Bản in
Hoạt động KH&CN địa phương – hướng tới ứng dụng và chuyển giao công nghệ
Ngày 20/1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở KH&CN năm 2015. Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường Quốc hội Lê Bộ Lĩnh tham dự và chỉ đạo Hội nghị.

Về phía Bộ KH&CN còn có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Phạm Công Tạc, đại diện lãnh đạo của 63 Sở KH&CN trên cả nước và các cá nhân, đơn vị, tổ chức có liên quan.

Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN Địa phương (Bộ KH&CN) Hồ Ngọc Luật cho biết, năm 2014, các Sở KH&CN đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các tỉnh ban hành gần 400 văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực hoạt động KH&CN ở địa phương. Đặc biệt, có 1.800 nhiệm vụ KH&CN được triển khai theo tỷ lệ khoa học nông nghiệp chiếm 36,3% (năm 2013 là 37,2%); khoa học kỹ thuật và công nghệ chiếm 26,8% (năm 2013 là 17,8%); khoa học xã hội và nhân văn chiếm 21,6% (năm 2013 là 21,9%) và các lĩnh vực y – dược, khoa học tự nhiêm chiếm 16,9% (năm 2013 là 23,1%). Bên cạnh đó, các nghiên cứu, đầu tư cho KH&CN đã chuyển dịch theo hướng cơ cấu kinh tế và xã hội hóa năng lực tăng trưởng của địa phương.

Đối với lĩnh vực khoa học nông nghiệp, nhiều mô hình tập trung nghiên cứu đưa các mô hình canh tác mới, các giống cây trồng vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao như: mô hình tuyển chọn, phục tráng giống quýt chum vỏ vàng, phát triển cây dược liệu tại Hà Giang; mô hình thâm canh giống Hồng không hạt tại Tuyên Quang; mô hình sản xuất chăn nuôi gà an toàn sinh học tại Yên Bái; xây dựng thành công mô hình ứng dụng công nghệ cao nhà lưới hiện đại sản xuất lan Hồ Điệp theo mô hình công nghiệp tại Bắc Ninh; nghiên cứu, tuyển chọn giống lúa mới chất lượng cao HT 16, M 15,… cho vùng bị ngập mặn tại Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định; nuôi thử nghiệm cá Hồi vân tại tỉnh Đắc Lắc; mô hình nuôi hàu đơn phục vụ xuất khẩu tại Phú Yên,…

Trong lĩnh vực y dược, các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới như: phương pháp cố định cột sống qua phần cuống tại bệnh viện C (Thái Nguyên); nghiên cứu thực trạng thu dung, chẩn đoán và điều trị đột quỵ não tại các bệnh viện đa khoa tại Phú Thọ; ứng dụng hệ thống chụp mạch kỹ thuật số trong chẩn đoán và điệu trị bệnh mạch vành tại Bệnh viện Đa khoa (Thanh Hóa),…

Về hoạt động Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tổ chức kiểm định 3.066.376 lượt các phương tiện đo; 1.689 đơn vị được cấp chứng chỉ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008; 1.123 tiêu chuẩn kỹ thuật mới được ban hành.

Hoạt động sở hữu trí tuệ đã phát huy giá trị một số thương hiệu sản phẩm chủ lực, trọng điểm của địa phương như: chỉ dẫn địa lý “Cao Phong” cho sản phẩm cam (Hòa Bình); nhãn hiệu tập thể cho “Gà đồi Phú Bình” của tỉnh Thái Nguyên; có 24.127 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, 17.068 văn bằng chứng chỉ bảo hộ đã được cấp,…

Ngoài ra, một số thành tựu liên quan đến hoạt động KH&CN đã được thông báo tới các đại biểu tham dự gồm: hoạt động về thông tin KH&CN; hoạt động quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân; khoa học tự nhiên; khoa học xã hội và nhân văn; hoạt động thanh tra KH&CN; hoạt động KH&CN cấp huyện,…

Cũng theo Vụ trưởng Hồ Ngọc Luật, với những kết quả đã đạt được trong năm 2014, hoạt động KH&CN địa phương cần tiếp tục tập trung hướng vào nghiên cứu ứng dụng, tiếp thu các kỹ thuật tiến bộ để tạo ra các sản phẩm, công nghệ mới; hoạt động KH&CN địa phương phải coi doanh nghiệp là đối tượng trung tâm để thúc đẩy sản suất thông qua việc hỗ trợ đổi mới công nghệ, cải tiến công nghệ; tăng tỷ lệ các nhiệm vụ KH&CN dưới dạng các dự án ứng dụng; khai thác lợi thế trong liên kết, hội nhập và điều kiện đặc thù của từng vùng, địa phương để phát triển sản xuất và tham gia vào chuỗi giá trị cho những sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương…

 Các đại biểu tham dự tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã thông báo tới các đại biểu tham dự một số văn bản, cơ chế mới trong hoạt động KH&CN như: cơ chế khoán chi, cơ chế đặt hàng, cơ chế quỹ với mong muốn tạo nguồn lực tập trung cho hoạt động KH&CN phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; ban hành trên 50 Thông tư về hoạt động KH&CN và tiếp tục hoàn thiện các Thông tư mới; một số văn bản pháp lý mới trong đó có Nghị định 08, Nghị định 11, Nghị định 03, Nghị định 40, Nghị định 95 về cơ chế tài chính,…

Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục đổi mới tư duy trong hệ thống quản lý KH&CN, các trường, viện, tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN,... Đặc biệt là đánh giá đúng về những thành tựu khoa học gồm: lĩnh vực nông nghiệp, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, công nghệ sinh học, … trong đó có lĩnh vực y học.

Theo đó, các Sở KH&CN cần tham mưu cho lãnh đạo địa phương một số cơ chế mới như: cơ chế đặt hàng với quy trình nhiệm vụ cấp tỉnh, thành phố, bao gồm quy trình xét chọn, đánh giá quy trình nghiệm thu từ nhu cầu xã hội thay vì ý muốn của các nhà khoa học; thành lập Quỹ Phát triển KH&CN cấp tỉnh, thành phố với nhiều nguồn khác nhau; Quỹ phát triển KH&CN của các doanh nghiệp và cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN ở từng địa phương. “Đây là một số nét đột phá quan trọng trong hoạt động KH&CN. Điều này đã được thể hiện qua Nghị định 115, Thông tư 121,…” Bộ trưởng bày tỏ.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở KH&CN nên có những hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ cụ thể những sáng kiến từ người nông dân với mục đích tạo ra những sản phẩm có thể thương mại hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tin, ảnh: Ngũ Hiệp – Bùi Hiếu