Bản in
Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn
Ngày 28/10/2023, cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) được khánh thành và đi vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Công trình được kỳ vọng là không gian dành cho ĐMST lớn nhất Việt Nam, với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù nhằm thu hút các tập đoàn doanh nghiệp công nghệ lớn, các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo uy tín thế giới, các chuyên gia trí thức trong và ngoài nước.

Bước chuyển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Với tổng diện tích sàn làm việc gần 20.000m², gồm 2 tòa nhà 6 tầng, trong đó có Trung tâm Hội nghị quốc tế phục vụ cho việc tổ chức các hội nghị, các triển lãm quốc tế. Các lĩnh vực trọng tâm của NIC, gồm: Nhà máy thông minh, Đô thị thông minh, Truyền thông số, Công nghệ môi trường, An ninh mạng, Công nghiệp bán dẫn, Hydrogen và Y tế. Đây sẽ trở thành một trung tâm hội tụ tài năng, phát huy tối đa thế mạnh của cộng đồng ĐMST và chắp cánh các dự án sáng tạo tiềm năng; thể hiện quyết tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái, đưa Việt Nam trở thành điểm đến của ĐMST trong khu vực và thế giới.
 
Toàn cảnh cơ sở hoạt động của Trung tâm ĐMST Quốc gia (NIC) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
 
Việc thành lập NIC là một bước đi mạnh mẽ của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. NIC là nơi quy tụ, dẫn dắt và kết nối, từng bước hoàn thiện hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Cơ sở hạ tầng hiện đại và không gian rộng lớn sẽ giúp NIC phát huy hiệu quả vai trò của một trung tâm đi đầu, là một mắt xích quan trọng trong hệ thống trung tâm ĐMST để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực; phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; vận hành và phát triển Mạng lưới ĐMST Việt Nam cũng như cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp và cộng đồng.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm ĐMST của các doanh nghiệp.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, lễ khánh thành cơ sở hoạt động mới của NIC có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu sự hình thành của không chỉ một không gian ĐMST của quốc gia, mà còn là biểu tượng, tượng trưng cho sự quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên KH,CN&ĐMST, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ cao, thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. NIC không chỉ kết nối hệ sinh thái ĐMST trong nước, mà còn kết nối với mạng lưới các Trung tâm ĐMST trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh trở thành trung tâm của ĐMST trong khu vực và thế giới.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST; đánh dấu một bước trưởng thành mới của Trung tâm ĐMST quốc gia để đáp ứng được những yêu cầu và kỳ vọng của Chính phủ trong việc thúc đẩy KH&CN và hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành, đưa vào hoạt động NIC tại Hòa Lạc có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; đó là sự khởi đầu của giai đoạn phát triển mới trong việc cung cấp hạ tầng đồng bộ để đẩy nhanh và mạnh hơn nữa hệ sinh thái ĐMST Việt Nam.
 
Để Việt Nam thực sự là điểm đến của ĐMST, trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển NIC, sớm triển khai công tác vận hành, thu hút các đối tác đầu tư, xây dựng cơ sở nghiên cứu và phát triển tại cơ sở mới của NIC tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc; hoàn thiện hạ tầng chiến lược kết nối, nhất là về giao thông và dịch vụ của Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở nghiên cứu lớn trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất hình thức hợp tác phù hợp với NIC ngày càng hiệu quả và mang lại lợi ích chung. 
 
Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng đề nghị sớm hoàn thiện thể chế, chính sách cho hoạt động ĐMST tại Việt Nam, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển trong thực tiễn của các chủ thể hệ sinh thái ĐMST, đặc biệt là các doanh nghiệp ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, cần nghiên cứu, mạnh dạn triển khai những cơ chế thử nghiệm, đặc thù cho các đối tượng, lĩnh vực ĐMST có tiềm năng tạo bứt phá và động lực mới cho nền kinh tế
.
Hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn
 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thành lập NIC cơ sở Hoà Lạc là để sẵn sàng đón nhận dự án đầu tư ngành bán dẫn với các chế độ ưu đãi nhất. Hiện tại, NIC cùng các đối tác nước ngoài và trong nước đang tiến hành đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn cho Việt Nam; trong đó tập trung vào các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch.
 
Trong khuôn khổ Lễ khánh thành cơ sở hoạt động mới của NIC, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam (VSHE - Vietnam Semiconductor Hub for Education) giữa NIC, Tập đoàn FPT và Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi.
 
Việc hợp tác thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh xu hướng của chuỗi giá trị bán dẫn đang dần dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á và Việt Nam có đầy đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn, từ hệ thống chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi đến nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật công nghệ dồi dào, cơ sở hạ tầng số ngày một phát triển. 
 
Trung tâm Đào tạo bán dẫn được thành lập sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực bán dẫn trong nước và tài trợ sản xuất cho các dự án bán dẫn, tạo cơ hội cho các dự án thiết kế vi mạch từ ý tưởng đi vào thực tiễn. Từ đó, từng bước hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một đối tác tin cậy trong hệ sinh thái bán dẫn khu vực và toàn thế giới, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và hiện đại hóa nền kinh tế.
 
Cụ thể, các bên tham gia hợp tác sẽ cùng đóng góp nguồn lực góp phần hiện thực hóa mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do NIC triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Đồng thời, các bên thống nhất tài trợ 300 suất học bổng theo chương trình đào tạo chuẩn quốc tế nâng cao kỹ năng cho sinh viên xuất sắc trong lĩnh vực bán dẫn tại 20 trường Đại học hàng đầu của Việt Nam; hỗ trợ sản xuất cho 13 dự án thiết kế vi mạch xuất sắc trong năm 2024. Bên cạnh đó, Trung tâm Đào tạo bán dẫn đã nhận được sự đồng hành của các công ty phần mềm thiết kế IC hàng đầu thế giới như Cadence, Synopsys, Siemens, Silvaco. 
 
Lễ ký kết hợp tác giữa NIC và các đối tác về lĩnh vực bán dẫn.
 
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho  biết: “Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân sự, Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về chất lượng giáo dục lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao cho ngành. Việc thành lập Trung tâm Đào tạo Bán dẫn Việt Nam dưới sự hợp tác của Trung tâm ĐMST Quốc gia, FPT và TreSemi sẽ là bệ phóng cho nước ta tiến tới hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tới năm 2030; đồng thời mở ra cơ hội cho các thiết kế vi mạch tiềm năng được ứng dụng trong thực tiễn”.
 
Việc hợp tác này cho thấy sự quyết tâm của NIC trong việc hiện thực hóa định hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm đến triển vọng - một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất cho công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
PV