Bản in
Nghiên cứu, phát triển và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế
Qua đại dịch Covid-19, hiệu quả trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều mặt của đời sống, đặc biệt là công tác phòng, chữa bệnh đã được chứng minh. Đối với ngành y tế, việc phát triển các công nghệ, nhất là công nghệ AI được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 

Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm "Nghiên cứu, phát triển và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế" nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Chương trình AI4VN, do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Sáng tạo Nghệ thuật và Sự kiện Sun Bright thực hiện với sự đồng hành của chương trình Aus4Innovation, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức sáng ngày 23/9/2020.

Tọa đàm có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy; ông Tom Wood, Giám đốc chương trình Aus4Innovation, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, Phó Chủ nhiệm Chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia KC4.0/19-25; cùng đại diện các cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp... Ngoài đầu cầu tại Bộ KH&CN, sự kiện còn kết nối các chuyên gia tại Australia.

Khẳng định lợi thế trong việc ứng dụng công nghệ mới vào chẩn đoán, điều trị bệnh

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng xu thế phát triển về AI trên toàn thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, công nghệ lưu trữ, dữ liệu lớn đã tạo ra nhiều điều "kỳ diệu" trong tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống.

Ở lĩnh vực y tế, khi toàn bộ tri thức của nhân loại, của thầy thuốc và y bác sỹ tích lũy nhiều năm, nay cũng được tổng hợp lại thông qua dữ liệu lớn. Các dữ liệu này cũng được phân tích dựa trên các thuật toán, công nghệ máy tính, tạo ra công cụ hỗ trợ các bác sỹ, nhân viên y tế trong việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh tốt hơn.

 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh, tọa đàm được tổ chức với mong muốn kết nối các nghiên cứu, thu hút sự quan tâm của những người làm công nghệ thông tin với y tế và ngược lại các bác sỹ, người làm trong ngành y quan tâm đến ứng dụng công nghệ số, dữ liệu lớn vào việc khám, chữa bệnh. Thứ trưởng Bùi Thế Duy kỳ vọng thông qua các hoạt động trong chuỗi sự kiện sẽ tập trung kết nối các nhà khoa học ở Việt Nam, Australia và tạo điều kiện hình thành nhiều dự án về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tương lai.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm tại đầu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ

Mở màn phần tham luận Tiến sỹ David Hansen, Giám đốc nghiên cứu,Trung tâm nghiên cứu y tế điện tử - CSIRO chia sẻ, việc ứng dụng y tế số giúp thúc đẩy dịch vụ, chất lượng chăm sóc sức khỏe. Ông cho biết, tại Australia, AI trong y tế được triển khai theo ba hướng nghiên cứu lớn, gồm nghiên cứu lâm sàng kinh điển dựa trên kiểu gene, xử lý dữ liệu y tế về những báo cáo về hình ảnh lâm sàng và tăng cường khả năng tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị bệnh nan y. Bắt đầu từ nghiên cứu tế bào cơ bản đến nghiên cứu liên quan đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng, trí tuệ nhân tạo và học máy có thể hỗ trợ công cụ phân tích dữ liệu thông minh.

Hệ thống sẽ gửi hình ảnh lâm sàng cho bác sĩ giúp bác sĩ có những chẩn đoán nhanh chóng, thứ hai AI giúp hệ gene, sử dụng thuật toán để thấy được diễn biến mô hình bệnh, chỉ thị sinh học, các thông tin trên hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, nghiên cứu để phân tích hình ảnh trên não bộ.

Các chuyên gia nước này cũng ứng dụng AI giúp xử lý ngôn ngữ tự nhiên cho các cơ sở dữ liệu về ung thư. Tức là khi phòng xét nghiệm về bệnh lý đưa ra các thông báo, cơ sở dữ liệu về ung thư phân loại và mã hóa thủ công các ca ung thư. AI giúp phân loại mô bệnh học, vị trí khối tiên phát, kích cỡ khối u và đưa ra thông tin giai đoạn ung thư.

