|
|||
Tham dự buổi tọa đàm có ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ KH&CN; ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ; ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ; ông Huỳnh Minh Hậu, Phó giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai cùng lãnh đạo các Sở KH&CN, các trung tâm ứng dụng, trung tâm nghiên cứu trong vùng. Mục tiêu của tọa đàm nhằm trao đổi những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong hoạt động chuyển giao công nghệ, thẩm định công nghệ, thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các Trung tâm Ứng dụng, Trung tâm Nghiên cứu và các tổ chức khoa học công nghệ công lập các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Huỳnh Minh Hậu, Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai cho biết, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 115 với tinh thần đổi mới và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập. Trong tổng số 642 tổ chức KH&CN công lập cả nước đã có 488 tổ chức đã được phê duyệt Đề án thực hiện cơ chế tự chủ (đạt 76%) trong đó có 380 tổ chức thuộc bộ, ngành và 108 tổ chức thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, 154 tổ chức đang xây dựng hoặc đang trong thời gian trình hồ sơ chờ thẩm định phê duyệt. Thực hiện cơ chế tự chủ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập; tăng cường vai trò quản lý của cơ quan chủ quản đối với nhiệm vụ của tổ chức KH&CN, là giải pháp có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập. Báo cáo tình hình hoạt động KH&CN của các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng Đông Nam bộ, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ cho biết, về tình hình chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115, đến hết năm 2014, trong vùng đã có 5 trung tâm được phê duyệt gồm Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và Bình Thuận; 2 trung tâm chưa chuyển đổi là Bình Dương và Bình Phước. Trong 5 trung tâm đã chuyển đổi có 2 trung tâm chuyển đổi theo khoản 1 Điều 4 (Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh) và 3 trung tâm chuyển đổi theo khoản 3 Điều 4 của Nghị định 115/2005/NĐ-CP. Ngoài ra, tính đến nay, cả 7 trung tâm trong vùng đều đang xây dựng dự án đầu tư trang thiết bị nâng cao tiềm lực hoạt động theo Quyết định 317 của Thủ tướng Chính phủ ở các nội dung như: đầu tư trại thực nghiệm công nghệ sinh học, bổ sung trang thiết bị, đầu tư thiết bị phòng phân tích kiểm nghiệm, sửa chữa và nâng cấp trụ sở làm việc, xây dựng cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ bức xạ phục vụ phát triển các ngành kinh tế kỹ thuật, xây dựng phòng thí nghiệm chế tạo robot… Về thực hiện theo Thông tư liên tịch 121 và Thông tư 29, đến nay trong vùng có 2 trung tâm của Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đã được phê duyệt mô hình hoạt động, 2 trung tâm (Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh) đang chờ phê duyệt danh mục, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, còn lại 3 địa phương chưa thực hiện xây dựng do Thông tư 121 mới ban hành, các Trung tâm chưa được hướng dẫn cụ thể và có một số khó khăn, vướng mắc nên vẫn chưa xây dựng dự toán.
Toàn cảnh tọa đàm Về kết quả hoạt động nghiên cứu, ứng dụng của các Trung tâm trong vùng, số liệu thống kê năm 2013 cho thấy, có 17 đề tài, dự án được thực hiện trên các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, điện, vật liệu mới… với tổng kinh phí trên 5,7 tỷ đồng. Về hoạt động dịch vụ, năm 2013 toàn vùng đã thực hiện được 671 hợp đồng với giá trị trên 10 tỷ đồng trong đó nhiều nhất là TPHCM. Trao đổi tại buổi toạ đàm, hầu hết các đại biểu cho rằng, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định nhiệm vụ hoạt động, cơ chế chính sách hỗ trợ; chỉ số hỗ trợ công tác thẩm định, đánh giá công nghệ cho doanh nghiệp… Trước những ý kiến của các đại biểu, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, những vướng mắc, khó khăn của các địa phương sẽ được Cục ghi nhận và đề xuất, kiến nghị với Bộ KH&CN để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp. Tin, ảnh: Diệu Huyền
|