|
|||
PGS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ông Quế Đình Nguyên – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân tham dự và chủ trì Tọa đàm. Cùng tham dự Tọa đàm có đại diện một số nhà khoa học, cán bộ của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, đại diện một số doanh nghiêp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học để phát triển thành các sản phẩm… Tọa đàm nhằm tuyên truyền các công nghệ sẵn sàng chuyển giao của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, giới thiệu các mô hình thành công về ứng dụng triển khai công nghệ giữa Viện và doanh nghiệp, đặc biệt là thảo luận các khó khăn, vướng mắc và những giải pháp thúc đẩy ứng dụng và triển khai công nghệ, kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp. Phát biểu khai mạc Tọa đàm, PGS.TS. Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, một sản phẩm khoa học hay một kết quả nghiên cứu để có thể đưa vào ứng dụng thành công trong thực tế cần phải có sự phối hợp của nhiều bên tham gia. Trong đó, một bên không thể thiếu để đảm bảo sự thành công chính là truyền thông. Đây là sợi dây kết nối giữa Nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và người sử dụng.
Ông Quế Đình Nguyên – Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân PGS.TS. Chu Hoàng Hà cho biết, những năm qua, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ được Chính phủ giao và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên cả ba lĩnh vực: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và đào tạo cán bộ có trình độ cao. Gần đây nhất, Nature index đã xếp hạng các nghiên cứu của Việt Nam trong đó Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu, bỏ xa đơn vị đứng thứ hai với khoảng cách xa. Đối với công tác ứng dụng và triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cũng đạt được nhiều kết quả đáng kể. Liên tục trong ba năm trở lại đây, Viện luôn được cấp lượng văn bằng Sở hữu trí tuệ đứng đầu cả nước (trung bình 50 bằng/năm). Hàng năm, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam có 10 công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp theo hình thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu, và số lượng tăng lên hàng năm. Nhiều kết quả nghiên cứu tuy không được sản xuất thành hàng hóa tiêu dùng song lại có tính ứng dụng rất cao như: Kết quả quan trắc động đất cảnh báo sóng thần; kết quả giám định AND hài cốt liệt sỹ; hệ thống xử lý chất thải bệnh viện, nhà máy; công nghệ tẩy độc đất ô nhiễm Dioxin bằng phương pháp sinh học; hệ thống phòng thí nghiệm về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường không khí… “Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, ảnh hưởng và làm thay đổi mọi phương pháp, hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống. Vai trò của KH&CN càng trở nên quan trọng. KH&CN là quốc sách hang đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, PGS.TS. Chu Hoàng Hà nhấn mạnh. Ông Quế Đình Nguyên, Phó Tổng biên tập Báo Nhân Dân cho biết, thời gian qua, nhất là trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19, KH&CN đã có những đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là đơn vị đứng đầu cả nước trong công tác nghiên cứu cơ bản, nhưng đang có những bước chuyển mạnh mẽ trong nghiên cứu ứng dụng. Nhiều kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã được chuyển giao cho doanh nghiệp, địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Toàn cảnh Tọa đàm “Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nhu cầu sở hữu các công nghệ hiện đại của doanh nghiệp tăng đòi hỏi các nhà khoa học định hướng các nghiên cứu của mình để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tốt hơn; nhà khoa học cần đẩy mạnh truyền thông tạo cầu nối với doanh nghiệp và cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí. Trong bối cảnh đó, cơ quan báo chí bên cạnh tuyên truyền cơ chế, chính sách về KH&CN tới nhà khoa học, doanh nghiệp, cũng cần đẩy mạnh truyền thông các sản phẩm khoa học và công nghệ để tôn vinh, biểu dương các nhà khoa học và giúp sản phẩm sớm tiếp cận người tiêu dùng”, Ông Quế Đình Nguyên cho hay. Tại Tọa đàm, các nhà khoa học đã trình bày các kết quả nghiên cứu, các công nghệ có tính ứng dụng cao trong sản xuất và đời sống như: các công nghệ cao trong bào chế dược liệu; hệ thống đánh giá thông tin sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử; mô – đun đèn led chiếu sáng công cộng tản nhiệt bằng chất lỏng các-bon nano; ứng dụng vi sinh vật tạo màng sinh học trên than sinh học để tạo chế phẩm xử lý ô nhiễm dầu…. Bên cạnh đó, tại Tọa đàm các nhà khoa học cũng đã đề cập tới một số khó khăn trong phát triển công nghệ và đề xuất cơ chế chính sách để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào cuộc sống. Các kiến nghị và đề xuất các giải pháp đưa ra tại Tọa đàm sẽ góp phần giúp các cơ quan quản lý hoàn thiện cơ chế, chính sách đang đặt ra hiện nay về đổi mới sáng tạo quốc gia, nghiên cứu ứng dụng công nghệ cốt lõi phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, các chính sách khuyến khích, thúc đẩy gắn kết viện, trường với doanh nghiệp, đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh… Tọa đàm được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình hợp tác giữa hai đơn vị Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam và Báo Nhân Dân và được ký kết từ 10/7/2017. Vân Nga
(Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam)
|