản chi phí này.

Về vận dụng định mức, một số công tác xây dựng không có trong định mức nên trong quá trình thực hiện đơn vị tư vấn đã vận dụng mã định mức khác có tính chất tương tự để tính toán thanh tra có quan điểm khác. Con số 40.153,29 triệu đồng là sai sót trong quá trình lập dự toán với những nguyên nhân như nêu trên, không phải là con số thất thoát. Thực tế, việc thanh toán được thực hiện theo khối luợng nghiệm thu thực tế và đơn giá tại thời điểm nghiệm thu. Do vậy, Thanh tra chính phủ chỉ giảm trừ chi phí thiết kế của đơn vị tư vấn đối với phần dự toán tính vượt.

Còn về thu hút đầu tư, ông Phạm Đại Dương cho rằng, công tác GPMB trong Khu gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc do thay đổi về cơ chế chính sách, mô hình hoạt động, thiếu vốn và việc mở rộng Thủ đô Hà Nội,… nên chưa đảm bảo mặt bằng cho thi công và nhà đầu tư. Vì vậy, hầu hết các dự án đầu tư hạ tầng đều chậm tiến độ, thiếu sự đồng bộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà đầu tư. Với tình hình đó, Ban Quản lý chủ trương chỉ thu hút đầu tư theo khả năng đáp ứng của hạ tầng sẵn có và mặt bằng nhận bàn giao. Ngoài ra, do kinh tế suy thoái nên nhiều nhà đầu tư không thể thực hiện như trong giấy chứng nhận đầu tư, Ban Quản lý đã rà soát, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn vi phạm, không triển khai đầu tư theo quy định.

Đến nay, công tác GPMB đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, Ban Quản lý đã chỉ đạo tập trung triển khai các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, chuẩn bị khởi công dự án hạ tầng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản tháng 6/2015 và hoàn thành năm 2018. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khẩn trương hoàn thành hạ tầng các khu chức năng đảm bảo kết nối đồng bộ, phù hợp với tiến độ hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung.

Hiện Khu CNCHL đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, quan trọng như: dự án tổ hợp nghiên cứu, sản xuất thiết bị công nghệ cao của Viettel; dự án Trường Đại học FPT; dự án Trường Đại học KH&CN; Viện Công nghệ Vũ Trụ. Bên cạnh đó, một số dự án lớn, được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ của các bạn bè quốc tế như: dự án Trường Đại học Việt Nhật, dự án Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc,… cũng đang trong quá trình chuẩn bị để triển khai thực hiện tại Khu.

Bài, ảnh: Hạnh Nguyên