|
|||
Hút thuốc lá có thể chỉ là thói quen, khi buồn, khi vui hoặc người khác mời thì hút và cũng có thể là tình trạng nghiện thuốc, vì trong thành phần của khói thuốc có chứa Nicotin là chất gây nghiện. Khi hút thuốc bạn sẽ có cảm giác sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng khả năng chú ý, tăng hoạt động nhận thức và trí nhớ ngắn hạn… Trạng thái này do Nicotin có trong khói thuốc tác động lên hệ thần kinh tạo ra và nó chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn. Chính vì vậy, để luôn có được cảm giác này bạn sẽ phải hút thuốc thường xuyên. Nhưng bạn cần biết rằng trong khói thuốc còn khoảng 7000 chất hóa học khác là nguyên nhân trực tiếp gây các bệnh nguy hiểm như: các bệnh ở phổi, bệnh tim mạch, suy giảm khả năng sinh sản và đặc biệt là bệnh ung thư, trong đó chủ yếu là ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư thực quản… Theo nhiều nghiên cứu có đến trên 90% các trường hợp ung thư phổi xảy ra trên những người hút thuốc. Đặc biệt là những người thân xung quanh bạn không trực tiếp hút, nhưng lại hít phải khói thuốc do bạn hút cũng sẽ có khả năng mắc tất cả các bệnh nguy hiểm trên tương tự như bạn. Nghiêm trọng hơn, nếu người hút hoặc hít phải khói thuốc là phụ nữ đang mang thai thì sẽ có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh… những tác hại này không xảy ra ngay mà phải sau thời gian hàng chục năm và thường bắt đầu sau tuổi 40. Cùng với việc đốt cháy cơ thể mình, hút thuốc cũng đốt của bạn không ít kinh phí, kể cả trường hợp tiền không phải là vấn đề với bạn thì sẽ thật có ích hơn khi số tiền đó được sử dụng giúp đỡ những mảnh đời khó khăn xung quanh bạn. Đó còn chưa kể đến nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường sống, và nhất là bạn sẽ trở thành tấm gương mờ cho người thân của bạn về lối sống và nguy cơ mắc các tệ nạn khác… Nếu bạn là người sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng hãy cho mình quyết tâm từ bỏ thuốc lá ngay hôm nay. Nếu như hút thuốc đối với bạn mới chỉ là thói quen, việc bỏ thuốc không phải là quá khó, chỉ cần bạn có quyết tâm cao là thành công; nhưng nếu đã nghiện thì bạn cần chuẩn bị nghiêm túc và chu đáo để thực hiện quyết tâm bỏ thuốc. Vì khi bắt đầu bỏ thuốc, bạn sẽ gặp phải một số dấu hiệu như: mất ngủ, giảm hưng phấn, giảm sự tập trung, bứt rứt, khó chịu, lo âu, thèm ăn… Để hỗ trợ cho người bệnh cai thuốc lá, việc chống hút thuốc lá cần phải được ưu tiên hàng đầu ở mỗi nước dựa vào các biện pháp cộng đồng được áp dụng với tầm cỡ quốc gia. Các biện pháp cộng đồng bao gồm các luật lệ hữu hiệu để hạn chế hút thuốc lá: cấm tất cả các hình thức quảng cáo trực tiếp và gián tiếp các nhãn hiệu thuốc lá, tăng giá thuốc, cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm nhập khẩu thuốc lá … Ở một số nước đang phát triển, việc ngăn chặn thuốc lá gặp khó khăn do nền kinh tế còn nhiều giới hạn nên các nguồn thu từ thuế thuốc lá là 1 nguồn thu không nhỏ cho ngân sách và vì vậy trả giá đắt cho sức khỏe cộng đồng. Ở Việt Nam, tệ nạn buôn thuốc lá lậu khó kiểm soát cũng làm đau đầu những người có trách nhiệm và làm tăng nhanh mức độ tiêu thụ thuốc lá. Riêng trong ngành y tế, các bác sĩ cần thông tin cho bệnh nhân về hiểm họa của thuốc lá đối với sức khỏe và giúp họ ngưng thuốc. Vai trò của các nhân viên y tế mang lại tỉ lệ thành công khá cao trong các chương trình tham vấn cai thuốc lá. Nhân viên y tế có thể là bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ, nha sĩ, y tá, chuyên viên tâm lý học. Ngay cả những lần tham vấn ngắn (kéo dài khoảng 3 phút) cũng làm tăng tỉ lệ bỏ thuốc lá thành công thêm 5 – 10%. Bác sĩ, nhất là các bác sĩ đa khoa nên đặt vấn đề bỏ thuốc lá đối với tất cả các bệnh nhân có hút thuốc lá dù người bệnh đế khám không có biểu hiện gì của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc đến khám vì các nguyên nhân không có liên quan gì đến các căn bệnh do thuốc lá. Như vậy, với sự tiến bộ của y học, việc cai thuốc lá ngày nay đã dễ dàng hơn nhiều. Ở bất kỳ lứa tuổi nào, dù đã hút thuốc lá nhiều hay ít, dù thuốc lá đã ảnh hưởng như thế nào lên sức khỏe của bạn, cai thuốc lá cũng đem lại ích lợi cho sức khỏe của bạn. Đăng Minh
|