|
|||
Sáng rõ sự thật lịch sử Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam do phát xít Nhật, Pháp gây ra là một thảm hoạ lớn đối với dân tộc Việt Nam, đã được lịch sử cách mạng tháng 8 năm 1945 ghi rõ và lịch sử chiến tranh thế giới lần thứ II của nhiều nước trên thế giới thừa nhận. Nhưng nguyên nhân xảy ra nạn đói, thủ phạm gây nên nạn đói và số lượng nạn nhân chết đói thì cho đến trước 1995 vẫn chưa làm rõ. Công trình khoa học “nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - những chứng tích lịch sử” ra đời tháng 8/1945 đã góp phần làm sáng tỏ lịch sử. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Mùa thu năm 1940 phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương - để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quay gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật vào. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Công trình trên đã làm rõ tính tàn khốc của nạn đói năm 1945, cụ thể như xã Tây Lương (Tiền Hải, Thái Bình) gia đình ông Tô Trạch có 4 người chết đói 3 người. Cả dòng họ Tô có 35 người, chết 31 người chỉ còn sống sót 4 người. Công trình đã góp phần phản bác được con số 30 vạn người chết đói Nhật đưa ra và con số 1 triệu người chết đói mà chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam đưa ra đòi Nhật bồi thường. Con số 2 triệu người là sát với thực tế và có sức thuyết phục. GS.TS Furuta Motoo - Giám đốc Thư viện trường Đại học Tokyo - Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt cho biết: Sau khi nhận được công trình trên, phía Nhật đã tin vào con số 2 triệu người chết đói. Điều còn tồn tại là: ai là thủ phạm chính, phát xít Nhật hay thực dân Pháp. Công trình đã nói rõ: chứng cứ về việc đề xuất ra thủ phạm này là thực dân Pháp, nhưng điều hành việc thực hiện một cách quyết liệt và vô cùng dã man là phát xít Nhật, vì lúc đó Nhật đã thống trị toàn cõi Đông Dương, thực dân Pháp chỉ là tay sai.
GS Lê Văn Tạo (ảnh ST) GS.TS Furuta Motoo cho biết thêm: công trình này mang tính khoa học cao nên có sức thuyết phục. Trước đây ít người Nhật Bản biết đến nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và khi biết không ít người tin mức tàn khốc của nạn đói này. Nhưng sau khi công trình này được giới thiệu, số người Nhật Bản phủ định bản thân việc xảy ra nạn đói ghê gớm ở Việt Nam vào năm 1945 giảm đi. Ở Nhật Bản bây giờ mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy mô số người bị chết đói, nhưng đại đa số nhà khoa học quan tâm đến Việt Nam nhất trí nhận định nạn đói rất tàn khốc xảy ra năm 1945 ở Việt Nam. Phản ánh sự thay đổi này, một số sách giáo khoa lịch sử trường phổ thông cấp ba của Nhật Bản bắt đầu đề cập đến nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Hội đồng xét duyệt giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010 nhận xét: Đây là một công trình đồ sộ, điều tra nghiên cứu công phu, làm rõ nguyên nhân của nạn đói là do phát xít Nhật và số người chết do nạn đói là 2 triệu người. Công trình có tác động thực tiễn về mọi mặt: sau khi công trình ra đời, phía Nhật đã và đang thực hiện bồi thường chiến tranh cho Việt Nam thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ODA. Tác động to lớn đến xã hội Công trình này đã đem lại nhận thức mới trong khoa học lịch sử về thực trạng nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, nó là khủng khiếp, là tàn bạo, là mang tính huỷ diệt cần phải lên án. Từ đó, cổ vũ cho tinh thần cảnh giác cách mạng, đấu tranh ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hoà bình. Bên cạnh đó, công trình đã góp phần làm rõ đường lối, chính sách của Đảng trong sự nghiệp cách mạng, sớm lãnh đạo nhân dân đứng lên phá tan âm mưu của địch, từ các cuộc phá kho thóc cứu đói, đến lãnh đạo phá các đồn bốt địch, giành chính quyền địa phương, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đài tiếng nói Hoa Kỳ, nhấn mạnh ý nghĩa của công trình: một nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những hành vi tàn ác, những chính sách hãi hùng do Nhật gây nên vẫn không sao phai được trong trí nhớ của những người Philippin, Indonexia, Malaixia, Mianma, Triều Tiên,... Đại sứ Philippin – Rosalinda- V.Tinora, chia sẻ: “tác phẩm của các ông đã giúp chúng tôi nhìn lại chính mình để tìm những bài học cho chính chúng tôi”. Nhiều đoàn hành hương Phật giáo, Thiên chúa giáo, Tin lành ở nhiều nước trên thế giới đến tham quan di tích về nạn đói ở nghĩa trang Hợp Thiên đã tiếp xúc với công trình, đánh giá cao tính khoa học, tính thời đại và tác dụng lên án chiến tranh bảo vệ hoà bình của công trình. Sự ra đời của công trình nghiên cứu vĩ đại “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” do Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo đồng chủ biên đã giúp hậu thế có được cái nhìn toàn cảnh đa chiều sâu sắc và chân xác về sự kiện đau xót này. Dựa trên khối tư liệu đồ sộ được xử lý nghiêm túc hiếm có, công trình vừa dựng lại thảm trạng chết đói của người Việt, vừa phân tích cặn kẽ tội ác của phát xít Nhật. Với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước Việt Nam - Nhật Bản, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Hơn mười lăm năm kể từ ngày công bố, công trình khoa học “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử” vẫn còn nguyên vẹn giá trị. Ánh Tuyết |