|
|||
ThS. Nguyễn Xuân Huy- học trò của GS.TSKH.NGND Bùi Văn Ba (Phương Lựu) từng viết: GS Phương Lựu là người luôn tần tảo “chăm xới” cho những mầm cây còn đang yếu ớt hay chưa tìm được mảnh đất phì nhiêu. Bằng hoạt động nghiên cứu của mình, GS cứ bền bỉ xây đắp “nền móng” cho những kẻ mới bước vào đời nhận rõ lối đi. Cụm công trình của GS.TSKH.NGND Bùi Văn Ba (Phương Lựu) gồm: Lý luận phê bình văn học phương Tây thế kỷ XX; Từ Văn học so sánh đến Thi học so sánh; Lý luận phê bình văn học; Phương pháp luận nghiên cứu văn học; Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây vừa vinh dự được nhận phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010 là sự bù đắp cho những nỗ lực không mệt mỏi của một nhà khoa học bền chí, một nhà giáo tâm huyết. 5 cuốn chuyên luận gồm 2678 trang này tập trung vào các vấn đề lí luận phê bình và phương pháp luận nghiên cứu văn học - đối tượng nghiên cứu và mối quan tâm khoa học rất riêng của ông. Cụm công trình đã góp phần xác lập hệ thống công cụ trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu và giới thiệu tinh hoa lý luận của văn học truyền thống phương Đông cũng như những thành tựu nổi bật của lý luận văn học phương Tây hiện đại và đương đại. Đoạn tuyệt với lối phủ nhận sạch trơn trước kia, cũng như không tán thành với “lối nói ngược” quay ngoắt 180 độ khẳng định ca ngợi một chiều gần đây. GS.TSKH Bùi Văn Ba cho rằng, lý luận hiện đại phương Tây nêu bất cứ vấn đề gì ít nhiều đều có căn cứ, nghĩa là mang nhiều nhân tố hợp lý, duy có điều họ thường thổi phồng bơm to thành hệ thống. Ông khẳng định, “chúng tôi phê phán cái hệ thống cực đoan ấy, nhưng “cứu vớt” khá nhiều những hạt nhân hợp lý.
Phương Lựu đã bộc lộ tâm huyết và sự cập nhật đối với những vấn đề bức xúc của thực tiễn và sáng tác văn học Việt Nam đương đại. Trên tinh thần đổi mới tư duy và phương pháp luận nghiên cứu, các bài viết của ông đã trực tiếp bày tỏ chính kiến riêng xoay quanh trục vấn đề là làm thế nào để nâng cao chất lượng của công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, của hoạt động sáng tạo tác phẩm văn học, hội nhập lý luận và sáng tác văn học nước ta vào khu vực và thế giới. Cụm công trình Lý luận phê bình, phương pháp luận nghiên cứu văn học rất xuất sắc ở chỗ đã tiếp tục quán triệt phương châm dân tộc- hiện đại- Phải từ đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ Mác Lênin mở rộng ra đến di sản lý luận văn học của dân tộc và nhân loại. Cụ thể ở đây, tác giả là người đầu tiên nghiên cứu có hệ thống 22 trường phái lý luận văn học hiện đại và hậu hiện đại phương Tây, phân tích tư tưởng văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây, mở ra hướng nghiên cứu Thi học so sánh, đề xuất và triển khai nội dung cụ thể của các phân môn phương pháp luận riêng cho Lý luận văn học, Phê bình văn học và Văn học sử,… Nội dung của 5 công trình, dù là chuyên khảo hay tiểu luận, cũng đều kết hợp chặt chẽ với tình hình văn học dân tộc, từ đó góp phần không nhỏ mở rộng không gian tư duy cho việc hiện đại hóa nền lý luận văn học nước ta, vừa liên tục cập nhật bổ sung kiến thức, vừa góp phần thay đổi tư duy lý luận trên cơ sở kết hợp tính dân tộc và tính hiện đại trong việc phát triển văn học và văn hoá, nghệ thuật nói chung. Kết quả nghiên cứu của cụm công trình là những đóng góp lý luận rất quan trọng phát triển các luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về văn học và văn hoá nghệ thuật. Cụm công trình được sử dụng làm giáo trình, tài liệu tham khảo ở nhiều trường đại học, định hướng cho nhiều luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ về Ngữ văn nói chung và lý luận văn học nói riêng.
Diệu Huyền-Hoàng Anh |