Trong bài tham luận của mình với tiêu đề Tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyên ngành lao và bệnh phổi", PGS. TS. BS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, đồng thời là Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia là người có nhiều năm nghiên cứu, hoạt động về y tế đã chia sẻ,  AI đã được các bác sĩ và các chuyên gia của Bệnh viện Phổi Trung ương nghiên cứu, ứng dụng vào khám chữa bệnh từ 4 năm qua. Trí tuệ nhân tạo và các công nghệ hiện đại có thể giúp phát hiện sớm những bệnh thời đại như ung thư, tim mạch giúp giảm chi phí và kéo dài sự sống.

Hiện tại Bệnh viện Phổi Trung ương, AI được ứng dụng trong việc đọc kết quả chụp phim X- quang để chủ động phát hiện bệnh lao sớm trong cộng đồng. Ngoài ra, để hỗ trợ cho người bệnh điều trị dài hạn trên 6 tháng, các chuyên gia của bệnh viện đã phát triển một ứng dụng trên điện thoại có tên Dr. Minh giúp cả người bệnh và bác sĩ theo dõi tiền sử khám chữa bệnh. Việc áp dụng công nghệ sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán, giảm khối lượng công việc của bác sĩ và tăng năng lực khám chữa bệnh. Mục tiêu của bệnh viện là muốn chấm dứt lao phổi bằng cách phát hiện sớm mà AI sẽ là công cụ hỗ trợ rất tốt.

TS. Bùi Đức Toàn, nhà khoa học nghiên cứu cấp cao về AI tại VinAI Research có bài chia sẻ về các ứng dụng công nghệ này trong phát hiện và chuẩn đoán bệnh sớm. TS .Toàn cho biết, ba bài toán mà Vin AI tiến hành nghiên cứu và xử lý gồm phân tích não bộ trẻ sơ sinh, biến đổi các loại hình ảnh hỗ trợ phát hiện khối u và nâng cao chất lượng hình ảnh cầm tay để cung cấp cho bác sĩ.

Trí tuệ con người vẫn là quan trọng nhất

Đánh giá về trình độ và triển vọng phát triển AI tại Việt Nam, TS. David Hansen nhận định: Hiện nay, Việt Nam có một nền tảng về công nghệ tốt. Nhiều chuyên gia người Việt hiện làm việc ở những trung tâm AI hàng đầu thế giới. Điều kiện này sẽ thúc đẩy các sản phẩm chứa AI tăng nhanh hơn trong thời gian tới.

Chia sẻ về điều này, TS. Trần Thị Mai Oanh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Y tế cho biết, trong những năm gần đây, ngành y tế rất quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa nhiều hoạt động. Được biết, hiện nay một số bệnh viện đang triển khai các ứng dụng nhiều sản phẩm AI trong điều trị bệnh ở các bệnh viện như hỗ trợ điều trị ung thư tại Bệnh viện K, Bệnh viện Phú Thọ,...Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất 9 nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao cơ hội chăm sóc sức khoẻ người dân trong đó có gắn với công nghệ số như xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin; dữ liệu hồ sơ sức khoẻ cá nhân, bệnh án điện tử...

Tuy nhiên, quay trở lại câu chuyện tính pháp lý và y đức vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con người, nhiều ý kiến tại Tọa đàm đã đưa ra quan điểm, cần hết sức thận trọng và đặt vấn đề nghiêm túc về khung pháp lý để hài hòa việc đảm bảo sức khoẻ cho người bệnh mà còn đảm bảo quyền lợi cho cả bác sĩ. Điều này cũng được nhiều đại biểu đồng tình và nhấn mạnh: Trí tuệ nhân tạo cần phân định rất rõ phần trí tuệ, ý nói con người làm chủ công nghệ, nắm rõ kiến thức chuyên môn y khoa là cực kỳ quan trọng, còn lại phần công nghệ là đòn bẩy hỗ trợ để con người dựa trên năng lực, trình độ ra quyết định kịp thời, đúng đắn nhất.

Bài, ảnh: MC