|
|||
Hệ thống thiết bị sàng lọc rửa cát sạch đạt tiêu chuẩn xây dựng Ông Võ Tấn Dũng, Công ty TNHH xây dựng thương mại vận tải Phan Thành, TP Cần Thơ đã chế tạo thành công thiết bị sàng rửa cát sạch, đạt tiêu chuẩn xây dựng. Cát thu được qua hệ thống sàng rửa của ông Võ Tấn Dũng là loại cát sạch, vô cơ; tỷ lệ bụi, bùn phèn, sét còn lại không quá 0,8%. Do đây là loại cát sạch, cho nên bê-tông hay vữa dùng loại cát nói trên có chất lượng cao và ổn định. (Theo Nhân Dân 15/5). Chế tạo vật liệu polyme compozit chống cháy Tác giả Võ Thành Phong, Viện Khoa học vật liệu đã thành công trong việc chế tạo và nghiên cứu tính chất vật liệu polyme compozit có chứa tổ hợp chất chống cháy trên cơ sở hợp chất chứa brom (Br) và phốtpho (P). Vật liệu polyme compozit (PC) chứa tổ hợp các hợp chất brom và phốtpho làm phụ gia chống cháy, đây là loại hỗn hợp kìm hãm lửa theo cơ chế đồng kích hoạt. Qua thử nghiệm, tổ hợp chống bắt cháy từ các hợp chất của phốtpho và brom là một hỗn hợp chống cháy tốt nhất cho vật liệu polime compozit trên nền nhựa polyester không no. Vật liệu polime compozit chứa hỗn hợp 2%P và 6%Br sẽ cho tính chất cơ lý tốt nhất và đạt mức tự dập lửa cao V- 0. Đồng thời hàm lượng phụ gia chống cháy như vậy cũng không làm ảnh hưởng đến độ bền axit của vật liệu. (Theo Khoa học phổ thông 15/5). Bé gái có thể 'phát ra năng lượng' đốt cháy mọi thứ Nguồn nhiệt được cho là phát ra từ cơ thể bé Thùy (11 tuổi) có thể đốt cháy mọi thứ, từ chiếc quạt máy, điện thoại, ổ cắm điện, dây điện đến quần áo, nệm cao su... Nguồn năng lượng tự nhiên từ cơ thể cô bé 11 tuổi phát ra khiến các dụng cụ điện cháy. Ảnh: T.T. Anh Vũ bố của bé Thùy kể, trong nhà anh Vũ liên tục xảy ra cháy đồ đạc, đầu tiên là điện thoại, ổ cắm và công tắc điện….Khi gửi con sang nhà người quen ở chỉ được vài ngày thì những nơi bé Thùy đến lại tiếp tục xảy ra các vụ cháy lạ. Sáng 8/5 bé Thùy đến trường được khoảng một tiếng đồng hồ thì cô giáo gọi gia đình đưa cháu về vì xảy ra 3 vụ cháy trong lớp học. Quan tâm đến vấn đề này, các giáo sư trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng đã thành lập một hội đồng nghiên cứu thu hút hàng chục nhà khoa học đầu ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như vật lý học, y học, tâm lý học,... để tiến hành nghiên cứu về hiện tượng cháu Thùy. (Theo Vnexpress 15/5). Nâng cao chất lượng nước mắm bằng hệ thống năng lượng mặt trời Kỹ sư Lê Văn Danh và các cộng sự tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Hà Tĩnh đã hoàn chỉnh quy trình rút ngắn thời gian chế biến, nâng cao chất lượng nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt sử dụng năng lượng mặt trời. Giải pháp lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời cho bể chượp nước mắm của hệ thống giải quyết được những tồn tại trong nghề chế biến nước mắm. Giải pháp này đã thay thế tối ưu cho nhiều công đoạn chính của quá trình sản xuất nước mắm. Hiệu quả kinh tế do ứng dụng hệ thống nói trên rất rõ rệt. Thời gian chế biến giảm một nửa, quá trình vận hành đơn giản, lượng nước mắm cốt nhiều hơn khoảng 30%. Hàm lượng đạm trong nước mắm cao. (Theo Nhân Dân 15/5). Thuỷ tinh siêu bền Nhóm nghiên cứu thủy tinh thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim đã nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chế tạo thuỷ tinh siêu bền. Công nghệ mới này cho phép chế tạo đồ thủy tinh như cốc, chai, lọ… không vỡ với chi phí có thể cạnh tranh với những sản phẩm thủy tinh thông thường. Sản phẩm cốc thủy tinh siêu bền do Viện chế tạo đã được thử nghiệm cho rơi từ độ cao 3m xuống nền gạch đá hoa, nhưng cốc thủy tinh chỉ nảy lên mà không vỡ. Đồng thời với độ bền cơ, nhiều tính năng khác cũng tăng theo, như: khả năng chịu sốc nhiệt, khả năng khúc xạ ánh sáng, giảm bám dính cặn bẩn. (Theo Đại biểu nhân dân 17/5). Thử nghiệm tàu đệm khí do Việt Nam chế tạo Ngày 16/5, trên sông Sài Gòn, đoạn thuộc quận 7, TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã cho chạy thử nghiệm tàu đệm khí. Tàu đệm khí do Việt Nam chế tạo chạy trên sông Sài Gòn. Ảnh: Thái Ngọc Tàu đệm khí này do TS Lê Đình Tuân, giảng viên Bộ môn Chế tạo tàu thủy, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thiết kế. Tàu dài 4.7m, rộng 2.2m, trọng lượng tàu hơn 180kg, chở được ba người, vận tốc từ 40 - 50km/giờ. Theo TS Lê Đình Tuân, do thân tàu được lắp ghép bằng loại ván đặc biệt, tàu lướt trên mặt nước với khoảng cách từ 1-3cm nên hạn chế rò rĩ nhiên liệu ra sông, đảm bảo an toàn về môi trường trên sông nước. (Theo Đất Việt 17/5). Đột phá trong sản xuất chế phẩm trừ sâu sinh học Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã trao tặng giải thưởng WIPO tác giả nữ xuất sắc nhất năm 2011 cho tiến sỹ Nguyễn Thị Lộc, thuộc Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, với công trình “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 2 chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar và Biovip.” Tác giả và các cộng sự đã cải tiến và hoàn thiện quy trình sản xuất 2 chế phẩm sinh học ở quy mô lớn gấp nhiều lần quy trình cũ, Ometar cao gấp 2,5 lần so với sản phẩm đã có trước đây; cả Ometar và Biovip đều cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm cùng loại ở Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Thị Lộc cho biết quy trình sản xuất nhanh ở quy mô nông hộ đơn giản, dễ áp dụng nên có khả năng chuyển giao cho nông dân nhằm “xã hội hóa” việc sản xuất chế phẩm trừ sâu sinh học phòng rầy nâu một cách đồng bộ, hiệu quả, an toàn và bền vững. (Theo vietnamplus 18/5).
Ngọc Anh (Tổng hợp)
|