Bản in
“Năm 2015 đẩy mạnh kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh”
Trao đổi với phóng viên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song ngành KH&CN còn nhiều khó khăn, bất cập cần giải quyết. Trong năm 2015, Bộ sẽ triển khai các nhiệm vụ quyết liệt và hiệu quả, để KH&CN thực sự trở thành đòn bẩy của nền kinh tế.
PV: Được biết trong năm 2014 toàn ngành KH&CN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh những thành tựu quan trọng năm nay qua mà ngành KH&CN đã đạt được, chúng tôi cũng thấy rằng còn một số yếu kém, bất cập cần giải quyết. Ông có thể đánh giá ngắn gọn khó khăn, bất cập lớn nhất hiện nay gây cản trở đến quá trình phát triển của KH&CN Việt Nam?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: cái yếu kém, bất cập lớn nhất hiện nay là theo tôi là sức ì trong đổi mới tư duy của những người làm quản lý KH&CN và ngay cả những người làm công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Chúng ta đã sống trong thời kì bao cấp quá dài, vì vậy khi chuyển sang kinh tế thị trường rất nhiều cán bộ khoa học, cũng như cán bộ quản lý còn chưa thích nghi một cách kịp thời với các cơ chế của nền kinh tế thị trường. Hoạt động KH&CN không đáp ứng được tính đổi mới, tính linh hoạt và tính đặc thù của kinh tế thị trường.
 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến yếu kém này chính là công tác truyền thông về KH&CN của chúng ta trong những năm vừa qua còn chưa tương xứng với tốc độ đổi mới của nền kinh tế. Rất nhiều cán bộ quản lý còn chưa hiểu hết về bản chất của nền kinh tế thị trường cũng như đặc thù của hoạt động KH&CN trong nền kinh tế thị trường. Hầu hết các viện nghiên cứu, các trường đại học vốn ỉ lại vào sự bao cấp của nhà nước. Hoạt động nghiên cứu của chúng ta chủ yếu dựa vào tài trợ của ngân sách nhà nước, chưa huy động được sự đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KH&CN, vì thế mà hoạt động truyền thông có vai trò rất quan trọng.
 
Chúng tôi rất mong các cơ quan báo chí giúp cho ngành KH&CN đưa những thông tin về cơ chế chính sách mới, về KH&CN, về kinh tế thị trường đến với xã hội trong đó có những người làm công tác khoa học, những người làm công tác quản lý KH&CN để chúng ta thực sự chuyển đổi hoạt động KH&CN sang theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, thích ứng với kinh tế thị trường, cũng như đáp ứng yêu cầu của thực tiễn theo cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ và cơ chế khoán chi mà Chính phủ đã hình thành giao cho ngành KH&CN thực hiện.
 
PV: Để KH&CN có thể hội nhập toàn diện với thế giới rất cần hình thành các ngành mũi nhọn. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay các ngành KH&CN mũi nhọn của chúng ta chưa được như mong muốn. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Một trong những nguyên nhân đó là sự đầu tư của xã hội, trong đó có sự đầu tư của nhà nước chưa đạt được ngưỡng mà chúng ta mong muốn. Phát triển các ngành công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cả về kinh tế lẫn trí tuệ. Hiện nay ngân sách nhà nước mới chỉ dành 2% tổng chi ngân sách hằng năm cho hoạt động KH&CN, nhưng tỉ lệ kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu chỉ chiếm 10% trong số 2% tổng chi ngân sách. Nói cách khác hàng năm chúng ta dành hơn 2000 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu triển khai. Nguồn kinh phí này là vô cùng ít ỏi so với nhu cầu của thực tiễn trong khi các doanh nghiệp (DN) của chúng ta chưa quan tâm đầu tư cho chính DN của họ để đổi mới công nghệ. Vì thế mà chúng ta không có đủ nguồn lực để đầu tư cho công nghệ đòi hỏi trình độ cao, có những sản phẩm hiện đại, công nghệ cao.
 
Để giải quyết vấn đề này, vừa qua, Bộ KH&CN đã trình quốc hội Luật KH&CN năm 2013 trong đó có 1 quy định rất đổi mới là DN nhà nước buộc phải đầu tư cho phát triển KH&CN bằng nguồn lợi nhuận trước thuế của họ với tỷ lệ tối thiểu theo Nghị định 95 của Chính phủ là 3% lợi nhuận trước thuế và tỷ lệ tối là là 10 % theo Luật thuế thu nhập DN, đồng thời Nhà nước duy trì 2% tổng chi ngân sách. Như vậy, chúng tôi hi vọng trong giai đoạn tới nguồn đầu tư cho KH&CN sẽ được tăng lên đáng kể.
 
