|
|||
Khuyến khích chuyển đổi Trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập tại cuộc họp chuyên đề về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập mới đây đã nhấn mạnh: “Tiếp tục khuyến khích các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập chuyển đổi để tự chủ cao hơn về tổ chức bộ máy, tài chính, có cơ chế gắn chặt với “sản phẩm”, bao gồm sản phẩm Nhà nước giao, sản phẩm nghiên cứu cụ thể và sản phẩm ứng dụng. Đồng thời giao tài sản cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ quản lý và bảo toàn, xác định cụ thể khấu hao hay không khấu hao. Về thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, Phó Thủ tướng yêu cầu cần xác định cụ thể các nội dung về khoán chi, đặt hàng và mua sản phẩm để các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ tự xác định, lựa chọn cơ chế thực hiện. Sự quyết tâm của Chính phủ cho thấy tính cấp thiết phải chuyển đổi mô hình sang cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN. Nghị định 115 và Nghị định 80 đã dần đi vào cuộc sống, các tổ chức KH&CN ngày càng thể hiện tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao trong các hoạt động của đơn vị. Đến nay, số lượng các tổ chức KH&CN tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập các tổ chức KH&CN trực thuộc hoạt động theo cơ chế tự chủ, nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm như: Công ty CP sơn Hải Phòng, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Vinashin, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (Ninh Bình). Đối với việc thực hiện Nghị định 80, Bộ KH&CN đã thí điểm thành lập doanh nghiệp KH-CN ở Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện Máy và dụng cụ công nghiệp, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, Viện Nghiên cứu điều trị các bệnh hiểm nghèo, Viện Cơ khí năng lượng mỏ… Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ KH&CN, tính đến nay, số tổ chức KH&CN thuộc các bộ, ngành , địa phương, được chuyển đổi theo Nghị định 115 còn khá hạn chế. Trước thực tế hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo tiến độ thực hiện cũng như đẩy mạnh tính tự chủ và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, cần cho phép các tổ chức KH&CN thuộc về các bộ, ngành kéo dài thời gian chuẩn bị, bổ sung chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụ thể để các tổ chức có đủ điều kiện chuyển đổi thành công… đồng thời kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chuyển đổi các tổ chức KH&CN lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời có giải pháp khuyến khích việc thành lập mới nhiều tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động theo cơ chế tự chủ trong các trường đại học, viện nghiên cứu. 47 triệu USD hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình tự chủ Nhận thấy sự quan trọng của việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập, dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ (FIRST) hiện đang là dự án ODA lớn nhất trong lĩnh vực KHCN từ trước đến nay, được thực hiện 5 năm (2014 - 2019) với tổng mức đầu tư 110 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng). Trong đó hoạt động hỗ trợ các tổ chức KHCN công lập chuyển đổi theo cơ chế 115 (Nghị định 115/2005) được đặc biệt chú trọng. Giám đốc Dự án FIRST Trần Quốc Thắng cho biết, với 47 triệu USD, dự án tập trung mạnh vào việc hỗ trợ giúp các tổ chức KHCN từ mô hình truyền thống, phụ thuộc vào ngân sách nhà nước chuyển sang mô hình tự chủ, tự hạch toán theo kinh tế thị trường, nhằm tạo ra sức bật và kỳ vọng khoảng 5 - 10 năm nữa sẽ có những viện nghiên cứu mạnh, đủ năng lực ngang tầm với khu vực và quốc tế. Những tổ chức được hỗ trợ này sẽ là minh chứng cho thấy lợi ích của việc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tạo động lực thúc đẩy các tổ chức KHCN khác học tập theo.
Dự án FIRST sẽ tài trợ 47 triệu USD cho việc chuyển đổi sang mô hình tự chủ của các tổ chức KHCN công lập (ảnh: lễ công bố dự án) Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Dự án FIRST, dự án sẽ chỉ chọn từ 10 -15 viện, ưu tiên trong một số lĩnh vực như công nghệ sinh học, nông nghiệp, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin truyền thông, công nghệ cơ khí và tự động hóa. Mỗi tổ chức nhận được khoản tài trợ 2 - 4 triệu USD và phải hoàn thành việc chuyển đổi trong 24 tháng. Do vậy, khi tham gia dự án, các tổ chức phải thể hiện ý chí quyết tâm, tiềm năng về mặt con người, thành tích, đặc biệt là định hướng chiến lược phát triển của mình. Dự án sẽ tiến hành ít nhất 3 vòng lựa chọn, vòng đầu tiên là vòng thí điểm chỉ dành cho các tổ chức thuộc các ngành công nghệ sinh học và nông nghiệp; cơ khí và tự động hóa. Các vòng tiếp theo sẽ được mở ra cho tất cả các lĩnh vực ưu tiên. Để bảo đảm công bằng cho các tổ chức KHCN tham gia, dự án cũng xây dựng tiêu chí đánh giá minh bạch. Theo đó, các tổ chức KHCN công lập không thực hiện kế hoạch chuyển đổi theo Nghị định 115/2005 sẽ được coi là không hợp lệ để tham dự vòng tuyển chọn đối tượng nhận tài trợ. Trong đó, các tiêu chí như hoạt động chuyển giao công nghệ và dịch vụ hay tỷ lệ tái đầu tư từ các hoạt động chuyển giao trong 3 năm gần đây được đặc biệt chú trọng. Dự án cũng xây dựng hệ thống chuyên gia đến từ những cơ quan có liên quan để nghiên cứu, thu thập thông tin, xác định những ứng viên tiềm năng. Điều đặc biệt, các thành viên của Tổ chuyên gia không được phép đánh giá đề xuất hỗ trợ của tổ chức mà người đó hiện đang công tác hoặc có liên quan để tránh các xung đột về lợi ích. Đồng thời, dự án cũng tuyển dụng một chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia tư vấn quốc tế có uy tín với nhiều kinh nghiệm trong việc cấp vốn tài trợ tương tự như dự án FIRST để đánh giá việc vận hành cơ chế tài trợ, bao gồm cả hệ thống hoạt động của các chuyên gia trong dự án. Bài và ảnh: Minh Châu
|