|
|||
PV: Có một số ý kiến cho rằng chỉ nên khởi nghiệp khi đã tích lũy được kinh nghiệm và một khoản vốn đáng kể, cũng như có mạng lưới quan hệ, còn nếu không thì sẽ rất khó thuyết phục mọi người tin tưởng và đầu tư, quan điểm của ông về vấn đề này? Ông Nguyễn Hòa Bình: Tôi nhìn thấy rất nhiều bài học thành công của nhiều doanh nghiệp lớn nhất thế giới hiện nay, đặc biệt các start-up công nghệ đa phần đều khởi nghiệp từ rất trẻ và thiếu thốn. Có thể xuất phát từ garage như Amazon, hay từ chung cư như Alibaba, tất cả đều khởi nghiệp từ lúc rất thiếu thốn và vài lần suýt phá sản. Tuy nhiên, tôi khuyến khích các start-up nên khởi nghiệp khi mình đã tích lũy đủ để tồn tại mà không có doanh thu ít nhất 6 tháng. Đồng thời, ý tưởng khởi nghiệp của mình cần phải được kiểm chứng thông qua các mối quan hệ (bạn bè, người thân, chuyên gia ở trong ngành, những người có khả năng sẽ mua hàng của mình). Bên cạnh đó, trong thời đại hiện nay, các start-up phát xuất từ số 0 thì cơ hội tồn tại sẽ thấp hơn từ khi khởi nghiệp từ các "vườn ươm", "lồng ấp" - là các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoặc các tập đoàn lớn sẵn sàng đầu tư cho khởi nghiệp. Thứ hai, không bao giờ quá muộn. Việc tích lũy kiến thức sâu trong một ngành nghề chính là lợi thế về hiểu biết. Kinh nghiệm trong ngành rất đáng quý. Tuy nhiên, thông thường sẽ có "bẫy kinh nghiệm". Những người nhiều kinh nghiệm quá sẽ khó nhìn nhận ra các cơ hội đột phá mới, mà hay bị lối mòn về duy làm dập tắt ý tưởng sáng tạo. Vì vậy, tôi khuyến khích các bạn nếu có tinh thần khởi nghiệp thì cũng không nên chờ đợi quá lâu, bởi vì tinh thần và ý tưởng khởi nghiệp có thể bị thui chột. PV: Thưa ông, trong năm 2020, lượng start-up đề nghị ông giúp đỡ, tư vấn, đầu tư tăng hay giảm so với năm trước? - Năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, có sự đứt gãy về nhu cầu thị trường và dòng vốn đầu tư nước ngoài, nên các start-up Việt bị đói vốn, sụt giảm doanh thu và tìm đến nhiều quỹ đầu tư như Next100. Con số này tăng lên gấp 3 lần. Ngoài ra, bệnh "ngộ giá" cũng giảm đi rất nhiều, vì nhiều start-up tỉnh ra, thoát khỏi sự ngộ nhận về giá trị của bản thân, tất cả mọi thứ đều phải quy về bài toán tài chính.