Chúng ta đã có nhiều nghiên cứu thành công trong lĩnh vực công nghệ mới, công nghệ cao ví dụ như sản xuất vacxin, công nghệ vũ trụ, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin. Tuy nhiên mới dừng lại ở mức độ nghiên cứu mà chưa trở thành sản phẩm phục vụ cho xã hội. Đó chính là chúng ta thiếu nguồn đầu tư để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, để đầu tư cho các DN đổi mới công nghệ vào sản xuất cho những sản phẩm từ kết quả nghiên cứu, hình thành hệ thống DN KH&CN.
 
Vì thế năm 2015 chúng tôi đang xác định là năm triển khai, tiếp theo năm 2014 là năm hành động. Năm nay là 1 năm chúng tôi sẽ đưa các kết quả nghiên cứu vào sản xuất kinh doanh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Hạn chế bớt các đề tài dự án không có địa chỉ ứng dụng để thương mại hóa nhiều hơn các kết quả nghiên cứu đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.
 
PV: Hiện nay tư duy về KH&CN Việt Nam nhiều người cho rằng vẫn còn khép kin và chưa cởi mở, chưa hội nhâp với quốc tế. Theo ý kiến của Bộ trưởng nguyên nhân vì sao chúng ta chưa có nhiều nhà khoa học tầm cỡ quốc tế, chưa có sự giao lưu nhiều với KH&CN quốc tế?
 
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Hội nhập quốc tế cũng là một trong những mặt rất đặc trưng của nền kinh tế thị trường. Ngày nay chúng ta không thể làm khoa học một cách độc lập, chúng ta đóng cửa vào để làm khoa học. 
 
Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, chúng ta có thể học tập được kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng của các quốc gia đi trước chúng ta. Tuy nhiên hội nhập quốc tế cũng đòi hỏi 1 nguồn lực nhất định. Nếu chúng ta hội nhập quốc tế chỉ bằng nguồn tài trợ của quốc tế thì chắc chắn sự hợp tác đó sẽ không bền vững. Chính phủ cũng đã nhận biết điều này, khi chúng ta đã vượt qua ngưỡng của 1 nước kém phát triển để trở thành 1 nước có thu nhập trung bình thì Chính phủ cũng đã dành 1 nguồn lực nhất định cho hoạt động hội nhập quốc tế thông qua việc chúng ta đàm phám ra nhập rất nhiều hiệp định và các tổ chức quốc tế thì KH&CN cũng đã có được 1 vị thế nhất định. Ngày nay chúng ta làm các đề tài nghiên cứu chung theo Nghị định thư không chỉ bằng tài trợ của nước ngoài mà có nguồn đối ứng của chính phủ Việt Nam. Rất nhiều nhiệm vụ đã thành công nhờ có sự hợp tác chặt chẽ và có nguồn tài chính từ 2 phía.
 
Chúng tôi hi vọng trong thời gian tới với chương trình hội nhập quốc tế do Thủ tướng chính phủ phê duyệt trong đó có chương trình hợp tác nghiên cứu song phương và đa phương và chương trình tìm kiếm, giải mã công nghệ cộng với nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động này thì chúng ta có nhiều thành tựu nghiên cứu chung, và đạt được những kết quả tốt.
 
Còn về các nhà khoa học Việt Nam thì chúng ta có rất nhiều người giỏi. Tuy nhiên môi trường học tập ở trong nước của chúng ta hiện nay còn nhiều hạn chế chưa phát huy hết tài năng, trí tuệ của họ. Rất nhiều người đã thành danh ở các nước phát triển như Hoa Kì, Nhật Bản, Hàn quốc. Chính vì thế chúng tôi đang quyết tâm xây dựng viện Nghiên cứu theo mô hình của Viện nghiên cứu tiên tiến của Hàn Quốc, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà khoa học Việt Nam làm việc ở đó cũng không khác nhiều so với các viện nghiên cứu của nước ngoài, là địa chỉ thu hút họ quay trở về với Tổ quốc và đóng góp trí tuệ cho đất nước. Chúng tôi hi vọng được cộng đồng các nhà khoa học cũng như toàn xã hội ủng hộ ý tưởng này. Và năm sau nếu như Viện KH&CN VN – Hàn Quốc (VKIST) đi vào hoạt động, chúng tôi cũng hi vọng các nhà khoa học lớn của chúng ta như là Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn hoặc các nhà khoa học của chúng ta ở Nhật bản, Hàn quốc sẽ tìm thấy ở đây môi trường khoa học lý tưởng để họ có thể cống hiến cho đất nước.
 
Xin cảm ơn ông./.
 
Đăng Minh (lược ghi)