Bản in
Doanh nghiệp Việt trong cơn sốt AI
Đó là chủ đề Diễn đàn CTO Summit 2023 diễn ra chiều ngày 22/9/2023 trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023 (AI4VN 2023). Các nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia đã thảo luận, chia sẻ các thông tin về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) - một trong những công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; ứng dụng của AI trong doanh nghiệp và tìm ra bài toán tăng trưởng, mang lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, gia tăng lợi ích khách hàng.

Ứng dụng AI tạo nên đột phá trong doanh nghiệp

Nắm bắt được xu thế, các doanh nghiệp công nghệ trong nước không chỉ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mà còn đang thay đổi chiến lược, tăng cường đầu tư, mở rộng tuyển dụng chuyên gia AI để đẩy mạnh phát triển các giải pháp, sản phẩm dựa trên AI của riêng mình.

Tại Việt Nam, AI đang hiện diện và ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất, tài chính, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Mới nhất là sự nổi lên của Chat GPT cho thấy AI đã thâm nhập sâu vào cuộc sống. Nắm bắt được xu thế, các doanh nghiệp công nghệ trong nước không chỉ ứng dụng AI mà còn đang thay đổi chiến lược, tăng cường đầu tư, mở rộng tuyển dụng chuyên gia AI để đẩy mạnh phát triển các giải pháp, sản phẩm dựa trên AI của riêng mình.

Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho rằng, AI không chỉ là công cụ hữu ích mà còn là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự cạnh tranh và tồn tại của các doanh nghiệp. Để khai thác tiềm năng của AI, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vấn đề nguồn nhân lực và việc phát triển AI có trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, bên cạnh vai trò của Nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng. Các doanh nghiệp là những người tiên phong trong việc đưa AI vào cuộc sống, đồng thời đảm bảo việc xây dựng, triển khai các giải pháp, sản phẩm ứng dụng công nghệ AI tin cậy, có trách nhiệm. 

“Chúng ta cần đảm bảo AI được tạo ra và ứng dụng không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và khách hàng, mà còn tạo ra giá trị xã hội, không gây hại đến cộng đồng và môi trường. Do đó, cần có sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và các cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo rằng AI phát triển một cách bền vững và hài hòa”, ông Tú nhấn mạnh.

Diễn giả tham gia phiên thảo luận.

Tham luận tại Diễn đàn, ông Trần Minh Vũ, chuyên gia của VNPT AI đánh giá, Việt Nam đã sẵn sàng cho AI. Thị trường AI tại Việt Nam đã, đang và sẽ là một sân chơi tiềm năng dành cho tất cả mọi người. Theo báo cáo của Oxford Insight và Statista, Việt Nam đứng thứ 55 về chỉ số sẵn sàng cho AI, tăng 21 bậc năm 2022. Về dung lượng thị trường AI, Việt Nam có thể đạt một tỷ USD vào 2026. 

Ông Vũ cho biết, VNPT AI đã xây dựng bộ AI Engine với hơn 100 models chia thành 8 nhánh tương ứng với khả năng của con người: Nghe, nói, đọc, nhìn, xử lý nghiệp vụ, tự động hóa, tạo video, phân tích thông tin, có thể phục vụ nhiều nhóm người dùng khác nhau, từ khối chính phủ, doanh nghiệp cho tới người dùng. Các ứng dụng trong hệ sinh thái AI được khẳng định chất lượng qua các tiêu chuẩn của quốc tế. 

Chia sẻ về ứng dụng AI trong ngành lập trình, ông Nguyễn Xuân Phong,  Giám đốc Trí tuệ nhân tạo, FPT Software cho biết, AI giúp doanh nghiệp cắt giảm khoảng 20% chi phí trong vận hành, kinh doanh. Trong ngành lập trình, 92% lập trình viên của Mỹ dùng AI để tạo ra code. AI có thể tạo ra những dòng code ít lỗi hơn, hữu dụng hơn, giúp tiết kiệm thời gian, sức lao động. Doanh nghiệp này đã phát triển AI để hỗ trợ lập trình viên hoàn thành các sản phẩm, phần mềm.

Tuy nhiên theo ông Phong, doanh nghiệp cũng đối mặt với nhiều thách thức trong ứng dụng AI như cuộc đua AI ngành lập trình vẫn còn ở giai đoạn “chớm nở”; ngôn ngữ lớn trong mảng lập trình vốn đang nằm trong tay của một số nhỏ công ty như Open AI, Google. 

Nhấn mạnh việc dùng AI có trách nhiệm, ông Phong cho rằng, các công cụ AI có thể có hai mặt, chúng ta cần đánh giá, có giải pháp, luật lệ, hành lang pháp lý để đảm bảo AI phục vụ hữu ích cho con người. 

Chia sẻ về ứng dụng AI giúp gia tăng tính minh bạch trong ngành Bảo hiểm, ông Dương Lê Minh Đức đến từ FPT Smart Cloud cho biết, nhờ sử dụng AI, doanh nghiệp có thể đánh giá, đưa ra những cảnh báo trong trường hợp cuộc gọi có vấn đề, đề xuất lên hệ thống cuộc gọi đạt chuẩn. Người bán, doanh nghiệp bảo hiểm có thể kiểm soát hoàn toàn các cuộc gọi. Công nghệ này cũng có công cụ giúp người bán tăng hiệu quả công việc tư vấn, bán hàng. 

Xu hướng ứng dụng AI trong sản xuất, kinh doanh

Ông Vũ Trọng Đạo, Phó Giám đốc VNPT AI đánh giá, dù có nhiều tiềm năng nhưng AI vẫn chưa được ứng dụng triệt để tại Việt Nam. Theo ông Đạo, ở Việt Nam chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp ứng dụng AI so với con số 33% của châu Á và 36-37% của toàn cầu. Nhiều khó khăn, rào cản hiện nay đã được chỉ ra như văn hóa nhận thức của người dùng, doanh nghiệp lo ngại về việc thay đổi quy trình, thay đổi tư duy khi ứng dụng AI.

Nói về giải pháp, ông Đạo cho rằng cần thay đổi văn hóa, nhận thức của người dùng, tổ chức. Các đơn vị nghiên cứu cần tìm đúng điểm chạm giữa doanh nghiệp, người triển khai và người sử dụng để các ứng dụng đáp ứng đúng mục tiêu. 

Chia sẻ về hướng đi cho các doanh nghiệp nhỏ trong xu hướng AI, ông Đạo cho rằng doanh nghiệp nhỏ không có lợi thế về nguồn lực nhưng bù lại là sự năng động. Khi doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh thị trường rộng, doanh nghiệp nhỏ nên theo đuổi thị trường ngách. “Cả doanh nghiệp lớn và nhỏ cần linh hoạt trong quá trình hợp tác để hài hòa hơn”, ông Đạo chia sẻ.

Theo ông Vũ, đánh giá doanh nghiệp đừng nên cố gắng chạy theo phong trào AI mà cần dựa vào bài toán cụ thể, từ đó hãy tìm giải pháp mà AI hỗ trợ. Các doanh nghiệp cũng không nên đi một mình, hãy tìm đối tác đã áp dụng trước các giải pháp này. Bên cạnh đó, việc sử dụng những giải pháp đơn giản, tạo được giá trị trước mắt, dễ thành công nên được áp dụng trước để tạo động lực thúc đẩy đơn vị kinh doanh. 

Bài, ảnh: Linh Chi, Văn Nguyên