Bản in
Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano trong nông nghiệp
Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu nhằm nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng và hiệu quả canh tác, chăn nuôi. Đã có rất nhiều thử nghiệm mang tính đột phá như “nhân bản vô tính”, biến đổi gen… nhưng những hướng đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công nghệ nano đã và đang đưa ra nhiều triển vọng cải thiện ngành nông nghiệp.

Ngày 03/12/2020, tại Hà Nội, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, Viện Vật Lý, Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano trong nông nghiệp”. 

Tham dự Hội thảo về phía Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có đại diện lãnh đạo: Viện Kỹ thuật Nhiệt đới; Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội; Trung tâm Thông tin - Tư liệu; Viện Khoa học Vật liệu; Viện Công nghệ Môi trường.

Về phía các đơn vị ngoài Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có đại diện lãnh đạo: Trường Đại học An Giang, Chủ nhiệm Chương trình KC02, Hội Hóa học Việt Nam, Học viện Nông nghệp Việt Nam, Hội Khoa học sản phẩm thiên nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Thuốc Bảo vệ Thực vật, Hội doanh nghiệp Thuốc Bảo vệ Thực vật. Cùng tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trong và ngoài Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu cũng như những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp có liên quan đến công nghệ nano. 

Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra thông tin cập nhật liên quan đến việc ứng dụng công nghệ và vật liệu nano trong thực tiễn nền nông nghiệp ở Việt Nam và trên thế giới. Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ nano và nông nghiệp, đến từ các Viện nghiên cứu, trường Đại học và doanh nghiệp trong nước trao đổi và cùng tìm ra các hướng nghiên cứu và ứng dụng phát triển mới.

Ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu nhằm nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng và hiệu quả canh tác, chăn nuôi. Đã có rất nhiều thử nghiệm mang tính đột phá như “nhân bản vô tính”, biến đổi gen… nhưng những hướng đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Công nghệ nano đã và đang đưa ra nhiều triển vọng cải thiện ngành nông nghiệp thông qua các nghiên cứu mới để kiểm soát chẩn đoán bệnh nhanh chóng hay tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cây trồng mà không chứa đựng những rủi ro như nhân bản vô tính, biến đổi gen…

Ứng dụng cảm biến nano giúp sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên nông nghiệp như nước, chất dinh dưỡng và hóa chất bởi các phương pháp canh tác chính xác. Việc sử dụng vật liệu nano kết hợp hệ thống định vị với hình ảnh vệ tinh của các cánh đồng, các nhà quản lý trang trại có thể phát hiện từ xa sâu bệnh hại cây trồng hoặc dự đoán thiên tai như hạn hán. Ngoài ra, cảm biến nano phân tán trên đồng ruộng cũng có thể phát hiện sự hiện diện của vi rút thực vật cũng như mức độ dinh dưỡng của đất. Bên cạnh đó, phân bón tan chậm được bao bọc dạng nano cũng đã trở thành một xu hướng nhằm tiết kiệm tiêu thụ phân bón và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nanobarcodes và quy trình xử lý nano cũng dần được sử dụng để giám sát chất lượng nông sản. Trong những năm gần đây, việc sử dụng vật liệu nano không những được ứng dụng trong canh tác nông sản mà còn được coi là một giải pháp hữu hiệu thay thế thuốc bảo vệ thực vật truyền thống để kiểm soát dịch hại thực vật như côn trùng, vi sinh vật và cỏ dại.

