|
|||
Tham dự Hội thảo có nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Văn Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ ĐMCNQG Trần Văn Tùng, cùng đại diện Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các ngân hàng hợp tác và các doanh nghiệp ĐMCN có nhu cầu hỗ trợ tài chính. Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ ĐMCNQG Nguyễn Thế Ích cho biết, Quỹ ĐMCNQG đã và đang triển khai các hoạt động chính gồm cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ vốn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Thời gian qua, Quỹ xây dựng tương đối đầy đủ hệ thống văn bản chính sách để thực hiện các chức năng của một tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hoàn thiện các văn bản, quy chế hướng dẫn hoạt động cho vay ưu đãi; ký hợp tác với các ngân hàng để phối hợp tìm kiếm, tuyển chọn và hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự có năng lực và có nhu cầu đổi mới, hoàn thiện công nghệ, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ. Đặc biệt, trong năm 2023, Quỹ đã phối hợp với các ngân hàng lựa chọn được 15 dự án, để tiến hành xét duyệt cấp vốn cho vay ưu đãi. Theo ông Nguyễn Thế Ích, để Quỹ triển khai hoạt động cho vay gián tiếp tới các doanh nghiệp có nhu cầu ĐMCN đạt hiệu quả trong thời gian tới rất cần sự tham gia góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, ngân hàng thương mại để Quỹ nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện những chính sách đang còn tồn tại, bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý và đề xuất các biện pháp khắc phục. Phó Giám đốc phụ trách Quỹ ĐMCNQG Nguyễn Thế Ích phát biểu khai mạc Hội thảo. Chia sẻ về quan điểm, định hướng của Quỹ trong hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp ĐMCN, nguyên Giám đốc Quỹ ĐMCNQG Nguyễn Đình Bình cho biết, Quỹ ĐMCNQG là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách trực thuộc Bộ KH&CN, hoạt động tự chủ không vì mục đích lợi nhuận nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới, hoàn thiện công nghệ được khuyến khích, chuyển giao quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ; thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, giải mã công nghệ; hỗ trợ đào tạo nhân lực KH&CN phục vụ chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ. Theo đó, Quỹ đã đưa ra định hướng hoạt động cho vay ưu đãi gồm: Đẩy mạnh hợp tác cùng các ngân hàng như BIDV, MB Bank, TP Bank...; Cho vay trung - dài hạn tối đa 07 năm; Mức cho vay gián tiếp đối với mỗi dự án tối đa không vượt quá 80% tổng mức đầu tư của dự án, tổng mức cho vay của Quỹ đối với một doanh nghiệp không vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ (tối đa 49 tỷ đồng/doanh nghiệp); Khung lãi suất là 3.5-5% năm theo nhóm đối tượng. Nguyên Giám đốc Quỹ ĐMCNQG Nguyễn Đình Bình chia sẻ tại Hội thảo. Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và chia sẻ về: Vai trò của Ngân hàng trong phối hợp cùng Quỹ ĐMCNQG; Tiêu chí công nghệ vay vốn Quỹ ĐMCNQG; Một số ý kiến của Ngân hàng MB trong việc hỗ trợ tài chính từ nguồn vốn của Quỹ ĐMCNQG cho doanh nghiệp ĐMCN; Chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận vốn vay của Quỹ ĐMCNQG của Công ty LUMI Vĩnh Phúc; Giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hợp tác giữa Quỹ với Ngân hàng trong hoạt động cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp ĐMCN. Từ đó, khắc phục những tồn tại, khó khăn trong thời gian qua; hỗ trợ các nhà quản lý, các ngân hàng hợp tác với Quỹ, các doanh nghiệp hiểu thêm các quy trình thủ tục, tiêu chí, điều kiện yêu cầu đối với hoạt động cho vay gián tiếp của Quỹ; tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ để ĐMCN góp phần thúc đẩy phát triển năng lực nền sản xuất quốc gia. Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chủ trì phiên thảo luận. Phát biểu kết luận, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ ĐMCNQG Nguyễn Thế Ích nhấn mạnh, Hội thảo đã đề ra những nội dung quan trọng định hướng giải pháp cho cơ quan quản lý nhà nước, các ngân hàng, các nhà khoa học và các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp hưởng lợi cần hỗ trợ. Cụ thể: (1) Cơ quan quản lý nhà nước cần tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện nội dung để Quỹ ban hành đầy đủ các văn bản quản lý của Quỹ, sớm bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để Quỹ đạt mức quy định tối thiểu là 2.000 tỷ đồng; (2) Các ngân hàng hợp tác với Quỹ cần chủ động nắm bắt các tiêu chí quy định đổi mới công nghệ của Quỹ và lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp đủ tiềm lực tài chính giới thiệu tham gia sử dụng nguồn vốn ưu đãi của Quỹ; tạo cơ chế thông thoáng giữa các chi nhánh ngân hàng cùng hệ thống để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ; (3) Hiệp Hội doanh nghiệp, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu tư vấn các nội dung liên quan đến ĐMCN; tiếp cận và tuyên truyền các thông tin để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Quỹ; (4) Quỹ ĐMCNQG cần thường xuyên nắm bắt các tồn tại để đề xuất sửa đổi cơ chế chính sách đã ban hành; hợp tác chặt chẽ với các ngân hàng để lựa chọn các dự án đủ tiêu chí, tiêu chuẩn về ĐMCN; xây dựng cẩm nang thông tin quy trình vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp; (5) Các doanh nghiệp ĐMCN cần tìm kiếm các công nghệ đầu tư đáp ứng được các tiêu chí để hưởng nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của Quỹ. Những thông tin và kinh nghiệm chia sẻ tại Hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện chính sách của Quỹ, ban hành các quy trình, quy định, khoa học và hữu ích trong việc phối hợp giữa Quỹ và ngân hàng để hỗ trợ hiệu quả hơn đối với việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ trong hoạt động ĐMCN của doanh nghiệp. Tin, ảnh: Thùy Linh |