|
|||
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang bên lề hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn, miền núi toàn quốc giai đoạn 2016-2020, định hướng thực hiện giai đoạn 2021-2025 do Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây. Thưa Thứ trưởng, Chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2025 đã trải qua 1/2 chặng đường, ông đánh giá, nhận xét như thế nào về kết quả cũng như khó khăn, thuận lợi của Chương trình này? Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang: Giai đoạn 2016 đến nay, chương trình đã triển khai 400 dự án tại 63 tỉnh, thành phố. Các dự án thuộc Chương trình chủ yếu tập trung giải quyết 03 nhóm vấn đề chính: chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ kỹ thuật và đội ngũ cộng tác viên cơ sở, người dân làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiên thích hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương. Qua 5 năm triển khai thực hiện, các dự án của Chương trình bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực về KH&CN: đã chuyển giao được 2.126 lượt công nghệ; làm chủ được công nghệ sản xuất một số giống sạch bệnh, có chất lượng cao, giá thành hạ, thay thế giống nhập khẩu từ nước ngoài; đào tạo được 3.520 kỹ thuật viên cơ sở và trên 1.800 cán bộ quản lý KH&CN ở địa phương; tập huấn 78.610 lượt nông dân tiếp nhận và làm chủ được công nghệ. Các dự án thuộc Chương trình đã góp phần thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa bàn nông thôn miền núi. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn dựa trên phát triển KH&CN, hay là dùng KH&CN để phát triển kinh tế -xã hội nông thôn miền núi. Tăng cường lòng tin của nhân dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn dựa trên KH&CN bền vững tạo nguồn động lực củng cố và phát triển tiềm lực KH&CN nông thôn của các địa phương trong những năm qua. Bên cạnh đó, Chương trình đã hoàn thành việc xây dựng và vận hành hiệu quả Trang thông tin điện tử của Chương trình; tổ chức được 06 hội thảo, tập huấn cho các học viên là phóng viên, biên tập viên và cán bộ thông tin - truyền thông; Đã đăng tải 200 tin/bài viết về các dự án có kết quả nổi bật trên các cơ quan thông tin đại chúng trung ương và địa phương; xây dựng 25 video clip về các kết quả của các dự án; tổ chức 04 tọa đàm trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương. Đặc biêt, chương trình đã xây dựng một số phóng sự bằng tiếng dân tộc như tiếng Mông, tiếng Ê đê, tiếng Khơ me phát sóng trên một số đài của địa phương. Xin Thứ trưởng cho biết hiệu quả của Chương trình nông thôn miền núi giai đoạn 2016 – 2020? Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang: Đến nay, hầu hết các dự án của Chương trình đều đưa lại hiệu quả kinh tế trực tiếp một cách rõ rệt cho đơn vị cơ sở thực hiện dự án và được thể hiện ở sự gia tăng doanh thu hay lợi nhuận so với trước khi thực hiện dự án hoặc so với đơn vị cơ sở không thực hiện dự án. Cơ chế đầu tư của Chương trình đã tạo ra một phương thức thu hút nguồn vốn xã hội đầu tư cho ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Thực tế thực hiện các dự án cho thấy kết quả tích cực và hiệu quả kinh tế trực tiếp khả quan của các dự án, của các mô hình công nghệ được chuyển giao và ứng dụng đã tạo niềm tin trong nhân dân và đã thu hút được nhiều doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và lao động để tiếp tục ứng dụng mô hình công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Về hiệu quả kinh tế gián tiếp, các dự án được thực hiện thành công đã tạo ra các sản phẩm xuất khẩu hay sản phẩm thay thế sản phẩm nhập khẩu. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra sản phẩm mới có thể làm thay đổi cơ cấu sản xuất của một đơn vị sản xuất hay của một vùng sản xuất. Ngoài ra, việc thực hiện các dự án của Chương trình Nông thôn miền núi đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn. Các dự án được triển khai thu hút được nhiều lao động tham gia sản xuất, nhất là khi các mô hình áp dụng kỹ thuật công nghệ được lan tỏa nhân rộng sẽ tạo thêm nhiều công ăn việc làm mới, nâng cao trình độp nhận thức về sản xuất, góp phần đáng kể việc giải quyết lao động dôi dư ở nông thôn. Để triển khai hiệu quả Chương trình trong giai đoạn tiếp theo, theo Thứ trưởng cần chú trọng những vấn đề gì? Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang: Trong thời gian tới, Chương trình cần tiếp tục thực hiện việc quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh của các dự án đã phê duyệt; Rà soát, xác định mục tiêu, nội dung giai đoạn 2021-2025 theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng để định hướng tổ chức thực hiện, trong đó ưu tiên đề xuất các dự án: Dự án do các doanh nghiệp có năng lực thực hiện để hỗ trợ hình thành doanh nghiệp KH&CN tại địa phương; Dự án có công nghệ chế biến sâu, các công nghệ hiện chưa có địa phương đề xuất: Công nghệ, thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt, sử dụng năng lượng tái tạo; Công nghệ thông tin, truyền thông để phổ biến kiến thức KH&CN, thông tin thị trường cho nông dân; Ưu tiên chuyển giao các công nghệ về trồng cây chịu mặn (giải quyết khó khăn về hạn mặn), ưu tiên tái đàn đối với dự án lợn (ảnh hưởng của dịch tả châu phi); Vụ Phát triển KH&CN địa phương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ KH&CN rà soát, tham mưu cho Bộ bổ sung, chỉnh sửa các quy định để tạo thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình; xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết từng năm và cả giai đoạn 2021-2025, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về sản phẩm do Chương trình đặt ra. Đối với các tổ chức chủ trì dự án, các tổ chức hỗ trợ chuyển giao công nghệ cần phối hợp chặt chẽ, huy động nguồn lực đối ứng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước để triển khai thành công các dự án. Đồng thời có kế hoạch nhân rộng mô hình sau khi kết thúc, tăng năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa của địa phương, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp và cải thiện đời sống nhân dân.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang tham quan các gian hàng tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chương trình nông thôn, miền núi toàn quốc giai đoạn 2016-2020 Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả hơn nữa các dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi cần tiếp tục thực hiện việc quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh của các dự án đã phê duyệt. Tăng cường phê duyệt dự án để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo Quyết định số 1747của Thủ tướng Chính phủ. Đảng và Nhà nước xác định Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Do đó cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, để KH&CN tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn vào sự phát triển của các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế, đặc biệt là giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN nói chung, trong đó có chính sách pháp luật đặc thù liên quan đến phát triển KH&CN phục vụ nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm bố trí kinh phí và tăng cường giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Bài, ảnh: Đăng Minh – Hoàng Anh
|