GS.TS. Nguyễn Việt Bắc phát biểu đề dẫn Hội thảo

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Việt Bắc, Chủ nhiệm Chương trình KC02, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam cho biết: Công nghệ nano đã được nghiên cứu tại Việt Nam gần 30 năm, người tiên phong đưa công nghệ nano vào nghiên cứu phát triển ở Việt Nam là GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu từ những năm 1997. Trong những năm qua, công nghệ nano đã được nghiên cứu và dứng dụng vào rất nhiều ngành sản xuất khác nhau như: sản xuất gốm; vật liệu composit; sản xuất sơn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh phí cũng như nhân, vật lực mà hiệu quả còn chưa được như ý muốn. Việc ứng dụng công nghệ nano là hướng còn khá mới, chưa phát triển rộng rãi ở Việt Nam. GS.TS. Nguyễn Việt Bắc hi vọng Hội thảo sẽ được nghe nhiều ý kiến, gợi ý từ các nhà khoa học, các chuyên gia để phát triển hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Với 10 báo cáo xoay quanh 3 chủ đề như: Công nghệ vật liệu nano và nano sinh học trong nông nghiệp; Công nghệ bảo vệ thực vật thân thiện môi trường; Ứng dụng công nghệ nano trong phân bón; Hội thảo đã nêu ra những tồn tại và đề xuất một số hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano và công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Đề cập đến chủ đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học và nano sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng, chủ tịch Hội đồng tư vấn thuốc BVTV cho biết sinh vật hại có thể làm giảm năng suất cây trồng đến 40%, thậm chí có thể lên tới 80%, trong khi để nghiên cứu ra được công nghệ hoặc giống mới thì phải mất rất nhiều công sức mà năng suất cũng chỉ tăng được 5-10%. Do vậy việc sử dụng thuốc BVTV là không thể tránh khỏi. Trước đây thuốc BVTV chủ yếu là thuốc hóa học, tác hại của thuốc BVTV hóa học là rất rõ ràng thể hiện như để lại lượng tồn dư trong cây trồng, trong đất, nước, dễ gây hiện tượng “nhờn thuốc”… Để giảm thiểu hệ lụy của việc dùng thuốc BVTV hóa học, cần phải có biện pháp thay thế phù hợp. Thuốc BVTV sinh học và nano sinh học là một hướng nghiên cứu ứng dụng rất khả thi. Nhược điểm của thuốc BVTV sinh học là khó đem lại tác dụng “ngay lập tức” như thuốc hóa học, nhưng ưu điểm rất nổi trội là không gây hại cho môi trường, chi phí sản xuất rẻ hơn, việc nghiên cứu, điều chỉnh để tránh hiện tượng “nhờn thuốc” dễ hơn rất nhiều. “Thuốc BVTV sinh học và nano sinh học là xu thế tất yếu của sản xuất nông nghiệp bền vững”, PGS.TS. Nguyễn Xuân Hồng khẳng định.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Giới thiệu một số kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano trên cây trồng, vật nuôi và thủy sản với các hướng như: Nghiên cứu nâng cao năng suất; phòng trừ sâu bệnh hại; nuôi cấy mô tế bào thực vật; phát triển kit phát hiện tồn dư thuốc BVTV, đến nay đã đạt được kết quả tích cực.

GS.TS. Phan Hồng Khôi, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Phát triển Công nghệ cao đã đưa ra đề xuất về giải pháp kỹ thuật ứng dụng đèn LED trong chiếu sáng điều khiển quang chu kỳ cho các cây ra hoa, điển hình là cây hoa Cúc, loài cây có giá trị thương phẩm cao được sử dụng hàng ngày trong cuộc sống không chỉ ở các tỉnh Tây Nguyên mà trong các vùng, miền khác ở nước ta. Mặc dù còn rất nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, việc ứng dụng đèn LED vào chiếu sáng điều khiển quang chu kỳ trên các cây nói chung và cây hoa Cúc nói riêng là một giải pháp công nghệ có tính khả thi, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cho ngành sản xuất hoa Cúc cắt cành.

GS.TS. Nguyễn Văn Tuất, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp nêu vấn đề về biến đổi khí hậu: Biến đổi khí hậu đã trở nên ngày càng ảnh hưởng rõ rệt đến ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cũng như đối với các nước khác trong khu vực. Để ứng phó với tình hình mới, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần phải được chú trọng. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp cũng đã được lưu ý hơn và có một số kết quả bước đầu. Một số công nghệ tiên tiến đã được phát triển phục vụ sản xuất, như: Công nghệ mô hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ tưới nước tiết kiệm cho cây trồng, công nghệ che phủ nilon cho một số cây trồng, công nghệ thuỷ canh sản xuất rau trong nhà lưới, công nghệ nuôi gà, heo lạnh, công nghệ di truyền tạo cá rô phi đơn tính, công nghệ nuôi siêu thâm canh cá tra, công nghệ chiếu xạ bảo quản thanh long... Việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hàng hoá một số sản phẩm nông nghiệp đã được thực hiện tại một số doanh nghiệp, một số địa phương, chủ yếu trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản bước đầu đã hình thành một số doanh nghiệp khu nông nghiệp và vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

GS.TS. Thái Hoàng báo cáo về  việc sử dụng vật liệu nanocomposite chế tạo màng phủ bảo quản trái cây

Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm ở Việt Nam, vi sinh vật dễ dàng phát triển nên các loại quả ở nước ta dễ bị tổn thất khối lượng và suy giảm chất lượng sau khi thu hoạch, lưu giữ và bảo quản. Tìm các giải pháp công nghệ và vật liệu thích hợp để bảo quản các loại quả nhiệt đới là một vấn đề quan trọng như tăng năng suất, Chất lượng loại quả khi trồng trọt. GS.Thái Hoàng cùng các cộng sự đã giới thiệu vật liệu nanocompositedùng để sản xuất màng bảo quản các loại quả nhiệt đới đem lại hiệu quả cao, giữ chất lượng các loại quả lâu hơn.

Ngoài các báo cáo nên trên, Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề như: “Công nghệ bức xạ chế tạo và biến tính vật liệu dùng trong nông nghiệp”; Phát triển hệ thống khử mặn theo công nghệ CDI phục vụ nhu cầu xử lý nước tưới trong nông nghiệp công nghệ cao; Một số kết quả nghiên cứu, sử dụng biện pháp sinh học trong quản lý sâu, bệnh hại cây trồng ở các tỉnh phía Nam; Nghiên cứu ảnh hưởng tích hợp của vi khuẩn endophyte và nano TiO2 tới ức chế bệnh và sinh trưởng của cây Dưa lưới,..

Bài, ảnh: PV