|
|||
Hình thành các mô hình điển hình Trong 40 năm qua, TPHCM đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điển hình là việc xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện KH-CN tính toán… Công viên phần mềm Quang Trung đã trở thành mô hình mẫu trong quản lý một ngành công nghệ cao. Hoạt động từ tháng 3-2001 đến nay, Công viên phần mềm Quang Trung đã thu hút 119 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có 10 doanh nghiệp nằm trong danh sách 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Các doanh nghiệp đã xây dựng và cung cấp hơn 140 sản phẩm, dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các sản phẩm, giải pháp được xuất khẩu trên 20 quốc gia trên thế giới. Còn Khu Công nghệ cao TPHCM đã đi vào giai đoạn định hình, trở thành “vùng đất” thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng sản xuất - kinh doanh có hàm lượng khoa học và công nghệ cao. Khu Công nghệ cao đã thu hút thành công các tập đoàn, công ty công nghệ đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao (Intel, Samsung, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT...). Tính đến nay, giá trị vốn đăng ký đầu tư sản xuất công nghệ cao vượt mốc trên 4 tỷ USD. Dù còn non trẻ, nhưng Viện KH-CN tính toán cũng đã đóng góp những giá trị không hề nhỏ cho TPHCM trong đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, tạo dựng mối quan hệ khoa học với cộng đồng khoa học trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Viện đi vào hoạt động với sự tham gia của các nhà khoa học Việt kiều uy tín là lãnh đạo chủ chốt của viện. Viện đã và đang thực hiện các công trình khoa học được thế giới quan tâm như nghiên cứu về virus H5N1, vật liệu mới, biến đổi khí hậu, chip xử lý tính toán song song, bảo mật… Khu Nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, từng bước hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn, chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu góp phần hình thành một số vùng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao như vùng sản xuất hoa lan, vùng sản xuất rau an toàn… Kiến tạo môi trường thuận lợi Trong giai đoạn gần đây, hoạt động KH-CN của TPHCM đã cho thấy sự gắn kết với hầu hết các ngành kinh tế - xã hội của thành phố, có tác động quan trọng trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý. Trong mô hình này, TPHCM đã lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ làm đòn bẩy cho sự tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và từng bước phát triển nền kinh tế tri thức. Điều này có đóng góp không nhỏ từ chủ trương kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển… Theo Sở KH-CN, chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2014, bằng việc kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thị trường KH-CN đã có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của hoạt động chuyên môn và KH-CN dẫn đầu trong 9 ngành dịch vụ, đạt 16,9%; gấp 3,3 lần so với giai đoạn 2006 - 2010 và chiếm tỷ trọng 5,5% trong GDP. Cũng cần thấy, thông qua đóng góp trực tiếp này, KH-CN đã làm tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) của toàn thành phố. Tỷ trọng đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng GDP của thành phố có xu hướng tăng. Đóng góp trung bình của TFP giai đoạn 2011 - 2015 ước bằng 32,8% (tương đương 24,2% GDP); cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Điều này đã chứng minh sự khởi sắc của thị trường KH-CN đã góp phần tích cực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt, qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TPHCM. Chính vì thế, TPHCM đang là địa phương dẫn đầu trong tạo ra mô hình KH-CN điển hình như trên. Điều này xuất phát từ lãnh đạo TPHCM luôn có sự quan tâm đặc biệt đến vai trò của KH-CN trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Do đó đã có chủ trương đẩy nhanh phát triển kinh tế thành phố theo hướng tạo ra sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp có hàm lượng chất xám cao, không gây ô nhiễm, không sử dụng nhiều lao động, nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn.
|