Bản in
Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa
Cụm công trình "Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam của Viện Chăn nuôi giai đoạn 2000-2020" của TS. Phạm Công Thiếu và cộng sự, là cụm công trình khoa học và công nghệ (KH&CN) đầu tiên của Việt Nam được tiến hành bài bản từ khâu điều tra, phát hiện, đánh giá, phân tích, nghiên cứu cụ thể về bản chất di truyền của từng nguồn gen bản địa. Cụm công trình vừa vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6.

Tìm ra các giống có ưu điểm nổi trội để bảo tồn

Nhóm nghiên cứu đã tìm ra các giống có ưu điểm nổi trội để bảo tồn, khai thác phát triển một cách có hiệu quả trong phạm vi cả nước, sử dụng công nghệ hiện đại kết hợp với các phương pháp truyền thống. Cụm công trình nghiên cứu khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và tổ chức khoa học quốc tế được thực hiện trong 20 năm qua (giai đoạn 2000 – 2020).

Kết quả cụm công trình đã bảo tồn 94 nguồn gen vật nuôi bản địa, trong đó đã điều tra thu thập phát hiện, bổ sung 70 nguồn gen vật nuôi bản địa vào danh mục nguồn gen vật nuôi cần ưu tiên bảo tồn. Đặc biệt đã cứu vãn được 06 giống vật nuôi bản địa khỏi bị tuyệt chủng và đã phục tráng, chọn lọc, nhân thuần đưa trở lại sản xuất : bò U đầu rìu (Nghệ An, Hà Tĩnh), gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Hồ (Bắc Ninh), gà Mía (Hà Nội), vịt Kỳ Lừa (Lạng Sơn) và vịt Bầu Bến (Hòa Bình).

Cụm công trình đã đánh giá di truyền được 24 nguồn gen lợn và 21 nguồn gen gia cầm sử dụng kỹ thuật di truyền phân tử Mircrosatellite và Mitochondrial (mtDNA). Từ kết quả của công tác bảo tồn và đánh giá khoảng cách di truyền của các giống đã lựa chọn các nguồn gen có tiềm năng để khai thác và phát triển 58 nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam : nhóm gia súc (8 nguồn gen), nhóm tiểu gia súc (16 nguồn gen), nhóm gia cầm (22 nguồn gen) và nhóm thủy cầm (12 nguồn gen) đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành chăn nuôi, làm phong phú thêm nguồn thực phẩm an toàn chất lượng cho xã hội, cũng như phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương. Một số nguồn gen quý khai thác và phát triển rất thành công và trở thành đặc sản gắn liền với thương hiệu của địa phương như bò H’Mông, gà Đông Tảo, gà Mía, gà Móng, gà H’Mông, lợn Móng Cái, cừu Phan Rang, dê Bách Thảo…. 

Công trình với tổng số 244 bài báo (161 bài xuất bản trong nước và 83 bài xuất bản bằng tiếng nước ngoài), xuất bản được 10 sách chuyên sách chuyên khảo, tham khảo và 02 cuốn Át lát các giống vật nuôi ở Việt Nam. Công trình cũng đã gắn công tác nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn với sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. 

Đây là cụm công trình KH&CN có giá trị khoa học và thực tiễn được triển khai thực hiện thời gian dài 20 năm với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu dày dạn kinh nghiệm, có trình độ khoa học chuyên sâu, tâm huyết. Với tinh thần đam mê, trách nhiệm với sự nghiệp khoa học, công nghệ trong lĩnh vực chăn nuôi động vật nói chung và bảo tồn, khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa của Việt Nam nói riêng. Sự đóng góp của một tập thể bằng sức lao động sáng tạo trải dài 20 năm đã góp phần to lớn, ý nghĩa trong việc phát hiện, bảo tồn và sử dụng hợp lý nguồn gen vật nuôi bản địa, không những phục vụ cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn phát huy các nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng bản địa biết chắt lọc khai thác sử dụng nguồn tài nguyên do con người tạo ra qua các thế hệ của quá trình phát triển.

Giống bò U đầu rìu được nuôi nhiều ở các huyện miền núi vì cho hiệu quả kinh tế cao

Đem lại hiệu quả kinh tế

Cụm công trình đã đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội của một số vùng miền, đặc biệt là vùng sâu vùng xa do mang lại những phương thức sản xuất mới : sản xuất sản phẩm đặc sản từ vật nuôi bản địa, du lịch sinh thái mang bản sắc dân tộc với các giống vật nuôi cổ truyền, góp phần quan trọng gìn giữ tính đa dạng sinh học qua đó giảm thiểu được tác động xấu đến môi trường và đảm bảo cho phát triển bền vững.

Cụm công trình đã nâng cao hiểu biết của nhân dân, của cán bộ địa phương đặc biệt đối với nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi hải đảo biết quý trọng các giá trị hữu hình, vô hình của các nguồn gen vật nuôi bản địa trong phát triển kinh tế xã hội hiện nay và đã đóng góp cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam hiệu quả. Đồng thời, bảo tồn và lưu giứ thành công nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm. Đặc biệt là cư dân đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo thì vật nuôi bản địa đã tạo sinh kế cho họ.

Hội đồng xét tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6 đánh giá đây là cụm công trình đã thực sự đóng góp cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong 20 năm qua cả về KH&CN cả về mặt giá trị thực tiễn trong kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn sinh học, thực phẩm có chất lượng cao được ưa chuộng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, không những làm giàu chính đáng từ việc bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa mà còn phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, có ích của cộng đồng bản địa ở các vùng miền trong cả nước. 

Những kết quả đạt được của cụm công trình đã được triển khai, ứng dụng rộng rãi và mang lại lợi ích, hiệu quả thực sự cho những cộng đồng, tổ chức xã hội đã có công sức gìn giữ bảo tồn nguồn gen vật nuôi bản địa ở Việt Nam góp phần bảo tồn đa dạng sinh học vùng nhiệt đới và cũng góp phần thực hiện mục tiêu của công ước quốc tế về đa dạng sinh học mà Việt Nam là một thành viên.

Lê Hà