|
|||
Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh cho biết, Việt Nam đang trong giai đoạn cải tổ mạnh mẽ trong quản lý, điều hành. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là một trong những định hướng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội trong chiến lược phát triển của Việt Nam trong thời gian tới. Chương trình quốc gia “ Nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đã được triển khai và Bộ KH&CN là cơ quan đầu mối thực hiện. Với mong muốn đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của khu vực và sẵn sàng hợp tác với các nước trong việc chia sẻ thông tin, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của APO và các cơ quan năng suất quốc gia thành viên trong việc đào tạo chuyên gia và kinh nghiệm áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất chất lượng.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại Phiên họp Trong ba ngày diễn ra Phiên họp (từ 15 – 17/4), Ban chấp hành APO và đại diện các nước thành viên APO sẽ có nhiều hoạt động quan trọng nhằm định hướng các hoạt động năng suất chất lượng cho các quốc gia thành viên như: Tiến hành bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch mới cho nhiệm kỳ 2014 – 2015, công bố Báo cáo Tài chính năm 2013, chỉ định kiểm toán viên năm 2014 và thông qua ngân sách, kế hoạch cho hai năm 2015 – 2016, định hướng hoạt động cho những năm tiếp theo. Ngoài ra, các đại biểu tham dự sẽ có báo cáo, thảo luận về những định hướng chính sách của nước mình cũng như đề xuất các chương trình hợp tác đa phương và song phương. Được biết, Việt Nam tham gia APO từ năm 1996. Thông qua các chương trình, đội ngũ chuyên gia năng suất chất lượng của Việt Nam đã được phát triển và ngày càng mở rộng. Hàng nghìn tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội tiếp cận với các công nghệ quản lý tiên tiến và được chia sẻ kinh nghiệm nâng cao năng suất chất lượng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều hệ thống, công cụ tiên tiến được phổ biến rộng rãi hiện nay như hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9000, hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000, hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, Quản lý chất lượng toàn diện,mô hình Lean 6 Sigma, Chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI), năng suất xanh,… Tin, ảnh: Ngũ Hiệp
|