|
|||
Nhiều kết quả nghiên cứu được ứng dụng Phòng thí nghiệm trọng điểm về vật liệu linh kiện và điện tử (PTNTĐ) – Viện Khoa học Vật liệu là một trong những ví dụ điển hình. Phòng thí nghiệm này đã khai trương và đi vào hoạt động từ năm 2008, phục vụ tốt cho các nghiên cứu khoa học công nghệ của Viện và các cơ sở nghiên cứu khác. Với tổng kinh phí đầu tư khoảng 3,5 triệu USD, PTNTĐ đã thực sự tạo được bước phát triển mới cho cả nghiên cơ bản chất lượng cao và một số nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao của Viện Khoa học vật liệu. PTNTĐ đã xây dựng được hệ thống các thiết bị quan trọng và khá đồng bộ như: dây chuyền thiết bị sản xuất vật liệu nam châm đất hiếm, thiết bị hiển vi điện tử quét phân giải cao, thiết bị đo tính chất vật lý PMMS, thiết bị tạo màng bằng laser, cùng nhiều thiết bị đo và thiết bị công nghệ khác cho nhiều loại vật liệu mới. PGS.TS Vũ Đình Lãm – Giám đốc PTNTĐ cho biết: Nhìn chung các thiết bị của PTNTĐ được khai thác hiệu quả, một số thiết bị được hoạt động với tần suất rất cao như hiển vi điện tử quét (FE-SEM), hệ nhiễu xạ tia X, hệ tán xạ Raman, và một số hệ thống thiết bị đo phục vụ nghiên cứu tính chất quang của vật liệu... các thiết bị được khai thác theo đúng tiêu chí của PTN mở. PTNTĐ đã cung cấp công cụ để xây dựng mới hoặc nâng tầm một số hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng của Viện như: công nghệ chế tạo vật liệu, nghiên cứu tính chất và ứng dụng vật liệu ống cacbon nano đơn và đa tường; chế tạo vật liệu, nghiên cứu tính chất của vật liệu từ tính kích thước nano định hướng ứng dụng trong y sinh; chế tạo vật liệu dẫn nạp thuốc, chế tạo vật liệu quantum dot với công nghệ chế tạo ổn định ứng dụng trong công nghệ đánh dấu sinh học, bảo mật;... Trong thời gian qua, nhiều nghiên cứu đã được ứng dụng trong các lĩnh vực đều cho kết quả tốt như ứng dụng vật liệu CNTs trong cao su chịu nhiệt độ chịu mài mòn; trong các lớp mạ kim loại có độ cứng cao, độ chống mài mòn cao; Trong chế tạo vật liệu tản nhiệt cho các bộ vi xử lý tốc độ lớn, linh kiện điện tử công suất lớn; Chế tạo module laser diode công suất và thiết bị laser diode dùng trong điều trị bệnh; Chế tạo vật liệu và nghiên cứu ứng dụng vật liệu xúc tác kích thước nano mét đã thử nghiệm thực tế có kết quả trong xử lý lò đốt rác y tế, ống xả khí thải xe hơi, xe gắn máy; Nghiên cứu công nghệ chế tạo về chế tạo các lớp phủ kích thước nano trên kính xây dựng và các vật liệu khác có khả năng tự làm sạch; chế tạo vật liệu quantum dot với công nghệ chế tạo ổn định ứng dụng trong công nghệ đánh dấu sinh học, bảo mật;… Tập trung phát triển theo chiều sâu Với mức độ đầu tư khoảng 3,5 triệu USD cho một PTNTĐ, là một lượng kinh phí khá lớn tuy nhiên chưa phải là đủ lớn để có thể triển khai các nghiên cứu “đi tới cùng” nhằm có được những kết quả công nghệ và linh kiện,.. có thể ứng dụng. Hơn nữa, một số trang thiết bị sau 10 năm đầu tư hoạt động đã lạc hậu so với thực trạng khoa học hiện đại, hoặc bị già hóa theo thời gian. Ở các nước trên thế giới như hệ thống PTNTĐ của Nhật đầu tư những năm 1990 là khoảng 15 – 25 triệu USD. Đa phần các PTN về công nghệ (không thuộc diện trọng điểm) trong các trường Đại học ở Trung Quốc trung bình đều vượt xa con số 3,5 triệu USD. Do vậy, Viện KHVL mong muốn được nâng cấp các thiết bị của PTNTĐ, đây được xem như là giai đoạn 2 của PTNTĐ. "Giai đoạn 2011-2015, PTNTĐ sẽ tiếp tục tập trung vào hai lĩnh vực nghiên cứu chính: Vật liệu nano định hướng ứng dụng trong y-sinh-nông nghiệp và Vật liệu và linh kiện năng lượng. Đặc biệt chú trọng đến đến các đề tài/dự án có sản phẩm ứng dụng thực tế như vật liệu quang xúc tác nanô ứng dụng cho xử lý ô nhiễm nguồn nước, các hệ vật liệu nanô dẫn thuốc, cảm biến sinh học, pin mặt trời và pin nhiên liệu", PGS.TS Vũ Đình Lãm cho biết thêm. Được biết, hiện nay Viện Khoa học vật liệu đang xây dựng Đề án thành lập “Trung tâm Công nghệ Nanô tiên tiến” nhằm đẩy mạnh các nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở các nghiên cứu cơ bản, tiến tới có công nghệ được áp dụng trong sản xuất, có sản phẩm đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bài, ảnh: Hải Ngọc |