|
|||
Các báo cáo được trình bày trong phiên họp đã nêu bật được mục tiêu của chương trình đối tác đa quốc gia do Hoa Kỳ khởi xướng năm 2009 - Sáng kiến Hạ lưu Sông Mê Kông (LMI) là nhằm hỗ trợ xây dựng một hiểu biết chung trong khu vực, thúc đẩy hơn nữa hợp tác cũng như các giải pháp chung hiệu quả có sự phối hợp giữa các quốc gia thuộc khu vực tiểu vùng sông Mê Kông đối với các thách thức phát triển xuyên biên giới bức thiết nhất. Đây cũng là cơ hội, định hướng rất quan trọng, qua đó, những giải pháp được đưa ra nhằm khai thác hiệu quả những lợi thế của các nước trong tiểu vùng, từ đó cùng hợp tác và phát triển. Trước đó cũng trong khuôn khổ Hội thảo, ngày 20/8 và 21/8, tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia, đã diễn ra hội thảo “Thách thức trong hoạt động xử lý dữ liệu nước một cách hiệu quả (bao gồm cả thách thức liên quan tới hạ tầng công nghệ thông tin)” và Hội thảo “Thách thức trong công tác trực quan hóa và truyền đạt thông tin dẫn xuất tới các nhà hoạch định chính sách tại các cấp quản lý” Tại hai hội thảo trên, rất nhiều đại biểu, trong đó có các nhà khoa học cùng các giảng viên đến từ Hoa Kỳ, các quốc gia Hạ lưu sông Mê Kông và các chuyên gia quản trị mạng đến từ các quốc gia thuộc Hạ lưu sông Mê Kông đã quy tụ và cùng nhau thảo luận về nhiều vấn đề liên quan đến chủ đề chính. Với chủ đề “Thách thức trong hoạt động xử lý dữ liệu nước một cách hiệu quả”, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc ứng dụng công nghệ, trong việc quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên nước sông Mê Kông mang lại cho vùng dân cư rộng lớn sống tại vùng hạ lưu con sông này. Do tình trạng của nguồn tài nguyên nước toàn cầu ngày càng khan hiếm, cạn kiệt nên vai trò của công nghệ, mà đặc biệt là quản lý dữ liệu lớn là rất quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin hoàn toàn có thể giúp con người quản lý và sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm và hiệu quả. Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), các hệ thống bản đồ, các mạng lưới cảm biến và điện thoại di động đang giúp cho việc thu thập những khối lượng dữ liệu khổng lồ của các thành phần của hệ thống nước trở nên hiệu quả hơn - một điều mà trước đây không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã phân tích tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển kinh tế, xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quy mô toàn cầu, diễn biến phức tạp của môi trường sinh thái và đặc biệt nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của quá trình quản lý giám sát môi trường thông qua công tác trực quan hóa và truyền đạt thông tin dẫn xuất tới các nhà hoạch định chính sách tại Hội thảo “Thách thức trong công tác trực quan hóa và truyền đạt thông tin dẫn xuất tới các nhà hoạch định chính sách tại các cấp quản lý”. Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung đi sâu, đánh giá và đưa ra một số giải pháp để góp phần thúc đẩy nhanh, bền vững hoạt động nghiên cứu khoa học trong giai đoạn mới (bao gồm xác định cả mối quan tâm chung và thách thức trong quá trình hợp tác). Đại diện các nước đã nêu bật kết quả và nhất trí tiếp tục đẩy mạnh quá trình hợp tác giữa Hoa Kỳ và các nước thuộc khu vực hạ nguồn sông Mê Kông trong các lĩnh vực quan tâm chung cũng như nhận thức được rằng mục tiêu của LMI thúc đẩy sự phát triển công bằng, bền vững và hợp tác đối với sông Mê Kông, một nguồn tài nguyên xuyên quốc gia, sẽ đặt ra thách thức lớn nhất cho thành công của Sáng kiến hạ lưu sông Mê Kông. Tin, ảnh: Diệu Huyền
|