|
|||
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo và các đơn vị trực thuộc của 12 Sở KH&CN trong Vùng; lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ KH&CN; các sở, ban, ngành tỉnh Đắk Lắk; các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp ở Trung ương và địa phương... Báo cáo tại Hội nghị, Giám đốc sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk Đinh Khắc Tuấn cho biết, giai đoạn 2019-2023, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng NTB&TN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các tỉnh/thành phố ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý nhà nước; tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, khởi nghiệp và ĐMST; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giúp tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Đắk Lắk Đinh Khắc Tuấn báo cáo tại Hội nghị. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được triển khai ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Vùng đã phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Điển hình là những ứng dụng có hiệu quả như: sản xuất chế phẩm lên men Latic nhằm xử lý phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò; mô hình nuôi cá hồi vân tại tỉnh Đắk Lắk; nghiên cứu quy trình chăn nuôi heo an toàn bằng thảo dược và chế phẩm sinh học trên đệm lót tại địa bàn tỉnh Bình Định; ứng dụng các công nghệ di truyền tiên tiến để chọn tạo ra các dòng lợn có năng suất chất lượng cao, giá thành hợp lý phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương… Thông qua các sự kiện công nghệ như Chợ công nghệ và thiết bị, Kết nối cung - cầu công nghệ, Ngày hội khởi nghiệp ĐMST… nhiều doanh nghiệp địa phương đã tận dụng được cơ hội tiếp cận các công nghệ mới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ, một số doanh nghiệp chưa chủ động đầu tư nâng cao trình độ, năng lực công nghệ dẫn đến ảnh hưởng tới hoạt động chuyển giao và đổi mới công nghệ... Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, KH,CN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,88%/năm, năm 2022 tăng trưởng 8,94%, đưa Đắk Lắk trở thành một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước. Hoạt động KH&CN ngày càng gắn bó với sản xuất và đời sống, nổi bật là việc tiếp thu, ứng dụng kịp thời những tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong các ngành sản xuất chủ lực của tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà khẳng định, KH,CN&ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Trong thời gian tới, Vùng xác định ĐMST, phát triển và ứng dụng KH&CN tiên tiến, nhất là công nghệ cao là nội dung cốt lõi. Trong đó, tập trung vào ba vấn đề: Phát triển KH&CN định hướng ứng dụng (tạo cung); Phát triển KT-XH dựa trên ĐMST (tạo cầu); và liên kết phát triển KH&CN với phát triển KT-XH (liên kết cung - cầu). Do đó, cần ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho phát triển KH&CN. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hoạt động KH,CN&ĐMST vùng NTB&TN đã từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển KT-XH. Nhiều chính sách đã được ban hành tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm chủ lực của địa phương; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ; thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Bên cạnh những kết quả đạt được, KH,CN&ĐMST vùng NTB&TN vẫn còn hạn chế, cần tiếp tục xây dựng và triển khai nhiều chính sách thiết thực, sát với thực tiễn hơn nữa để KH&CN thực sự đóng góp hiệu quả cho phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị. Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2023-2025 và định hướng những năm tiếp theo đồng thời chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai hoạt động KH,CN&ĐMST ở địa phương, đặc biệt là vấn đề liên quan đến xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Toàn cảnh Hội nghị Giao ban vùng NTB&TN. Theo các đại biểu, để phát triển KH&CN trong Vùng, thời gian tới cần tiếp tục bám sát quan điểm và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, nội hàm về phát triển KH,CN&ĐMST đã được nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...; Tổ chức triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 gắn với đặc điểm, lợi thế phát triển KH&CN của Vùng và từng địa phương. Theo đó, các địa phương trong Vùng cần thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản để triển khai hiệu quả các quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển KHCN&ĐMST trong các văn bản của Đảng, Nhà nước; xây dựng các nhiệm vụ cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm về KH,CN&ĐMST, khẳng định rõ nét vai trò của KHCN&ĐMST trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh, bền vững của từng địa phương trong Vùng. Cần có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực và nâng cao tiềm lực KH&CN để các địa phương cân đối bảo đảm chi tối thiểu đạt 2% tổng chi ngân sách địa phương cho KH&CN, đặc biệt là chi triển khai các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh/thành phố, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh, các sản phẩm chủ lực của địa phương; tăng cường huy động kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, đối ứng của doanh nghiệp trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN. Đẩy mạnh phát triển liên kết Vùng, nhất là liên kết các ngành, doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu, trường đại học trong nội Vùng và với các vùng khác trong tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là ứng dụng KH&CN trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương... Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, đối với những kiến nghị, đề xuất của địa phương gửi đến Bộ KH&CN, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động nghiên cứu, tiếp tục hướng dẫn địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, lắng nghe ý kiến, tham mưu đề xuất cho Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ. “Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập các Hội đồng điều phối vùng nhằm đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy liên kết, phát triển KT-XH của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Phát triển KH&CN vùng NTB&TN cần bám sát quan điểm đẩy mạnh liên kết vùng để phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các vùng, mang lại hiệu quả, giá trị bền vững”, Bộ trưởng cho biết thêm. Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của 12 Sở KH&CN vùng NTB&TN. Bài, ảnh: Mai Hà - Thùy Linh
|