Giới trẻ khởi nghiệp đã chủ động tham gia vào nền kinh tế số PV: So với thời điểm ông khởi nghiệp, thế hệ start-up hiện nay có gì giống và khác? Có phải càng ngày khởi nghiệp sẽ càng khó khăn vì phải cạnh tranh hơn không, thưa ông? - Cách đây 20 năm, khi tôi bắt đầu khởi nghiệp thì rất ít cạnh tranh, nhưng cũng đầy có khó khăn vì thị trường còn quá mới, mình cứ như con kiến đang đẩy hòn đá. Hiện nay, nhận thức của xã hội và sự sẵn sàng của thị trường tốt hơn rất nhiều, nhưng ngược lại cũng sẽ có nhiều start-up lao vào cạnh tranh hơn. Đây là hai mặt của một vấn đề mà chúng ta luôn luôn phải đối mặt trong bất kỳ một cuộc khởi nghiệp kinh doanh nào. Tôi thấy thời nay dễ hơn thời trước, do thời nay chúng ta chỉ phải chiến đấu với một vài đến chục đối thủ. Còn trước kia, chúng ta phải chiến đấu với cả xã hội để thay đổi thói quen. PV: Xin ông cho biết trong năm 2019-2020, quỹ Next100 đã đầu tư cho bao nhiêu dự án khởi nghiệp. Con số 100 trong tên của quỹ có nghĩa là gì, thưa ông? - Trong năm 2019 - 2020, quỹ Next100 đầu tư cho 12 dự án khởi nghiệp và đang ngày càng tăng tốc tận dụng thời cơ của Covid-19 Next100 mong muốn làm bệ phóng cho 100 doanh nhân công nghệ thành công tại Việt Nam và vươn ra khu vực Đông Nam Á, với mong muốn là sẽ có các quỹ vòng sau là Next200, Next300 trong tương lai. PV: Theo ông, một start-up có triển vọng đến mức nào thì sẽ nên quyết định đầu tư? - Đầu tư quá sớm thì rủi ro cao, đầu tư quá muộn thì giá phải trả lại cao. Do đó, Next100 thường đầu tư khi tìm thấy "long mạch". Còn "long mạch" là gì? Các bạn có thể tìm kiếm trên Google kèm theo từ khoá "shark Bình". Đó là tập hợp các phương thức kinh doanh phù hợp với điều kiện đặc thù của doanh nghiệp, do doanh nghiệp đó tự học hỏi, chiêm nghiệm và phát triển trong quá trình kinh doanh mà có thể mang lại cho doanh nghiệp khả năng tăng trưởng quy mô và lợi nhuận. PV: Sau khi nhận vốn từ quỹ Nexttech, hoạt động của Pushsale có gì khác? Trong thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19, thương mại điện tử gia tăng khá nhau thì Pushsale có nằm trong xu hướng này không? - Sau khi nhận quỹ Nexttech, Pushsale như "tên lửa tiếp thêm nhiên liệu", có đà tăng trưởng rất nhanh. Trong năm qua, chúng tôi đã phục vụ gần 1.000 khách hàng, trong đó đa số là các khách hàng trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19, chúng tôi đã hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp trong vấn đề tối ưu vận hành kinh doanh online: tăng tỉ lệ chốt đơn nhờ các "kịch bản tác nghiệp tự động", tối ưu chi phí marketing, giảm tỉ lệ hoàn đơn, từ đó doanh nghiệp vẫn đạt được mức lãi suất tốt mặc dù đang trong thời điểm dịch Covid-19. PV: Ông nhận thấy hiện nay hiện nay lĩnh vực nào là tiềm năng nhất cho khởi nghiệp? - Thứ nhất, các start-up đưa ra các công nghệ chuyển đổi số trong các ngành truyền thống. Thứ hai, các chuỗi bán lẻ. Chúng ta thấy tại các nước phát triển, ngành nào cũng sẽ quy về các chuỗi thay vì các cửa hàng nhỏ lẻ, manh mún. Thứ ba, các lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo trong y tế, giáo dục, năng lượng... Đây là các ngành có nhu cầu và quy mô cực lớn, nhưng lại chậm thay đổi theo hướng thuận tiện hoá trong nhiều năm qua. PV: Có người nói chỉ nên khởi nghiệp khi có ý tưởng độc đáo, mới lạ. Nói như vậy có đúng không, thưa ông? - Câu này vừa đúng vừa sai. Bởi lẽ, độc đáo, mới lạ, khác biệt là khía cạnh rất đáng quý của một ý tưởng khởi nghiệp. Tuy nhiên, độc quá, lạ quá có thể dẫn đến dị quá, điều này làm cho start-up làm ra thứ mà thị trường không cần hoặc có hay không cũng được, khiến không bán được hàng và nhanh chóng thất bại. Thứ hai, nhiều khi khởi nghiệp trong các thị trường "đại dương đỏ" nhưng biết tối ưu, làm tốt hơn những người đi trước mà không cần quá khác biệt thì vẫn có thể thành công. PV: Trân trọng cảm ơn ông! Đăng Minh (Lược ghi)
|