|
|||
Đó là kết quả được ông Nguyễn Thế Ích, Chánh Văn phòng Chương trình Nông thôn miền núi (Chương trình) cho biết tại buổi họp Ban chỉ đạo Chương trình ngày 15/12. Các dự án được thực hiện đã huy động khoảng 800 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức khoa học công nghệ của Trung ương và địa phương trong cả nước về phục vụ tại địa bàn nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó 69 dự án được triển khai tại vùng đồng bào dân tộc như dân tộc Bru, Khmer, H’Mông, Vân kiều, Tày,… Các dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi chủ yếu tập trung giải quyết 03 nhóm vấn đề chính: một là chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; hai là đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ba là ứng dụng các công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình nhằm mục tiêu làm chủ và phát triển các công nghệ đã được chuyển giao và phát triển kinh tế địa phương bằng khoa học và công nghệ. Dự kiến khi các dự án kết thúc sẽ chuyển giao 1.181 công nghệ và tiến bộ kỹ thuật là kết quả nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học công nghệ thông qua việc triển khai các dự án và xây dựng được 859 mô hình. Các dự án thuộc Chương trình đã giúp các địa phương tiếp nhận, làm chủ và phát triển các công nghệ để giải quyết các vấn đề về: nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo; phát triển sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP và sản xuất trái vụ hướng tới sản phẩm hàng hóa; phát triển các cây trồng đặc sản của địa phương như: chè, cà phê, tiêu, bưởi, chuối,… Các đại biểu tham dự buổi họp cho rằng, trong những năm qua kinh tế phát triển theo hướng khai thác tài nguyên khoáng sản sẵn có cộng với nguồn lao động trình độ chưa cao nên nền kinh tế phát triển chưa mạnh mẽ, chưa mang tính bền vững. Với thực tế đó thì không còn con đường nào khác là tăng cường áp dụng những tiến bộ KH&CN vào sản xuất, phải đưa KH&CN lên vị trí then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Và ứng dụng KH&CN để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là mối quan tâm đặc biệt của Chính phủ trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần chú ý đến hiệu quả đầu ra của sản phẩm dự án, đặc biệt là tính bền vững nhân rộng của các kết quả này. Trong giai đoạn tới khi Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và dân tộc thiểu số” lồng ghép với “Đề án ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao giá trị sản phẩm các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản” thì cần chú ý đến các việc xét duyệt các dự án, tránh chồng chéo với một số chương trình của các Bộ, ngành khác. Bên cạnh đó, các dự án cũng cần xây dựng đề án trong thời gian 10 hoặc 15 năm để các dự án phát huy tối đa hiệu quả. Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình giai đoạn 2011 - 2015 đánh giá cao những kết quả mà Chương trình đã đạt được trong 15 năm qua. Trong 15 năm qua nhiều tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi, trồng trọt… đã đến được với bà con nông dân, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng cũng đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ của UBND các tỉnh, Hội nông dân với Chương trình để có kết quả cao nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn không ít những hạn chế cần khắc phục trong giai đoạn tới, đặc biệt khi Chương trình được lồng ghép với “Đề án ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao giá trị sản phẩm các ngành sản xuất, chế biến nông, lâm sản”. Đó là, Chương trình cần đặc biệt chú ý đến đầu ra, khả năng nhân rộng của dự án. Sau khi tổng kết cần phải có thống kê cụ thể có bao nhiêu kết quả được nhân rộng sau nghiệm thu và bao nhiêu kết quả không nhân rộng được kết quả. Tin, ảnh: Hoàng Anh
|