|
|||
“Mũ cách ly di động” là ý tưởng sáng tạo của ba bạn trẻ Đỗ Trọng Minh Đức, học sinh lớp 11 trường Montverde Academy (Mỹ), Trần Nguyễn Khánh An (học sinh lớp 8 trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy) và Nguyễn Hoàng Phúc (học sinh Trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội) phát triển trên cơ sở đề bài được nhà sáng chế Nguyễn Đình Nam hướng dẫn. Vihelm là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus khiến virus không thể lây xuyên qua mũ bảo hộ trong khi đội. Chiếc mũ cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.
Vừa qua, Phòng Thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố hoàn thành thí nghiệm đo đạc các chỉ số của “mũ bảo vệ đường hô hấp Vihelm”, bao gồm: hiệu suất lọc các hạt kích thước nhỏ, nồng độ CO2, nhiệt độ, độ ẩm. Kết quả đo cho thấy: hiệu suất lọc bụi PM2.5 trong 1 thử nghiệm đã lên tới 100,00% trong 40 lần đo khác nhau. Nồng độ CO2 trong mũ cũng rất thấp, chỉ 2471 ppm (0,2471%), thấp hơn nhiều lần so với tất cả 6 loại thiết bị bảo vệ đường hô hấp của Hoa Kỳ mà một nghiên cứu đã công bố, bài có đăng trên website của CDC Hoa Kỳ (các thiết bị bảo vệ đường hô hấp trong nghiên cứu trên có nồng độ CO2 từ 5500 ppm tới 11700 ppm, đều quá mức có hại cho sức khỏe theo OSHA (là 1 cơ quan quản lý nhà nước về trang thiết bị y tế của của Hoa Kỳ).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với Nhóm nhà sáng chế trẻ Vihelm bên lề Lễ khai mạc Techfest 2020
Nhóm nhà sáng chế trẻ này bày tỏ mong muốn rằng: trong thời gian tới, để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng nói chung và của y bác sỹ nói riêng, nhà nước cho tiến hành nghiên cứu lâm sàng diện rộng để làm rõ khả năng bảo vệ cũng như tác động xấu của các loại khẩu trang và các thiết bị bảo vệ đường hô hấp tới sức khỏe và năng suất lao động, trong đó có mũ Vihelm. Sớm lập tiêu chuẩn chất lượng và quy chuẩn về các thiết bị bảo vệ đường hô hấp. Nhà nước cũng cần nghiên cứu Chiến lược quốc gia về “cách ly di động”, tác động của nó đối với GDP, việc làm, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế để tạo điều kiện để Việt Nam tiên phong kiến tạo nên chiến lược cách ly mới cho thế giới. Nhóm cũng đề nghị nhà nước hỗ trợ nhóm nghiên cứu công bố chia sẻ miễn phí mã nguồn và thiết kế và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nghiên cứu và cùng khai thác trí tuệ của người Việt.
“Chúng con tin rằng chiến lược cách ly di động sẽ là 1 cải tiến lớn trong việc chống lại mọi dịch bệnh trong tương lai, so với cách ly thông thường, giá trị nó đem lại sẽ giống như nâng cấp điện thoại cố định lên điện thoại di động. Chúng con mong mỏi được thấy tầm nhìn cách ly di động của nhóm sáng chế được thử nghiệm ở 1 khu vực nào đó an toàn, ví dụ như hòn đảo như Phú Quốc hay Cát Bà”, bạn Đỗ Trọng Minh Đức – Đội trưởng chia sẻ.
Theo Đức: "Để cống hiến nhiều nhất cho thế giới, chúng ta sẽ cho miễn phí mã nguồn mở và cả thiết kế. Mọi người có thể in 3D ra mũ để bảo vệ người thân, nhưng tôi tin hầu hết sẽ thích mua từ chúng ta hơn vì làm ở Việt Nam có nghĩa là chất lượng tốt mà chi phí lại thấp".
Ý tưởng và những sáng tạo mới của sản phẩm này đã được đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ trong tháng 6 vừa qua.
Tin, ảnh: Đăng Minh
|