|
|||
Tạo "cú hích" để hình thành đội ngũ cán bộ KH&CN nòng cốt Sáng 26/8 tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam về việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về KHCN. Cùng dự có Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân và Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam Châu Văn Minh. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những cống hiến của Viện Hàn lâm KHCN, đề nghị Viện Hàn lâm KHCN tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực tham gia vào việc đào tạo, khai thác nguồn nhân lực cao, có đột phá trong các lĩnh vực khoa học nghiên cứu và ứng dụng để tiến tới làm chủ KHCN. Đặc biệt, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Viện xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ trong 5 đến 10 năm tới để tạo nên một “cú hích” trong việc hình thành một đội ngũ nòng cốt, qua đó góp phần vào phát triển KHCN của đất nước. (Theo chính phủ 26/8). Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân Trong hai ngày 25 và 26/8, tại Ninh Thuận, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hạt nhân - Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tổ chức ứng phó tình trạng khẩn cấp về sự cố bức xạ hạt nhân. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, mục tiêu của Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân là thiết lập hệ thống tổ chức, năng lực quốc gia thống nhất, toàn diện nhằm phối hợp đồng bộ, có tổ chức giữa các cơ quan nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả để giảm thiểu tối đa những thiệt hại về con người, môi trường và tài sản do sự cố gây ra. (Theo Đại biểu nhân dân 27/8). Giải bài toán ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến nông sản sạch Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia cho biết, cơ quan này vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Dương và Sở KH&CN Hải Dương tổ chức “Hội thảo khoa học ứng dụng công nghệ trong bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản sạch” tại Hải Dương. Thông qua hội thảo lần này, cơ quan chức năng và nhà khoa học đã giới thiệu tổng quan chung về chính sách, thị trường, công nghệ và các kết quả nghiên cứu của các viện, trường đại học trong lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản nói chung cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hải Dương có thể lựa chọn công nghệ thích hợp trong việc ứng dụng công nghệ trong bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản sạch. (Theo vietq ngày 29/8).
Áp dụng công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Ảnh minh họa Việt Nam đăng quang Robocon Châu Á - Thái Bình Dương Vượt qua đội Nhật Bản trong trận chung kết, đội Robocon Việt Nam (ĐH Lạc Hồng đại diện) đã đăng quang ngôi vô địch Robocon Pune 2014 vừa kết thúc tại Ấn Độ. Việt Nam cũng là đội duy nhất giành chiến thắng tuyệt đối ở tất cả các vòng đấu trong số 18 đội của 17 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á – Thái Bình Dương dự giải đấu do Liên minh truyền hình châu Á – Thái Bình Dương tổ chức này. Đây là lần thứ tư đội tuyển Robocon Việt Nam đăng quang ngôi vô địch tại sân chơi Robocon châu Á - Thái Bình Dương. Với kết quả này, Việt Nam là nước có số lần vô địch Robocon Châu Á - Thái Bình Dương nhiều thứ hai sau Trung Quốc. (Theo Tuổi trẻ 24/8). Sáng chế từ đầm tôm của 3 học trò Ba học sinh Nguyễn Thanh Thương, Phạm Ngọc Bình và Thái Nhật Minh trường THPT Ngô Gia Tự, Cam Ranh, cùng sáng chế hệ thống đánh vôi tự động trong nuôi trồng thủy sản, được người nuôi tôm đánh giá có ích. Hệ thống mô hình sáng chế được lắp đặt hoàn chỉnh, chỉ cần sử dụng một máy bơm hút nước từ dưới hồ lên, dẫn vào một bồn chứa và có một ống dẫn nước từ bình chứa ra. Trên thân ống dẫn nước ra ngoài có đục nhiều lổ thủng nhỏ và đặt ống chạy dọc theo trục của guồng quay tạo oxy trong hồ nuôi tôm. Khi bơm ra, nước có vôi và dung dịch đã hòa tan sẽ túa ra hồ qua các lổ thủng trên thân ống. Sau đó, nhờ sức đẩy của guồng quay tạo oxy sẽ trộn đều dung dịch vôi túa ra, làm hòa tan trong nước và lan khắp hồ nuôi tôm. Cả nhóm cũng đã nghiên cứu, thiết kế thêm hệ thống đo pH tự động để khi pH đạt giá trị mong muốn thì sẽ có chuông báo động reo lên, giúp người làm biết để điều chỉnh lượng vôi hợp lý. (Theo vnexpress 28/8).
Nhóm sáng chế tuổi học trò với hệ thống máy đánh vôi tự động của mình. Ảnh: Quỳnh Xuân Ứng dụng khoa học tính toán vào thực tiễn Ngày 21/8, hơn 200 nhà khoa học trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị Quốc tế lần II về Khoa học và Kỹ thuật tính toán do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán-ICCSE (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM) tổ chức. Ra đời từ năm 2009, sau 5 năm hoạt động, Viện Khoa học và Công nghệ tính toán đã thu hút được hơn 10 tiến sĩ là Việt kiều và khoảng 40 nghiên cứu viên đang cộng tác và làm việc tại 5 phòng thí nghiệm Khoa học Sự sống (Life Science), Khoa học phân tử và Vật liệu Nano (Molecular Science and Nano Meterials), Khoa học Môi trường (Enivironmental Science), Tính toán Kỹ thuật (Computational Engineering) và Hạ tầng Thông tin Tính toán (Cyber-Infrastructure). Nhờ những đóng góp thiết thực của các nhà khoa học, thời gian qua, TP.HCM đã trở thành đơn vị đi đầu trong cả nước về áp dụng những thành tựu khoa học tính toán vào thực tiễn đời sống, công nghệ. (Theo Khám phá 22/8). Hà Trang (Tổng hợp)
|