Bản in
Công trình lý luận chính trị khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng
Khẳng định sức sống bền bỉ của khoa học lý luận chính trị, công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" của cố GS. Nguyễn Đức Bình là một trong số 12 công trình tiêu biểu được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2021.

Hội đồng cấp Nhà nước vừa đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải Nhà nước về khoa học công nghệ cho 29 công trình nghiên cứu có giá trị cao và khả năng ứng dụng thực tiễn. Trong đó có 12 công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình, cụm công trình xét giải Nhà nước về khoa học và công nghệ đợt 6.

Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" tập hợp 64 bài viết, gồm 1.131 trang của cố GS. Nguyễn Đức Bình - một trong những nhà lý luận hàng đầu của Việt Nam là một trong 12 công trình tiêu biểu được đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2021.

Đây là hai giải thưởng cao nhất thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ do Đảng và Nhà nước trao tặng cho tác giả công trình có giá trị cao về khoa học, công nghệ và thực tiễn. Lễ trao giải sẽ diễn ra tối nay (23/11) tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Nhận xét về công trình của cố GS. Nguyễn Đức Bình, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - học trò của cố GS. Nguyễn Đức Bình chia sẻ: Tư tưởng xuyên suốt của công trình khoa học là khẳng định và bảo vệ chủ thuyết phát triển của Việt Nam thời đại ngày nay, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Công trình đã luận giải một cách sâu sắc có cơ sở lý luận - thực tiễn những nguyên nhân khách quan và chủ quan về sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu. Đồng thời luận giải một cách thuyết phục về tính tất yếu lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa của cách mạng Việt Nam. Đó là sự lựa chọn của chính lịch sử dân tộc, đồng thời đi đến khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là do sự lựa chọn của chính thực tiễn lịch sử Việt Nam.

Công trình khoa học đã góp phần làm sâu sắc thêm "tư tưởng cách mạng không ngừng" của chủ nghĩa Mác-Lênin, luận giải vấn đề độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam trải qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thực hiện hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam - Bắc và thời kỳ đổi mới cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời làm sâu sắc thêm nhận thức những vấn đề cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh, về mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là một trong những cơ sở khoa học để khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, giá trị và tầm ảnh hưởng của công trình của cố GS. Nguyễn Đức Bình  gắn chặt với vai trò trách nhiệm của tác giả, với tư cách là một người cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng trong thời điểm lịch sử có tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, nhờ vậy đã được lan toả một cách sâu rộng trong xã hội, đến nay vẫn còn giá trị đối với lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học đổi mới ở Việt Nam.

Năm 1996, GS Nguyễn Đức Bình là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và là Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 1996-2001. Với cuơng vị và trách nhiệm đó, GS. Bình đã đóng góp rất quan trọng vào công tác lý luận của Đảng.

Công trình "Về cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay" đã góp phần làm sâu sắc thêm lý luận chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều khía cạnh như: Phép biện chứng duy vật, những vấn đề phương pháp luận, đến mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc, vấn đề xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị và tổ chức, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về văn hoá và con người, về công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, về dân chủ hoá trong Đảng, xây dựng văn hoá Đảng, chống tự diễn biến, về giáo dục chính trị tư tưởng, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, về đấu tranh tư tưởng, lý luận, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện hiện nay.

"Từng được tham gia trong ban biên soạn giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi nhớ mãi những ý kiến của GS. Nguyễn Đức Bình. Ông luôn nhấn mạnh sự tổng kết thực tiễn lịch sử Đảng để làm rõ những quy luật, những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam và phải đặc biệt chú trọng nguyên tắc tính Đảng và tính khoa học, vận dụng những kinh nghiệm và bài học lịch sử của Đảng vào công cuộc đổi mới", PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc nhớ lại.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, đóng góp của cố GS Nguyễn Đức Bình không chỉ trên cương vị lãnh đạo, quản lý Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong thời gian dài (1982 - 2001), trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, giai đoạn 1996 - 2001, mà còn là những đóng góp trực tiếp cho hoạt động lý luận chính trị của Đảng ta ở thời kỳ lịch sử đòi hỏi phải đổi mới tư duy, hội nhập quốc tế, đưa  sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc phát triển.

Cố GS Nguyễn Đức Bình là một trong những cán bộ chủ chốt có nhiều đóng góp quan trọng vào đổi mới mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội, mở đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, cùng những quan điểm của Đảng về kinh tế thị trường, về nhà nước pháp quyền, về quan hệ quốc tế. Những đóng góp của cố GS Nguyễn Đức Bình về khoa học lý luận chính trị vẫn luôn có sức sống trường tồn và  được các thế hệ nối tiếp thực hiện, để xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"./.