Bản in
Trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN Cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã huy động nguồn lực xã hội lớn cho đầu tư phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) tạo sự chuyển biến về chất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ của thành phố. Tuy nhiên, để thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa trong phát triển KHCN, nhiều ý kiến cho rằng, cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Để thực hiện chủ trương xã hội hóa trong phát triển KHCN, TP Hồ Chí Minh đã triển khai cơ chế đặt hàng trong nghiên cứu khoa học. Đây là giải pháp gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn, nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả đề tài - dự án nghiên cứu. Thông qua cơ chế này, thành phố đã tập hợp đội ngũ nghiên cứu KHCN để giải quyết các vấn đề bức xúc như: kẹt xe, chống ngập nước, dự báo động đất, ô nhiễm môi trường lưu vực sông Đồng Nai, quy hoạch tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại... Đồng thời, thành phố cũng đã thực hiện cơ chế đồng đầu tư đối với các dự án từ đặt hàng của doanh nghiệp và thuộc 4 lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, dự án sản xuất thử nghiệm theo phương thức Nhà nước hỗ trợ tối đa 30% và doanh nghiệp bỏ ra ít nhất 70% tổng kinh phí đầu tư thông qua một số chương trình như chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu; chế tạo robot công nghiệp.

Đặc biệt, với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất - chất lượng hỗ trợ chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ đầu tư 27 dự án KHCN cho các lĩnh vực cơ khí chế tạo và điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin với tổng kinh phí từ ngân sách thành phố là 22,877 tỷ đồng. Các sản phẩm của dự án được chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất với giá tương đương 60 -70% so với giá nhập khẩu.

Riêng đối với việc trích lập Quỹ phát triển KHCN, thời gian qua, Sở KHCN thành phố đã phổ biến, tuyên truyền đến trên 5.000 lượt doanh nghiệp về Quỹ phát triển KHCN thông qua các buổi hội thảo, hội nghị, gặp gỡ với các doanh nghiệp... Tuy nhiên đến nay mới có trên 80 doanh nghiệp liên hệ, tìm hiểu về Quỹ này và tính đến ngày 31.7.2013, thành phố mới có 49 doanh nghiệp đã báo cáo thành lập Quỹ phát triển KHCN. Trong đó có 26 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với tổng cộng 346,8 tỷ đồng như cũng mới chi 117,8 tỉ đồng (chiếm 33,9% tổng số tiền); số đơn vị chưa trích lập quỹ là 23 doanh nghiệp do mới lập Quỹ.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở KHCN TP Hồ Chí Minh Phan Minh Tân, các doanh nghiệp đã dần quan tâm đến việc trích lập quỹ để đầu tư cho các hoạt động nhằm phát triển KHCN của chính doanh nghiệp. Nếu thu hút được nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ Phát triển KHCN thì đây là một nguồn lực đáng kể, lớn hơn nhiều so với ngân sách thành phố đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ. Nhưng, với những khó khăn, rào cản trong việc sử dụng quỹ hiện nay đã khiến các doanh nghiệp không mặn mà.

Cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Với chủ trương doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển KHCN của thành phố, trong kiến nghị mới nhất Sở KHCN TP Hồ Chí Minh đã đề nghị cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc trích lập, sử dụng quỹ. Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước chỉ hậu kiểm về mục đích sử dụng quỹ của doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đầu tư cho hoạt động KHCN. Giám đốc Phan Minh Tân cho rằng, trong Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp, có 3/4 là của doanh nghiệp, 1/4 vốn từ thuế thu nhập doanh nghiệp, do vậy nên để doanh nghiệp tự chủ khi sử dụng vốn này và nên tin tưởng vào doanh nghiệp, cơ quan quản lý chỉ nên thực hiện hậu kiểm để ngăn ngừa việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu.

Liên quan đến việc trích lập Quỹ Phát triển KHCN, theo Sở KHCN, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nâng tỷ lệ cao hơn 10% lợi nhuận trước thuế để doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều hơn cho việc phát triển KHCN. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đề nghị thành phố cần có cơ chế đặc thù về phát triển công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển nguồn lực đầu tư từ xã hội, ví dụ tiêu chí sản phẩm công nghệ cao, cơ chế đồng đầu tư, quỹ phát triển công nghệ cao, hỗ trợ 100% lãi vay đối với các dự án phát triển sản phẩm công nghệ cao theo chương trình kích cầu.

Tại buổi làm việc của Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP Hồ Chí Minh với Sở KHCN về công tác xã hội hóa trong lĩnh vực KHCN ngày 20.8 vừa qua,  Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lâm cho rằng, việc thành lập Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp là hướng đi đúng, nhưng do cơ chế sử dụng vốn chưa tốt nên chưa tạo sức hút đối với các doanh nghiệp. Vì vậy, các nút thắt này cần được tháo gỡ để tranh thủ sức mạnh từ mỗi doanh nghiệp. Mục tiêu phát triển KHCN của thành phố đến năm 2015-2020 và định hướng 2030 sẽ khó thực hiện nếu không sửa những quy định, cơ chế cho phù hợp, khuyến khích doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là với lực lượng cán bộ KHCN hùng hậu của thành phố cần phải có cơ chế cho họ hoạt động hiệu quả.

Ông Lâm Thiếu Quân - đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cho KHCN là cốt lõi, nhưng để phát triển được thì phải gắn với các ngành khác như y tế, công nghiệp, nông nghiệp... Vì vậy, theo ông Quân, cần phải có nghiên cứu sâu hơn, có chương trình hợp tác với từng sở về từng vấn đề một cách dài hơi. Ngoài ra, các nghiên cứu KHCN nên gắn kết với các chương trình trọng điểm của thành phố. Các sản phẩm KHCN phải gắn với các chương trình lớn của thành phố, ví dụ như chương trình bình ổn giá với những doanh nghiệp lớn và năng động và chắc chắn sẽ thuận lợi rất nhiều trong quá trình nghiên cứu và đưa sản phẩm khoa học và thực tiễn.