|
|||
Chương trình hiệu quả cao, tác động sâu rộng Bộ KH&CN được Chính phủ giao chủ trì triển khai Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi" (Chương trình). Tính đến nay, Chương trình đã được thực hiện qua bốn giai đoạn: Giai đoạn từ năm 1998-2002; Giai đoạn từ năm 2004-2010; Giai đoạn từ năm 2011-2015 và giai đoạn hiện nay là từ năm 2016-2025. Trải qua 15 năm thực hiện Chương trình đã triển khai thực hiện qua 3 giai đoạn với 856 dự án tại 62 tỉnh, thành phố. Thông qua Chương trình đã huy động lực lượng cán bộ KH&CN của trên 80 cơ quan KH&CN Trung ương và lực lượng cán bộ KH&CN của các địa phương làm công tác chuyển giao công nghệ và đã chuyển giao được 4.804 lượt công nghệ vào sản xuất, đào tạo 11.136 kỹ thuật viên cơ sở, đào tạo ngắn hạn cho trên 1.700 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương, tập huấn cho 237.704 lượt nông dân. Đã sử dụng khoảng 38.387 lao động tại chỗ góp phần giải quyết được tình trạng lao động dôi dư và tăng thu nhập cho nông dân. Ghi nhận hiệu quả tốt của Chương trình, nên sau khi tổng kết 15 năm thực hiện Chương trình vào năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã một lần nữa phê duyệt cho Chương trình tiếp tục thực hiện giai đoạn 10 năm 2016-2025. Sau 5 triển khai từ 2016-2020 Bộ KH&CN đã phê duyệt cho thực hiện trên 353 dự án, trong đó có gần 288 dự án do Trung ương quản lý và trên 68 dự án ủy quyền cho địa phương (tỉnh, thành phố) quản lý. Trong số đó có gần 40% số dự án được thực hiện ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; trên 20% số dự án dự án có mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân. Ông Nguyễn Thế Ích - Chánh Văn phòng chương trình NTMN (Bộ KH&CN) cho biết, Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ KH&CN đã phê duyệt thực hiện 400 dự án triển khai trên địa bàn 61 tỉnh/thành phố. Các dự án triển khai trong 08 lĩnh vực: Trồng trọt; Chăn nuôi; Thủy sản; Công nghệ sinh học; Công nghệ bảo quản, chế biến; Trồng trọt kết hợp chăn nuôi, thủy sản; Vật liệu xây dựng; Xử lý môi trường nước, tưới tiết kiệm nước. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, dự kiến khi kết thúc nghiệm thu, các dự án sẽ xây dựng được 1.309 mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; chuyển giao được 2.126 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án cho 1.800 cán bộ quản lý; đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, tập huấn cho 78.610 lượt nông dân về các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao, ứng dụng cho dự án. Theo bà Đàm Thu Phương, trưởng phòng NN&PTNT Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Chương trình đã lựa chọn được công nghệ tiên tiến, phù hợp mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả và hướng vào giải quyết những vấn đề về kinh tế xã hội có tầm quan trọng với địa phương như nâng cao năng suất chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa với tiềm năng về thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp hiện có ở nông thôn đổi mới công nghệ nhằm phát huy các lợi thế về ngành nghề truyền thống. Sợi dây liên kết 4 nhà là vấn đề cốt lõi Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Hiệu quả từ chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2020 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Báo điện tử Dân Việt tổ chức mới đây, PGS.TS Kim Văn Vạn - Trưởng Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Đại diện đơn vị chuyển giao các thiết bị kỹ thuật triển khai dự án) cho rằng, đây là Chương trình rất hay, nối dài kết quả nghiên cứu từ các dự án nghiên cứu đã được nghiệm thu thành công từ các viện trường và được chuyển giao cho các địa phương có nhu cầu, trên cơ sở các đề xuất của các địa phương, vừa phù hợp nhu cầu vừa đáp ứng khả năng tiếp nhận công nghệ của các dự án nên sẽ phát huy được rất nhiều. PGS.TS Kim Văn Vạn lấy ví dụ như khu vực phía Bắc có rất nhiều giống thủy sản nước ngọt như cá trắm đen, ba ba gai của Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, học viện nông nghiệp Việt Nam đã chuyển giao cho các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La hoặc nhiều chương trình chọn giống tôm chân trắng sạch bệnh đã chuyển giao cho các khu vực ven biển,… các lĩnh vực từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đều đã được lựa chọn và chuyển giao xuất phát từ nhu cầu của địa phương của doanh nghiệp.
Sau nhiều năm triển khai dự án sản xuất bưởi đỏ tại Bắc Giang đã phát triển đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, khi nói đến những thành quả của chương trình Nông thôn miền núi, các chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lõi tạo nên thành công của chương trình nằm ở sợi dây liên kết 4 nhà. Trong đó có các nhà quản lý, doanh nghiệp, viện/trường và nông dân. Phát biểu tại buổi tọa đàm Ông Nguyễn Thế Ích - Chánh Văn phòng chương trình Nông thôn miền núi khẳng định: "Liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp" từ lâu được xem là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa "4 nhà" vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả." Theo ông Ong Khắc Nở - Chủ nhiệm dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết tại tỉnh Bắc Giang, để có được sự liên kết bền chặt của 4 nhà, cần người nông dân sản xuất ra sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, số lượng một cách ổn định; phía doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu thụ hết sản phẩm theo hợp đồng, cung cấp các thông tin tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm để người nông dân đáp ứng. Nhà nước phải có các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người nông dân và đồng thời tạo ra các mối liên kết giữa các nhà khoa học và người nông dân được bền chặt, giúp người nông dân tạo ra các nguồn cây giống, con giống đảm bảo chất lượng và năng suất cao. Bài, ảnh: Diệu Huyền
|