|
|||
Tại Việt Nam, từ khi Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường khoa học và công nghệ đã từng bước hình thành và phát triển. Nhìn lại thị trường khoa học và công nghệ trước khi Quyết định số 2075/QĐ-TTg được ban hành thì nhận thức toàn xã hội về thị trường khoa học và công nghệ rất hạn chế, thị trường khoa học và công nghệ không được biết đến và rất mới lạ. Thị trường khoa học và công nghệ chưa được coi là thị trường như thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động... Đến nay, sau 10 năm hình thành và phát triển, thị trường khoa học và công nghệ đã có bước phát triển mạnh mẽ, sôi động góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu chùm 4 bài viết liên quan đến phát triển thị trường khoa học và công nghệ dựa trên tài sản trí tuệ đăng phát ngày 29 và 30/11. Bài 1: "Mở cửa" thu hút đầu tư công nghệ cao, hình thành thị trường Giai đoạn 2000 - 2010 thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam mới hình thành và phát triển ở mức rất sơ khai. Giai đoạn đầu hình thành thị trường khoa học và công nghệ gặp phải không ít khó khăn, rào cản khi không được coi là thị trường, thiếu nhận thức, thiếu hành lang pháp lý, thiếu tổ chức trung gian năng lực và uy tín, nguồn cung công nghệ chưa sẵn sàng tham gia thị trường. Mở cửa thu hút đầu tư công nghệ cao Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Giai đoạn 2000 - 2010 là giai đoạn đầu của việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đây là giai đoạn nền móng cho việc hình thành các thể chế về thị trường khoa học và công nghệ. Giai đoạn này, thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam mới hình thành và phát triển ở mức rất sơ khai. Lượng giao dịch trên thị trường khoa học và công nghệ không đáng kể và đơn điệu, chủ yếu diễn ra giữa đối tác nước ngoài và Việt Nam. Trước những thách thức của làn sóng công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường khoa học và công nghệ đã hình thành và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Năm 2011, sau khủng hoảng tài chính, Việt Nam bắt đầu phục hồi và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020, phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2012, Việt Nam bắt đầu mở cửa thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao như: Canon, Samsung, ADP... Bên cạnh đó, hàng loạt khu công nghệ cao được ra đời như Khu công nghệ cao Hoà Lạc, khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, khu công nghệ cao Đà Nẵng, khu công nghệ sinh học Hà Nội, khu nông nghiệp công nghệ cao... đây là dấu mốc quan trọng cho sự hội nhập công nghệ với các nước trên thế giới, từng bước hình thành thị trường khoa học và công nghệ. Cũng năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 890/QĐ-TTg thành lập Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Tiếp đó, một loạt các chính sách, chương trình phục vụ phát triển thị trường khoa học và công nghệ đã được ban hành, trong đó có Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020. Giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã ban hành 14 văn kiện (Nghị quyết, Quyết định của Đảng, Chính phủ), 4 Luật, 6 Nghị định và 12 thông tư quy định về cơ chế, biện pháp ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển nguồn cung-cầu công nghệ, giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ và phát triển tổ chức trung gian; chính sách khuyến khích, hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo; công nhận quyền tài sản, quyền sở hữu đối với các kết quả nghiên cứu khoa học; sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; ưu đãi, miễn giảm thuế cho khởi nghiệp sáng tạo… nhằm thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hình thành thị trường khoa học và công nghệ
Sản xuất điện thoại thông minh tại Nhà máy của VinSmart giai đoạn 1 tại Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc (Hà Nội). Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Chiến lược phát triển khoa học và Công nghệ của Việt Nam đến năm 2020 đã đặt ra nhiệm vụ rất lớn đối với phát triển thị trường khoa học và công nghệ khi đặt ra chỉ số tăng giá trị giao dịch công nghệ trên thị trường từ 15 - 17%/năm trong khi nhận thức về thị trường khoa học và công nghệ còn hạn chế, mới lạ. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ chưa được thiết lập và hình thành nên thiếu hệ thống chính sách quản lý thị trường khoa học và công nghệ. Tổ chức bộ máy Nhà nước để quản lý phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Cơ quan làm ra chính sách, theo dõi và thực thi) gần như chưa có. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ mới được thành lập năm 2011 nhưng chỉ có ở trung ương còn địa phương chưa hình thành được bộ máy, chưa có chân rết, chưa có cơ quan, tổ chức để phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại địa phương. Đặc biệt, tổ chức trung gian - Yếu tố quan trọng của thị trường khoa học và công nghệ gần như không có. Tổ chức trung gian là những tổ chức dịch vụ như: Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, dịch vụ về sở hữu trí tuệ, dịch vụ về thông tin hoặc đơn vị kết nối giữa doanh nghiệp và các viện nghiên cứu, trường đại học... Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm công nghệ từ doanh nghiệp rất hạn chế hay đưa kết quả của nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học cho doanh nghiệp cũng hạn chế ... cho thấy bức tranh về thị trường khoa học và công nghệ sơ khai, chưa có điều kiện để phát triển. Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Triển khai Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, Bộ đã đề ra nhiệm vụ huy động mọi nguồn lực xã hội nhất là của các doanh nghiệp cho sự phát triển khoa học và công nghệ, sau 10 năm, Việt Nam đã hình thành cộng đồng doanh nghiệp khoa học và công nghệ với sự tham gia của cả lĩnh vực nhà nước và tư nhân, nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ mới của thế giới như: 5G, trí tuệ nhân tạo - AI, internet vạn vật, dữ liệu lớn, chuỗi khối... góp phần vào chuyển đổi số. Hàng loạt các công trình đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại điện tử được đầu tư và ra đời. Thị trường khoa học và công nghệ từng bước hình thành và bắt đầu sôi động, các hoạt động , giao dịch mua bán hàng hoá, công nghệ cũng trở thành thiết yếu đối với đời sống, khẳng định vai trò của quản lý nhà nước trong việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Các mục tiêu đặt ra đối với phát triển thị trường khoa học và công nghệ như: Tăng giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ khoa học và công nghệ, tăng tỉ trọng giao dịch mua bán tài sản trí tuệ, giải pháp, quy trình, bí kíp kỹ thuật, thiết lập mạng lưới sàn giao dịch công nghệ kèm theo tổ chức dịch vụ hỗ trợ được triển khai. Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đã chuyển biến rõ rệt, đặc biệt Chương trình Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã ra tăng "sức nóng" của thị trường khoa học và công nghệ. Bài 2: Tạo nền tảng để phát triển cả 'chất' và 'lượng'
|