|
|||
Tham dự Tọa đàm có đại diện các đơn vị chuyên môn của Bộ KH&CN (Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Cục Sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ; các bộ: Tư Pháp, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tài Chính; Sở KH&CN thành phố Hà Nội cùng một số đại diện sở hữu công nghiệp. Trên cơ sở Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT đã được thông qua tại Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023 với một số quy định sửa đổi, bổ sung liên quan trực tiếp, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung các nội dung tương ứng tại Nghị định số 99/2013/NĐCP. Đây là lần thứ 2 Nghị định được sửa đổi nhằm đảm bảo phù hợp với sửa đổi của Luật SHTT. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, bà Nguyễn Như Quỳnh - Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Phó Trưởng Ban soạn thảo cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được Chính phủ giao, Cơ quan chủ trì đã tiến hành các trình tự, thủ tục xây dựng Dự thảo Nghị định theo quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, Dự thảo Nghị định đang trong thời gian lấy ý kiến góp ý rộng rãi đăng trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ KH&CN. Đến thời điểm hiện tại, Cơ quan chủ trì đã nhận được ý kiến góp ý của 65 Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan. Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận các vấn đề như: xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp trên internet, thống nhất đưa quy định đã được áp dụng hiệu quả trong Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BTTTT-BKHCN ngày 08/6/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ KH&CN hướng dẫn trình tự thủ tục thay đổi, thu hồi tên miền vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ vào Nghị định quy định tên miền đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả. Về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (cảnh sát biển, bộ đội biên phòng), bổ sung xử lý vi phạm sản phẩm nông nghiệp hay vấn đề quá cảnh, xuất khẩu… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng rà soát việc áp dụng một số vấn đề chuyên môn khác như các biện pháp xử phạt bổ sung, các biện pháp khắc phục hậu quả, thuật ngữ pháp lý “triệu hồi sản phẩm” nhằm đảm bảo tính phù hợp, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật… Đồng thời, thống nhất sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện Dự thảo Nghị định trong thời gian sớm nhất./. Tin, ảnh: Diệu Huyền |