|
|||
Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ được nghe và thảo luận những khái niệm cơ bản về những nguyên lý cơ bản nhất như “KH&CN phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam”, cũng như sự kết nối giữa khoa học xã hội với tự nhiên như “Mối quan hệ cộng đồng – khu dự trữ sinh quyển trong bảo tồn và phát triển” và báo cáo về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại các khu dự trữ sinh quyển”. Ngoài ra, Hội thảo cũng dành riêng cho diễn đàn đối thoại giữa các nhà khoa học, các chuyên gia với các khu DTSQ để xác định nhu cầu KH&CN cấp cơ sở phục vụ bảo tồn và phát triển bền vững các khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. Các chủ đề đối thoại tập trung vào từng khu DTSQ xuất phát từ nhu cầu cụ thể, bao gồm: Ứng dụng KH&CN tài nguyên cây thuốc ở Khu DTSQ Đồng Nai; Tình hình nghiên cứu, ứng dụng KH&CN tại Khu DTSQ quẩn đảo Cát Bà giai đoạn 2004-2014 và nhu cầu đến năm 2020; Bảo tồn đa dạng văn hóa và sinh học ở Vườn quốc gia Xuân Thủy – Vùng lõi một số của Khu DTSQ Thế giới Đất ngập nước Liên tỉnh ven biển châu thổ sông Hồng; KH&CN tỉnh Kiên Giang – những thành tựu và các giải pháp trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững khu DTSQ Thế giới Kiên Giang; Bảo tồn đa dạng sinh học và mối liên hệ với phát triển bền vững ở Khu DTSQ Tây Nghệ An;… Ông Lê Quang Thành – Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội và tự nhiên (Bộ KHC&N) cho biết: Việc xây dựng Khu dự trữ sinh quyển được Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO đưa vào thực hiện từ năm 1976 là nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để có thể tạo nên sự cần bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Mô hình khu DTSQ vừa cung cấp cơ sở lý luận, vừa là công cụ nghiên cứu tác động qua lại giữa con người và sinh quyển. Vì vậy, khu DTSQ là phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng quốc gia và quốc tế. Khoa học và Công nghệ ngày càng trở lên quan trọng và không thể tách rời trong quá trình thiết kế xây dựng, thực hiện và hoàn thiện các khu dự trữ sinh quyển để tạo nên các mô hình phát triển bền vững. Tin, ảnh: Ánh Tuyết |