|
|||
Kết quả đáng khích lệ Giai đoạn 2011-2020, thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng trong cải thiện chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh nền kinh tế, nâng cao rõ rệt năng suất lao động, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Số liệu thống kê cho thấy, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước đạt khoảng 6,35%/năm trong cả giai đoạn 2011-2020, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới; nâng GDP bình quân đầu người tăng từ 1.332 USD năm 2010 lên hơn 3.000 USD năm 2020, đạt mục tiêu chiến lược đề ra. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2011-2015 là 4,3%/năm, giai đoạn 2016-2020 là 5,8%/năm, đạt tốc độ cao nhất trong các nước ASEAN. Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp cũng được tăng cường. Đơn cử, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo, nhất là công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua. Theo đó, đã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân tiên phong trong đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế như Viettel, VinGroup, Trường Hải, Thành Công, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty CP thép Nam Kim,... Năm 2017, Tập đoàn Viettel được xếp hạng đứng thứ hai trong ASEAN và trong top 50 thương hiệu viễn thông lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 2,68 tỷ USD. Đủ khả năng thiết kế, chế tạo thành công nhiều công nghệ, thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hay trong công nghiệp, xây dựng, giao thông, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ chú trọng hỗ trợ phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp...
Mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nấm đông trùng hạ thảo tại Bắc Giang. Tiếp tục phát huy hiệu quả Với những kết quả đã đạt được, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đến năm 2030. Hằng năm, ban tổ chức đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu khoảng 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố, các nhà sáng chế không chuyên. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quan, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn nhiều hạn chế nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Hiện, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, như: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia... Đồng thời, Bộ cũng lấy ý kiến các đơn vị liên quan nhằm sửa đổi một số điều luật, quyết định về khoa học và công nghệ để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện, trường, tổ chức khoa học và công nghệ ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Các cơ quan, doanh nghiệp cũng cần triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở đã được Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đề ra. Những nền tảng đổi mới được coi là giải pháp cho những khó khăn mà nhiều công ty, tập đoàn lớn đang gặp phải trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm các nguồn ý tưởng đổi mới sáng tạo ở bên ngoài để giải quyết những vấn đề trong quá trình phát triển sản phẩm.
|