|
|||
Ý kiến được nêu tại hội thảo tổ chức chiều 3/6 tại TP HCM để đánh giá toàn diện sau 10 năm triển khai Nghị quyết 20 của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, những ý kiến của đại biểu là gợi ý quan trọng để ngành khoa học công nghệ tham mưu các cấp có thẩm quyền xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong giai đoạn mới. PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia TP Hà Nội góp ý về cơ chế ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. Dẫn ví dụ từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... ông Tích cho rằng họ xuất phát từ nước nghèo sau đó đi lên thành quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển, điểm chung là tập trung giải quyết các vấn đề nông nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Theo PGS Tích, Việt Nam là nước nông nghiệp, cần có cơ chế chính sách ưu tiên về đầu tư công nghệ, thuế, vốn, nguồn nhân lực... cho các công nghệ lĩnh vực này. Nghiên cứu đi từ các công nghệ cơ bản, đến công nghệ cao. Các trung tâm nghiên cứu được thiết lập cạnh khu công nghiệp quy mô lớn, để tạo ra sản phẩm giá rẻ, nhưng chất lượng cao nhằm khuyến khích sản phẩm chủ lực và xuất khẩu. "Ở nước ta có quá nhiều khu công nghiệp, nhưng phát triển manh mún, chưa có trọng điểm. Nên chăng cần thay đổi chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, tập trung vào nông nghiệp vì đây là ngành xuất phát điểm", PGS Tích nói.
PGS.TS. Vũ Văn Tích, Trưởng Ban Khoa học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại hội thảo, chiều 3/6. Ở góc độ doanh nghiệp, ông Giang Quốc Dũng, Phó Tổng Giám đốc Becamex IDC đồng tình và cho rằng, phát triển đất nước không chỉ dựa mãi lợi thế về lao động, đất đai mà cần mô hình phát triển bền vững. Các doanh nghiệp trong nước cần được hỗ trợ, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm nền tảng với sự phối hợp nhà nước - doanh nghiệp - viện trường. Ông Dũng cho biết, ở Becamex đã hình thành quỹ khoa học công nghệ, sử dụng để đầu tư vào các phòng lab 4.0 hỗ trợ các doanh nghiệp khác tiếp cận các công nghệ mới, thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ trong đơn vị của họ. Quỹ này cũng hỗ trợ cho Becamex và các doanh nghiệp khác chuyển đổi số, tiếp cận công nghệ 4.0, thu hút nguồn nhân lực, thúc đẩy hoạt động các vườn ươm khởi nghiệp. Việc các doanh nghiệp lớn tham gia vào hoạt động khoa học công nghệ, hỗ trợ các startup, doanh nghiệp nhỏ là điều mà TS Vũ Thị Mai Oanh, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP HCM cho rằng, cần được thúc đẩy hơn nữa. Theo bà, các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm kinh doanh, thị trường... Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư vào các dự án khởi nghiệp để có các sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng. Theo bà Oanh, chính quyền cần làm tốt vai trò kết nối các viện trường, doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất để tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp trong nước phát triển. |