Bản in
Xu thế phát triển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, robot và vật lý
Ngày 26/11/2020, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xu thế phát triển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, robot và vật lý”.

Tham dự Hội thảo có PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; đại diện một số doanh nghiệp liên quan, nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để phát triển thành các sản phẩm…

Hội thảo nhằm chia sẻ một số kết quả đã triển khai trong thời gian vừa qua tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam; tạo diễn đàn để các nhà khoa học của Viện Hàn lâm trao đổi, thảo luận cùng định hướng cho sự phát triển của ngành, lĩnh vực góp phần thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị và Đề án Chuyển đổi số của Chính phủ, qua đó đề ra các giải pháp để thúc đẩy ứng dụng và triển khai công nghệ, kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp.  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam Chu Hoàng Hà nhấn mạnh, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, nhưng đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong nghiên cứu ứng dụng. Nhiều kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tư động hóa, vật lý và năng lượng có tính ứng dụng cao đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nhu cầu sở hữu các công nghệ hiện đại của doanh nghiệp tăng, đòi hỏi các nhà khoa học định hướng các nghiên cứu của mình để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn, đặc biệt là trong các lĩnh vực nêu trên.

PGS.TS Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

 

PGS.TS Chu Hoàng Hà khẳng định thêm: “Thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã đạt được những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quan trọng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, vật lý, robot và năng lượng. Các đơn vị đã nghiên cứu chế tạo, ứng dụng những công nghệ mới, có những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, được đơn vị sử dụng đánh giá cao. Có thể kể đến một số sản phẩm, công nghệ quan trọng như: Máy tạo đá tuyết từ nước biển năm 2018, phục vụ đánh bắt hải sản của Trung tâm Phát triển công nghệ cao; Chế tạo và chuyển giao thành công nhiều mẫu máy bay không người lái - UAV Pelican cánh bằng, lên thẳng dạng trực thăng - DF-26 của Viện Vật lý Ứng dụng và Thiết bị khoa học (năm 2016-2019); Chế tạo Vệ tinh Micro Dragon năm 2019 của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Máy hỗ trợ khử khuẩn vết thương hở sử dụng công nghệ Plasma lạnh của Viện Vật lý năm 2016; Robot 6 bậc tự do của Viện Cơ học năm 2017; Hệ thống phần mềm phân tích đánh giá thông tin bán hàng trực tuyến, quản lý báo chí trên mạng Internet của Viện Công nghệ thông tin năm 2018-2019; Robot-Vast 2020 của Viện Vật lý và gần đây nhất là Hệ thống thông tin liên lạc bằng khinh khí cầu có điều khiển đường bay, kết quả chuyển đổi số các công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm… 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày các kết quả nghiên cứu, các công nghệ có tính ứng dụng cao như: Mạng 6G và xu thế công nghệ, ứng dụng và định hướng nghiên cứu; Viện Vật lý và một số hướng nghiên cứu khoa học công nghệ trong giai đoạn mới; Đề xuất xây dựng hệ thống cứu hộ cứu nạn và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lũ lụt và sạt lở đất; Một số kết quả ứng dụng và định hướng phát triển lĩnh vực Tự động hóa và Robot trên thế giới và Việt Nam giai đoạn 2020-2025; Xu thế phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong ngành Năng lượng trên thế giới và Việt Nam; Phát triển Robot hoạt động trong môi trường nước, thực trạng, tiềm năng và định hướng; Một số kết quả trong nghiên cứu phát triển ROBOT tự hành thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và định hướng ứng dụng; Hệ thống tổng hợp và phân tích thông tin nội bộ; Chuyển đổi số trong hoạt động thông tin KH&CN của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Trung tâm Vật lý quốc tế; Nghiên cứu, phát triển phân hệ xác định và điều khiển tư thế vệ tinh tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; Một số kết quả ứng dụng công nghệ PLASMA và định hướng phát triển giai đoạn 2020 – 2025...

Bên cạnh đó, tại Hội thảo các nhà khoa học đề cập các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực này và đề xuất giải pháp tiếp cận xu thế phát triển của thế giới để không bị tụt hậu mà còn bắt kịp thế giới. Các kiến nghị và đề xuất các giải pháp đó sẽ giúp các cơ quan quản lý hoàn thiện cơ chế, chính sách đang đặt ra hiện nay về: Chuyển đổi số quốc gia; phát triển mạng 6G, nghiên cứu công nghệ cốt lõi phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc CMCN 4.0,…

Tin, ảnh: M.C