Bản in
Lựa chọn đột phá
Lựa chọn nào cho Việt Nam khi mô hình tăng trưởng dựa vào gia tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo đã đến ngưỡng và không còn thích hợp cho phát triển kinh tế bền vững, theo chiều sâu ? Những thách thức phía trước trên con đường gia nhập các quốc gia phát triển, thịnh vượng sẽ được giải quyết như thế nào trong thời điểm hiện tại ?

Rõ ràng KHCN là một lựa chọn và được xác định là động lực then chốt phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhưng đâu là điểm đột phá của chính sách KHCN làm bà đỡ cho đổi mới, sáng tạo; cho sự hình thành yếu tố đầu vào quan trọng nhất là lực lượng sản xuất hiện đại, là tài sản, giá trị thứ hạng của một quốc gia trong "thế giới phẳng".

Phải chăng cơ sở nghiên cứu khoa học đặc biệt với những cơ chế ưu đãi đặc biệt của Nhà nước và việc cho ra đời, vận hành thành công những cơ sở như vậy sẽ là bước đột phá cho đổi mới sáng tạo, cho bước đi tiên phong vào thách thức đáng phải có cơ hội diễn ra sớm hơn nữa.

Nhận thức về tầm quan trọng của KHCN trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, cùng với sự phát triển như vũ bão của KHCN thôi thúc những nhà hoạch định chính sách tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và tìm tòi lối đi cho Việt Nam.

Mô hình Viện "KIST" * của Hàn quốc là một sự lựa chọn được cân nhắc kỹ, là câu trả lời cho hiện tại Việt Nam vì trình độ phát triển của Hàn Quốc có khoảng cách không quá lớn, hoàn cảnh, văn hóa, tập quán của Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng…

Theo Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, có 3 yếu tố dẫn đến thành công của Viện KIST ở Hàn Quốc, đó là: Tổng thống Hàn Quốc trực tiếp đỡ đầu; có một đạo luật riêng; có một đội ngũ khoa học chủ yếu từ các quốc gia phát triển trở về…

Thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) sẽ là bước đi đầu tiên. Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc đỡ đầu cho Viện V-KIST thông qua chỉ đạo trực tiếp. Nếu có thành lập một ban chỉ đạo thì Thủ tướng sẽ nhận lời làm Trưởng ban chỉ đạo, Bộ KHCN cho biết như vậy. Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng, Quốc hội. Đến thời điểm này Quốc hội cũng đồng ý về mặt nguyên tắc là có một đạo luật dưới dạng Nghị quyết nhưng với phạm vi mở rộng hơn không chỉ cho Viện V-KIST mà áp dụng cho các viện nghiên cứu cần có cơ chế chính sách đặc biệt. Và cuối cùng Viện V-KIST phải thu hút được một đội ngũ khoa học có trình độ cao và chủ yếu từ các nước phát triển…

Sự thành công của mô hình được chờ đợi sẽ góp phần dẫn dắt nền KHCN Việt Nam phát triển. Từ thành công đó sẽ góp phần tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng vững chắc. Và chính nó sẽ là tiền đề cho một cuộc cách mạng  nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Điều gì đã cản trở các hoạt động của tổ chức KHCN ? Các rào cản cũng đã được cơ quan chuyên ngành gọi tên. Có thể thấy hạn chế trong thực hiện quyền tự chủ của các tổ chức KHCN công lập như : quyền tự chủ về tài chính; quyền tự chủ về tài sản; quyền tự chủ về tổ chức bộ máy; quyền tự chủ về tổ chức nhân sự. Và còn nữa là chính sách thuế đối với lĩnh vực rất đặc thù trong bước đi ban đầu như : thuế nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế giá trị gia tăng.

Tháo rỡ các rào cản không phải là việc mở toang ra mà là tạo môi trường tốt nhất có thể cho một mô hình đặc biệt vận hành - cơ sở nghiên cứu KHCN đặc biệt bằng những chính sách đặc biệt mà Chính phủ, Quốc hội mới có thẩm quyền xem xét ban hành. Như vậy, sẽ phải có những cơ chế chính sách vượt qua quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để áp dụng cho những trường hợp đặc biệt. Và dĩ nhiên nó vẫn được kiểm soát, đánh giá và nhân rộng khi đủ độ chín.

Nguồn: ITN

Quyết định thành công vẫn là yếu tố con người. Giao quyền tự chủ về bộ máy và nhân lực là rất rất quan trọng. Nhưng nguồn nhân lực ưu tú, tinh hoa không là một cuộc cạnh tranh về chế độ đãi ngộ cao thấp và không dễ gì có được. Đây là chính sách nhất quán, lâu dài;  là sự vận động nhiệt thành của Nhà nước; sự hội tụ của lòng tin, uy tin, niềm tự hào, khát vọng vươn lên cho dân tộc... Và vì vậy sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các ngành, các cấp, của bộ chuyên ngành nhất là Bộ KHCN cho vấn đề này sẽ đóng góp rất lớn trong bước đi đột phá.

Vậy cơ sở nghiên cứu KHCN đặc biệt sẽ nhận cho mình trong trách đặc biệt gì ? Điều quan trọng hơn hết là trách nhiệm của cơ sở nghiên cứu KHCN đặc biệt trong phát triển công nghiệp hiện đại; phát triển nguồn nhân lực trình độ cao và hạ tầng kỹ thuật tiên tiến; thiết lập hành lang phát triển công nghệ kết nối doanh nghiệp với khu vực nghiên cứu... Đây vẫn chỉ là những mục tiêu khiêm tốn ban đầu.

Chính sách đặc biệt là bước đi khai sáng, là vốn liếng của nhân dân ứng trước. Nó không là sự ưu đãi cho phát triển KHCN mà là niềm tin, hy vọng và đòi hỏi của đất nước đối với những người dấn thân vì nền KHCN nước nhà. Đây là sự tập hợp cho những thử thách, cho đột phá thành công thay thế mô hình hoạt động KHCN ì ạch ra đời và vận hành trong cơ chế đã quá cũ.

Niềm tin lớn đòi hỏi nỗ lực lớn. Sứ mệnh tiên phong được trao cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia… 3 yếu tố dẫn đến thành công của Viện V-KIST ở Việt Nam sẽ có đầy đủ.

Và thời gian sẽ không phụ lòng những con người tâm huyết với đất nước.
----------------------
* "KIST" (viết tắt của Korea Institute of Science and Technology) được thành lập năm 1966 với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề bức xúc về kỹ thuật cho sản xuất, hướng Hàn Quốc tới một xã hội phát triển trên nền tảng của các công nghệ hiện đại.